Google luôn nằm trong số những công ty tốt nhất thế giới về môi trường làm việc. Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn khi nghĩ rằng họ chẳng thể đầu quân cho hãng, bởi mình không phải thiên tài máy tính. Trên thực tế, gã khổng lồ tìm kiếm đang thuê số lượng lớn chuyên gia và nhân viên tại nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không nhất thiết phải liên quan đến IT. Hãy cùng tìm hiểu thêm về chúng qua danh sách dưới đây.
1. Hỗ trợ điều hành
Đúng vậy, đây là công việc mang tính chất hành chính, thích hợp với những nhân viên có khả năng tổ chức tốt, luôn tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng hỗ trợ mọi hoạt động của công ty trên nhiều phương diện khác nhau. Thuộc về hậu trường song ảnh hưởng của đối tượng này không hề nhỏ đâu nhé.
2. Bán quảng cáo
Google AdWords là một trong những mảng đem về nhiều lợi nhuận nhất cho Google. Do đó, tầm quan trọng của nhân viên bán quảng cáo là không thể phủ nhận. Theo đó, họ cần thật thông minh và đầu óc hoạch định tốt, tìm kiếm khách hàng và xúc tiến hợp đồng quảng cáo cho hãng.
3. Tổ chức công việc
Nhiều lao động được gã khổng lồ thuê về nhằm quyết định xem ai sẽ làm việc gì, góp phần định hướng kinh doanh và phát triển. Từ chuyện thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu, nhóm nhân viên này giúp đưa ra giải pháp kinh doanh hợp lý và bố trí công việc phù hợp cho tất cả đội ngũ dưới quyền.
4. Hỗ trợ khách hàng
Là một công ty lớn, Google duy trì phòng hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp, giải đáp mọi thắc mắc được người dùng gửi đến. Bởi vậy, những ai đảm nhận công việc đều phải hiểu biết sâu rộng về các dịch vụ của Google như Gmail, Chrome, Android…
5. Quản lý và đầu tư
Tiếp đến là mảng tài chính với nhiệm vụ hoạch định doanh thu và chiến lược sử dụng tài chính sao cho thật an toàn và đúng đắn. Hơn nữa, bạn còn có trách nhiệm đảm bảo rằng mọi dịch vụ của hãng đều tạo ra lợi nhuận lớn và thật ổn định nha.
6. Quản lý nhân sự
Dĩ nhiên rồi, đây là phần việc không thể thiếu trong hoạt động tại mỗi công ty. Bạn sẽ đảm nhiệm việc theo dõi sự phát triển của nhân viên trong công ty, những thay đổi lớn về tình trạng nguồn nhân lực và tuyển thêm Googler nữa chứ.
7. Luật sư
Bộ phận pháp lý được coi như một trong những trung tâm quan trọng nhất của Google, với đầy rẫy các vụ việc phải xử lý kín kẽ. Bạn cần theo dõi hồ sơ, nghiên cứu luật pháp hay “xắn tay” giải quyết rắc rối, đảm bảo Google không vi phạm bất cứ điều khoản nào khi duy trì hoạt động của mình.
8. Tiếp thị và truyền thông
Nhóm dịch vụ miễn phí như Gmail, Search, Maps, Chrome, Android... hay loại hình kinh doanh khác như AdWords, AdSense, DoubleClick, Analytics... đều cần tiếp thị rộng rãi, đó chính là nhiệm vụ của một số lượng lớn Googler. Thế nên, vai trò của đối tượng này tuy đơn giản nhưng cũng đầy thách thức, giúp mọi thông điệp của Google được hiểu chính xác.
9. Quản lý bất động sản
Nghe chẳng liên quan gì đến lĩnh vực Google đang kinh doanh, song điều ấy hoàn toàn hợp lý. Nên biết rằng Google duy trì hàng loạt văn phòng lớn nhỏ khác nhau trên khắp hành tinh, việc tìm kiếm địa điểm thích hợp và giữ chúng luôn vận hành ổn định trở thành một vấn đề lớn.
10. Kiểm tra sản phẩm và cảnh báo vi phạm
Với công việc chủ yếu là phân tích và thống kê, bộ phận kiểm tra sản phẩm của Google chịu trách nhiệm đảm bảo mọi dịch vụ đều hoạt động đúng và hiệu quả. Đồng thời, họ cũng có vai trò phát hiện những sai phạm tài chính, lạm dụng tài khoản hoặc vi phạm chính sách của Google.
11. Thiết kế sản phẩm trực quan
Không cần là một thiên tài máy tính, mặc dù công việc của bạn yêu cầu phải làm việc với bộ phận kỹ sư. Bạn góp mặt trong việc thiết kế giao diện đơn giản và tinh tế nhằm giải quyết những tương tác phức tạp mỗi khi Google quyết định giới thiệu dịch vụ mới. Ngoài ra, sự đổi mới giao diện theo thời gian của mỗi sản phẩm hiện tại cũng làm tăng thêm tính quan trọng và khối lượng công việc cho nhân viên thuộc bộ phận này.