Lấy nét "láo"
Máy ảnh hiện nay dù là loại rẻ tiền nhất đi chăng nữa cũng hỗ trợ Auto Focus (lấy nét tự động). Đây là một tính năng cực kỳ quan trọng và cần thiết cho người chụp ảnh, đặc biệt là những người dùng còn nghiệp dư. Dù rất dễ sử dụng nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn về tính năng này của máy ảnh.
Hãy chú ý để điểm lấy nét (thường ở chính giữa màn hình chụp) và vật cần lấy nét và ấn 1/2 nút chụp sau đó điều chỉnh lại bố cục và ấn nút để chụp ảnh. Việc này rất dễ dàng nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn và đương nhiên kết quả là một tấm ảnh xấu xí sẽ ra đời. Cụ thể, mặt nhân vật chính sẽ mờ ảo trong khi các vật không liên quan lại nét đừng từng chi tiết.
Chú ý: Trong hầu hết các trường hợp mặt phẳng lấy nét sẽ là mặt phẳng song song với thân máy. Hãy cố gắng để tất cả các vật muốn lấy nét trong tấm ảnh trên mặt phẳng này nếu bạn không muốn (hay không thể) học các khái niệm loằng ngoằng về độ sâu trường ảnh (DOF).
Chụp ngược sáng
Đây là một sai lầm cực kỳ thường gặp với những người chụp ảnh phổ thông. Hầu như ai khi bắt đầu chụp ảnh hay chỉ là cầm máy thôi cũng được lưu ý về việc không chụp trong điều kiện ngược sáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác nó là gì và việc tránh lại càng khó. Ngay từ việc mà nhiều người dặn đã thấy được độ phổ biến của sai lầm này.
Chụp ảnh ngược sáng nói chung sẽ làm mặt chủ thể tối, bức ảnh hay bị cháy... Thật ra, chụp ảnh ngược sáng là một cách chụp rất độc đáo, đẹp nhưng yêu cầu kỹ thuật cao và người dùng phổ thông hiếm khi làm được. Để có thể chụp được những bức ảnh ngược sáng mà vẫn đẹp, nhiếp ảnh gia cần một quá trình thực tế và kinh nghiệm.
Nói chung, bạn hãy tính toán làm sao cho nguồn sáng chính (như mặt trời chẳng hạn) không chiếu thẳng và ống kính là được. Không khó để tránh nhưng nhiều người dùng luôn gặp rắc rối với vấn đề này.
Chụp tấm ảnh không bố cục
Không đến nỗi gây hỏng hoàn toàn tấm ảnh như các sai lầm khác nhưng sai lầm về bố cục của tấm ảnh thường xảy ra đến... 99% đối với những người lần đầu chụp ảnh. Phải nhắc lại, sai bố cục là điều không hề bất thường, không làm ra một bức ảnh tồi tệ nhưng nó khiến cho người xem không có cảm giác thích thú và cảm nhận được cái đẹp của tấm ảnh khi xem.
Hai sai lầm hay gặp và phổ thông nhất của người chụp ảnh là khi chụp chân dung thường đưa đối tượng chụp vào chính giữa ảnh với suy nghĩ điều này sẽ làm "nổi bật" mặt của đối tượng nhưng tác dụng sẽ không được như mong muốn. Thứ hai là việc đưa đường chân trời vào chính giữa bức hình. Cũng tương tự như sai lầm đầu tiên, việc này sẽ làm bức ảnh của bạn trông rất mất cân đối.
Để khắc phục, hãy nhớ qui tắc 1/3. Hãy để đường chân trời ở 1/3 dưới hoặc 1/3 trên của tấm ảnh và đưa vật cần nổi bật vào giao điểm của 3 đường thẳng như trong ảnh để có bức ảnh đẹp. Đương nhiên, đây chỉ là quy tắc rất căn bản. Còn rất nhiều quy tắc khác về bố cục nhưng tạm thời bạn nên nhớ những điều này đã.
Chụp ảnh quá lộn xộn
Thông thường khi chụp ảnh một nhóm đông người đặc biệt là nhóm có trẻ em thì thường các "mẫu" sẽ không chịu đứng yên và đúng đội hình để cho chúng ta chụp. Rất khó để có được bức ảnh đẹp với những trường hợp như thế này.
Bởi vậy, hãy cố gắng sắp xếp các đối tượng trong bức ảnh sao cho dễ nhìn nhất (chưa tính đến yếu tố đẹp). Ngoài ra, việc chọn góc chụp sao cho bức ảnh trông có vẻ gọn gàng nhất cũng là điều các bạn nên học.
Và cuối cùng, chụp trong tâm trạng không tốt
Trừ khi là chụp ảnh với một nhóm rất đông hoặc là các bức ảnh mang tính "chính thống" như kiểu đứng nghiêm chào cờ chụp ảnh hay chụp ảnh thẻ, tâm trạng là yếu tố cực quan trọng để có thể sản xuất ra một bức ảnh đẹp. Hãy cố gắng chọn những ngày đi chụp mà cả bạn và mẫu đều có tâm trạng thoải mái, không bận bịu hay sắp phải đi... có việc. Như vậy, bạn sẽ có thời gian để sáng tạo và chuyên tâm cho công việc.
Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng những sai lầm trên đây lại thường hay xảy ra. Bởi vậy, hãy chú ý tránh những sai lầm trên để có một bức ảnh đẹp. Chúc bạn thành công!