5 lí do bạn không nên “ngâm” tin nhắn trả lời quá lâu

Mũm Mĩm, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 29/01/2015
Chia sẻ

Chờ tin nhắn “lên men” mới trả lời không chỉ khiến người gửi khó chịu mà còn là nguyên nhân khiến bạn dễ bị... “kì thị”.

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, con người không chỉ đơn thuần giao tiếp trực diện mà còn thông qua những phương tiện hiện đại. Nhắn tin cũng là một trong những cách thức liên lạc tiên tiến phổ biến hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được “văn hóa” nhắn tin, mà lỗi nhiều người mắc phải nhất chính là để người khác đợi quá lâu mới trả lời. Thói quen xấu này có thể để lại những hậu quả không hề “vui vẻ”.

Dưới đây là 5 lí do bạn không nên để người khác chờ trả lời tin nhắn quá lâu.

1.  Tốn thời gian của người gửi

5 lí do bạn không nên “ngâm” tin nhắn trả lời quá lâu 1

Có câu “Thời gian là vàng”, việc bạn để người khác chờ đợi một tin nhắn trả lời quá lâu đồng nghĩa với việc bạn đang phung phí “tiền bạc” của họ. Dĩ nhiên không ai thích hành động “xài chùa” đó cả. Đừng làm điều này thường xuyên bởi bạn sẽ dễ dàng bị người ta âm thầm cho vào “sổ nợ” để “thanh toán” dần dần. Sẽ đến lúc bạn biết đến cảm giác hao phí từng phút giây quý giá của mình cho một tin nhắn không có hồi âm. Chẳng dễ chịu một chút nào đâu!

2. Bất lịch sự

5 lí do bạn không nên “ngâm” tin nhắn trả lời quá lâu 2

Gửi trả lời sau khi đọc được tin nhắn đến là nguyên tắc giao tiếp cơ bản. Nhưng một khi bạn “vô tình” hay cố ý “bơ” nó đi thì chính là bạn đang thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người gửi. Để người khác phải chờ đợi mình là một hành động khiếm nhã, đôi khi còn khiến người đó cảm thấy mình bị coi thường. Vì vậy, hãy là một con người lịch sự bắt đầu với việc…trả lời tin nhắn kịp thời!

3. Ảnh hưởng đến tâm trạng của người gửi

5 lí do bạn không nên “ngâm” tin nhắn trả lời quá lâu 3

Một khi tin nhắn đã được gửi đi thì ai cũng mong muốn nhận được hồi âm thích đáng. Chờ đợi luôn luôn là một quá trình mệt mỏi. Cảm xúc ban đầu là một chút hồi hộp, một chút phấn khích mong ngóng, theo thời gian kéo dài, tâm trạng sẽ chuyển hóa thành lo lắng bất an, rồi đến bồn chồn khó chịu,bực bội tức giận và cuối cùng là người gửi hoàn toàn….mất hết kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời. Đặc biệt đối với các tin nhắn bày tỏ sự quan tâm chân thành hay tình cảm thân thiết mà bị bạn “phũ” thì người gửi chắc chắn “ôm hận” không nhỏ. Bạn cứ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng bị “hắt hủi” lại đi!

4. Rạn vỡ tình cảm

5 lí do bạn không nên “ngâm” tin nhắn trả lời quá lâu 4

Việc bạn “quên” không trả lời tin nhắn của người khác xảy ra một, hai lần còn có thể chấp nhận được, nhưng nếu là hành động thường xuyên thì các mối quan hệ của bạn sẽ dần dần có vết nứt. Không ai chỉ biết cho đi mà không đòi hỏi nhận lại được gì. Đối với một tin nhắn nhỏ mà bạn cũng không để tâm thì khó có thể trở thành người đáng tin cậy trong mắt những người thân xung quanh, mọi người sẽ có xu hướng ngại … chủ động nhắn tin cho bạn. Không liên lạc thường xuyên như vậy sẽ khiến bạn đánh mất nhiều mối quan hệ tốt đẹp mà nguyên nhân đôi khi chính bạn cũng không nhận ra.

5. Khiến chính bản thân bạn chịu thiệt

5 lí do bạn không nên “ngâm” tin nhắn trả lời quá lâu 5

Nếu bạn không muốn gắn với một loạt mỹ từ như “vô tâm”, “kiêu”, “chảnh”, “khiếm nhã”..., bị chính bạn bè trách cứ mắng mỏ hay muốn tránh lâm vào hoàn cảnh tình cảm “nguội lạnh” như trên thì bạn nên…chăm chỉ trả lời tin nhắn của mọi người hơn một chút. Bất cứ một hành động nhỏ nào của bạn cũng có thể trở thành “thước đo” tiêu chuẩn cho con người bạn, đừng vì bản tính thích cho người khác “ăn quả bơ” mà trở nên “xấu xí” trong mắt mọi người. Làm vậy bạn chỉ “gánh” tiếng xấu cùng tổn thất về mình mà thôi!

(Tổng hợp)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày