Cộng đồng tiếp thêm sức mạnh cho "dì ghẻ" trong câu chuyện "bánh đúc có xương": Không có mọi người thì chồng cô đã không sống nổi...

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 16/07/2018
Chia sẻ

Trong cuộc chiến 4 năm với ung thư của Thắng, cô Hoa thầm cảm ơn sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Dù đến cuối cùng, Thắng vẫn không thể tiếp tục sống, nhưng những lời hỏi thăm động viên, những khoản tiền ủng hộ đã giúp người phụ nữ ấy mạnh mẽ bước qua mọi khổ đau.

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (quận Hà Đông, Hà Nội) được xem là bến đỗ cuối cùng, nơi tiếp nhận những bệnh nhân ung thư nặng nhất. Tại đây, những trường hợp bị trả về được điều trị trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời. 

Chú Trần Văn Đức (SN 1950) - là chồng cô Phan Thị Hoa (SN 1970), người vợ, người mẹ trong câu chuyện "bánh đúc có xương" của chương trình Điều ước thứ 7 năm 2015. Ngày đó, "mẹ" Hoa khiến nhiều người bật khóc trước tấm lòng cao cả của mình dành cho em Trần Văn Thắng (SN 1997). 

Thắng không may mắc căn bệnh ung thư xương đầu gối vào năm 2014. 3 năm chống chọi với bệnh tật, một ngày cuối tháng 10/2017, Thắng ra đi trong nước mắt của mọi người. Em nằm lại mãi mãi ở tuổi 20 đầy hoài bão và ước mơ. Nghe câu chuyện của 2 mẹ con Thắng, có ai ngờ rằng cô Hoa không phải mẹ đẻ của em, mà chỉ là mẹ kế. Cô Hoa bước chân vào nhà Thắng khi chỉ một mình chú Đức "gà trống" nuôi 8 con nhỏ. 

Thắng qua đời được 2 tháng, chú Đức đột ngột nhập viện, và lần này là ung thư dạ dày. Cô Hoa tưởng như sắp gục ngã vì thêm một lần đau nữa.

Cộng đồng tiếp thêm sức mạnh cho dì ghẻ trong câu chuyện bánh đúc có xương: Không có mọi người thì chồng cô đã không sống nổi... - Ảnh 1.

Nụ cười toả nắng năm nào của em Thắng - đứa con út của cô Hoa chú Đức.

Đằng sau cánh cửa nơi buồng bệnh là nụ cười và cả những giọt nước mắt

Cô Hoa mua một bát cháo dinh dưỡng cất sẵn trong buồng bệnh. Vài tiếng nữa thôi, khi chú Đức đói, cô sẽ bón cho chú ăn. Từ ngày phát bệnh, chú ăn nhiều hơn hẳn. Ngoài tiền thuốc men và xạ trị thì vốn liếng còn lại cô cố gắng tẩm bổ hết cho chú. Đến giờ cô vẫn chẳng thể tượng tưởng nổi, chồng mình từ một người đàn ông khoẻ mạnh bỗng chốc đổ bệnh. Mà cay nghiệt hơn, cứ nhất định phải là ung thư - trò đùa số phận cách đây gần một năm đã cướp đi đứa con trai út của 2 người. 

Cô Hoa gầy lắm. Cô sút 2 ký chỉ trong vòng một tháng, còn chú Đức mất gần 30 kg rồi! Nhìn chồng, cô Hoa thủ thỉ: "Thế là may rồi cháu à. Đợt đầu mới mổ ý, cơ thể anh ấy như da bọc xương". 

Đều đặn cứ cách 20 ngày, vợ chồng chú Đức cô Hoa lại bắt xe từ Nghệ An ra Hà Nội để xạ trị. Mỗi lần xạ trị kéo dài mấy tiếng, chú Đức đau nhiều lắm. Chú đau một thì cô Hoa đau mười. Thương chồng, cô dành tiền mua cua, ghẹ - những thứ thức ăn giàu chất dinh dưỡng nhất cho chú tẩm bổ lấy sức. Buổi tối ở lại viện, chồng ngủ ghép giường, vợ lại lủi thủi trải chiếu nằm dưới đất. Những lúc chú đau, vẫn luôn có cô ở bên quan tâm, chăm sóc từng giây từng phút. 

Sau tổng cộng 5 đợt xạ trị, các bác sĩ vẫn chưa đưa ra kết quả chung về tình hình bệnh của chú Đức. Nhưng nhìn sắc mặt 2 vợ chồng khi ở cạnh nhau, luôn cười nói và âu yếm, chúng tôi biết chú khoẻ lên nhiều rồi. Cô Hoa cũng không khóc lớn nữa, chỉ thỉnh thoảng cô dùng bàn tay gầy gò lau đi vài giọt nước mắt thôi. 

Cộng đồng tiếp thêm sức mạnh cho dì ghẻ trong câu chuyện bánh đúc có xương: Không có mọi người thì chồng cô đã không sống nổi... - Ảnh 2.

Hai vợ chồng chú Đức cô Hoa trong lần xạ trị ở viện K ngày 20 - 21/6. Ảnh: MC Nguyễn Diệp Chi.

"Chú đỡ nhiều rồi, giờ chỉ còn hơi đau 2 bên cánh tay nữa, chắc vài hôm sẽ khỏi thôi à. Trưa 12/7 cô chú lại về Nghệ An, rồi 20 ngày sau lại ra Hà Nội" - chú Đức tâm sự.

Chú Đức cô Hoa không chọn cách ở lại Hà Nội cho 8 đợt xạ trị, vì nếu tính ra cũng liên miên kéo dài mấy tháng trời. Trong khi đó ở quê, còn bao nhiêu việc phải lo nhất là chuyện nhà cửa, đồng áng. Cảnh cô chú dìu dắt nhau lên viện xạ trị giờ thân quen đến nỗi, hỏi y tá hay bác sĩ nào, bạn cũng sẽ được chỉ tới tận phòng 2, khoa nội 3 của bệnh viện. 

Chắc hẳn ung thư không phải là cái chết, nhưng nó là một gánh nặng với bất kỳ người bệnh nào. Có người thấp thỏm lo sợ ngày cuối đời sẽ tới, cũng có người hóa điên vì phải chịu áp lực từ một "thế lực vô hình", nhưng thực chất lại chính là suy nghĩ của bản thân. Nhưng riêng chú Đức của ngày hôm nay, chú cười nhiều! Cả chú và cô đều không biết tương lai mình sẽ còn có thể dắt tay nhau đi tới tận đâu nữa, nhưng trước mắt cứ cười cái đã! 

"Thế cháu có người yêu chưa?" - chú Đức bất ngờ quay sang hỏi làm tôi phụt cười. Cô Hoa ngồi ngay cạnh cũng lấy tay che miệng cười bẽn lẽn. Cả phòng bệnh toàn bệnh nhân ung thư sáng lên những tia nắng cuối ngày. Quả thực chặng đường gian nan phía trước, sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng bằng những nụ cười trong trẻo như thế! 

"Không có cộng đồng thì nhà cô không sống nổi những tháng ngày qua"

Năm em Thắng bị ung thư, gia đình cô Hoa rất khó khăn. Quê nhà quanh năm sống bám vào vài sào đất trồng chè nên cũng chẳng khấm khá được là bao. Mấy đứa con còn thay phiên nhau ốm đau quặt quẹo, nghĩ đến tiền thuốc men cực chẳng đã còn nhiều hơn cả tiền ăn từng bữa cơm trong ngày. Toàn bộ số tiền kiếm được đều đổ vào chữa bệnh cho các con. Kiếp người này khổ đau như cô Hoa có lẽ là tận cùng rồi. 

Ngày lo xong ma chay tươm tất cho Thắng, cô Hoa bán luôn đôi hoa tai mà chương trình "Điều ước thứ 7" tặng năm nào để chạy ăn từng bữa. Nhà cô nợ nần nhiều đến nỗi, giờ mà đi vay mượn thêm thì ê chề và xấu hổ lắm. Nhớ lại những tháng ngày đó, cô chỉ biết khóc. 

Cộng đồng tiếp thêm sức mạnh cho dì ghẻ trong câu chuyện bánh đúc có xương: Không có mọi người thì chồng cô đã không sống nổi... - Ảnh 3.

Sau 2 tháng em Thắng mất, chú Đức phát hiện mình cũng bị ung thư. Lại thêm một lần đau với người phụ nữ khắc khổ, tảo tần.

Trong cuộc chiến 4 năm với ung thư của Thắng, cô Hoa thầm cảm ơn sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Dù đến cuối cùng, Thắng vẫn không thể tiếp tục sống, nhưng những lời hỏi thăm động viên, những khoản tiền ủng hộ đã giúp người phụ nữ ấy mạnh mẽ bước qua mọi khổ đau.

Đến giờ lo chạy chữa cho chồng với nỗ lực thoát khỏi tay tử thần, một lần nữa cộng đồng lại dang cánh tay rộng lớn ôm lấy cô vào lòng. Mỗi đợt xạ trị tốn hơn 2 triệu đồng, tiền thuốc men lên tới 6, 7 triệu, chưa kể tiền đi lại, ăn uống. Mà như lời cô Hoa, thì tiền ăn bồi bổ còn tốn nhiều hơn tiền thuốc. Rất may một phần chi phí chữa bệnh đã có bảo hiểm chi trả, 8 đợt xạ trị của chú Đức cũng được MC Nguyễn Diệp Chi tài trợ hoàn toàn. Mọi nỗ lực tiếp theo của cô Hoa, là cố gắng giúp chú Đức thật khoẻ để tiếp tục đương đầu với trận chiến.

"Thật lòng cô cảm ơn mọi người rất nhiều, nếu không có cộng đồng thì 4 năm bệnh tật của em Thắng và những ngày tháng vừa rồi của chú, cô chẳng biết xoay sở như nào. Không có cộng đồng thì nhà cô không sống nổi mất" - cô Hoa xúc động bật khóc.

Cộng đồng tiếp thêm sức mạnh cho dì ghẻ trong câu chuyện bánh đúc có xương: Không có mọi người thì chồng cô đã không sống nổi... - Ảnh 4.

Nhưng rồi mọi khổ đau sẽ được đền đáp bằng tình thương chân thành nhất.

Cộng đồng có thể là những người chỉ biết đến 2 vợ chồng cô chú qua facebook, báo chí, dù chưa một lần gặp gỡ trực tiếp nhưng thấm thía câu chuyện cảm động của 2 người. Một người mẹ, người phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân để chăm sóc và ở bên một người đàn ông nghèo cùng đàn con thơ. Cô luôn tin, dù không mang nặng đẻ đau 8 người con riêng của chồng, nhưng cô chính là người mẹ đã sinh ra chúng từ trái tim. 

Yêu thương sẽ luôn được đền đáp bằng thương yêu. Thứ tình cảm chân thành cô Hoa dành cho người bạn đời và những đứa con của mình, chắc chắn sẽ được đáp lại bằng những cái ôm chân thành nhất, như cách đây 3 năm, Thắng đã ôm mẹ Hoa một cách âu yếm và nồng ấm như thế. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày