Công chúa cuối cùng của triều Thanh: 17 tuổi thành góa phụ, dám phê bình thói xa xỉ của Từ Hi Thái hậu khiến bà "câm nín" nhưng vẫn nể sợ

Thùy Linh, Theo Pháp Luật và Bạn Đọc 01:43 08/01/2021

Dù không phải con gái của Hoàng đế nhưng bà được Hoàng thất và quần thần đặc biệt kính trọng.

Đó là Vinh Thọ Cố Luân Công chúa (còn gọi là Vinh Thọ Công chúa hay Đại Công chúa), con gái của Cung Thân vương Dịch Hân. Năm 1862, để bày tỏ lòng biết ơn với Dịch Hân, Từ Hi Thái hậu đã phong ông làm Nghị chính vương, đồng thời đưa con gái của ông vào cung nuôi nấng và phong làm Cố Luân Công chúa. Lúc đó Vinh Thọ Công chúa chỉ mới 8 tuổi (năm 1862).

Theo Thanh sử cảo, Vinh Thọ Công chúa là công chúa cuối cùng của triều đại nhà Thanh, dù không phải con gái của Hoàng đế nhưng bà được Hoàng thất và quần thần đặc biệt kính trọng.

Vinh Thọ Công chúa có tính cách điềm đạm, luôn thận trọng trong lời nói và hành xử. Ngay cả khi đối mặt với Từ Hi Thái hậu đầy quyền lực, bà cũng không bao giờ tâng bốc bản thân hay buông lời xu nịnh, và là một trong số ít người dám thẳng thắn phê bình Từ Hi Thái hậu.

Vinh Thọ Công chúa luôn một lòng với Từ Hi Thái hậu, quá trình sống ở hậu cung từ bé bà đã tập cho mình khả năng quan sát kĩ lưỡng và giải quyết mọi việc công tư phân minh. Bà rất ghét thái giám Lý Liên Kiệt nhưng luôn hòa thuận với mọi người trong cung.

Vinh Thọ Công chúa là người ít nói nhưng một khi đã cất lời, Từ Hi Thái hậu gần như đều gác lại mọi chuyện để lắng nghe. Có lẽ, vào thời điểm đó ngoại trừ sự yêu thương thì Từ Hi Thái hậu cũng sợ Đại Công chúa đến 3 phần.

Công chúa cuối cùng của triều Thanh: 17 tuổi thành góa phụ, dám phê bình thói xa xỉ của Từ Hi Thái hậu khiến bà câm nín nhưng vẫn nể sợ - Ảnh 1.

Vinh Thọ Công chúa

Theo lời truyền tụng, Từ Hi Thái hậu rất thích mặc những y phục xa hoa rực rỡ, nhưng Vinh Thọ Công chúa không vui khi thấy điều này. Bà đã nói một câu tương đối khó nghe: Lãng phí như vậy để làm gì? Ngài chẳng qua chỉ là một bà góa lớn tuổi của triều Thanh mà thôi, lại còn có tâm trạng làm đẹp sao, để người ngoài đàm tiếu...

Sau lần bị chỉ trích thẳng thắn đó, mỗi khi Vinh Thọ Công chúa đến gặp, Từ Hi Thái hậu đều chọn mặc y phục tương đối đơn giản, cũng không dám trang điểm quá nhiều hay mang thêm trang sức. Cung nhân đều nói, Vinh Thọ Công chúa giống mẹ của Từ Hi Thái hậu hơn.

Lại một lần khác, Từ Hi Thái hậu bí mật cho người may một y phục lộng lẫy từ gấm vóc Giang Nam, tốn không ít bạc. Lúc đó, Thái hậu đã lớn tiếng căn dặn cung nữ, thái giám không được cho Vinh Thọ Công chúa biết. Nhưng không biết bằng cách nào, Vinh Thọ Công chúa cũng biết được, liền chạy đến "giáo huấn" Từ Hi Thái hậu một lần nữa.

Tuy nhiên, Vinh Thọ Công chúa không phải vì được yêu thương mà sinh ra kiêu căng, không xem ai ra gì. Bà đã dựa vào năng lực của bản thân, nâng cao uy vọng của mình trong cung mới khiến ai cũng nể phục và nghe theo.

Công chúa cuối cùng của triều Thanh: 17 tuổi thành góa phụ, dám phê bình thói xa xỉ của Từ Hi Thái hậu khiến bà câm nín nhưng vẫn nể sợ - Ảnh 2.

Vinh Thọ Công chúa ngồi chính giữa hàng trước

Mặt khác, Từ Hi Thái hậu dù độc đoán nhưng không có nghĩa bà không biết lý lẽ. Trên thực tế bà hoàn toàn có thể sử dụng quyền lực để biện minh cho bản thân, thậm chí có thể trách phạt và đuổi Vinh Thọ Công chúa ra khỏi cung. Nhưng bà đã không làm điều đó, trước sự phê bình của công chúa, bà đã nghe theo lẽ phải. Trong lịch sử, ngoài Vinh Thọ Công chúa, Từ Hi Thái hậu còn nể sợ vài người khác nữa.

Năm 1868, Vinh Thọ Công chúa được gả cho Phú Sát Chí Đoan, con trai của Cố Luân Ngạch phò Phú Sát Cảnh Thọ. Nhưng đáng tiếc, sau 5 năm chung sống, Phú Sát Chí Đoan qua đời vì bệnh nặng. Năm đó bà mới 17 tuổi và không có con.

Thấy Vinh Thọ Công chúa còn trẻ nhưng đã mất chồng, Từ Hi Thái hậu đã rước bà vào cung. Năm 1924, Vinh Thọ Công chúa qua đời, hưởng thọ 70 tuổi.

Nguồn: Sohu, Baidu