Lương bổng vốn được coi là thước đo kinh tế giữa người này với người kia. Vì thế, sinh viên mới ra trường thường loay hoay không biết nên chọn công việc gì để có thể sở hữu một khoản thu nhập vừa đủ, có thể khiến bản thân tự chủ tài chính mà lại khiến bố mẹ tự hào về mình.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để có được một khoản thu nhập như vậy, người "làm công ăn lương" cần có những kĩ năng gì, phải làm thế nào để có thể duy trì mức lương ấy và xin thăng tiến có phải là một giải pháp không. Thật khó để nói chuyện tương lai nhưng phần lớn những người đi trước thường đưa ra lời khuyên là đi làm cứ phải chăm chỉ học hỏi, trải nghiệm, tích lũy kiến thức và kĩ năng cho những cơ hội sau.
Tất nhiên, lời khuyên đưa ra lúc nào cũng rất dễ nhưng làm được là cả một quá trình. Trên trang FTU Confessions, một cựu sinh viên đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này. Chẳng có gì quy định sự ổn định cả, lương bổng hay địa vị khi còn trẻ còn khỏe sẽ khó mà giữ vững. Ở mãi trong vùng an toàn sẽ chỉ khiến chúng ta thêm lười biếng và ì ạch mà thôi.
"Đừng lo quá về chuyện ra trường là cắm đầu vào cày tiền làm giàu. Có vẻ nhiều bạn sẽ cãi lại ngay. Cũng đúng thôi, cuộc sống này mà không có tiền thì mình chả thể trụ nổi, sống dặt dẹo ngay. Thế nhưng có vấn đề là giữa tiền và năng lực thì hai cái đó không đồng nhất. Bạn có năng lực giỏi thì sẽ sớm muộn cũng không lo về tiền. Ngược lại, nếu bạn chỉ nghĩ đến tiền, đôi khi đó là điều đang bóp chết tương lai của bạn, bởi không phải công việc nào trả lương cao cũng là do bạn giỏi và cho bạn nhiều điều tốt đẹp trong tương lai.
Ví dụ anh mình, sinh viên Ngoại thương K49, ra trường anh nhảy vào làm một ngân hàng có tiếng vì nghĩ lương cao. Mà cao thật nhé, hơn "chục củ" (đãi ngộ cao và anh mình vừa giỏi vừa khỏe nên "cày kinh" lắm). Với sinh viên ra trường mà lương như vậy thì đáng xem là thành đạt nhỉ? Anh ấy đi đâu cũng tự tin lắm, 2 năm sau lên trên 20 triệu, càng vênh mặt tự tin.
Thế nhưng đến bây giờ, sau 4 năm lương tăng rất rất chậm, lẹt đẹt không ăn thua. Tính chất công việc vất vả nhưng đổi lại lại không giúp anh ấy giỏi hơn quá nhiều. Chính xác hơn anh ấy là con robot cày tiền chứ không làm việc sáng tạo, đóng góp sự thay đổi lớn trong công việc. Bây giờ anh em ngồi tâm sự, anh bảo đã hơi sống quá an toàn.
Cứ nghĩ lương cao là ổn, và bỏ quên mất nhiều trải nghiệm tốt, bây giờ nếu nhảy sang ngành khác thì không đủ cơ hội để học hỏi và phát triển nữa. Ở lại ngành ngân hàng thì thấy mình không còn sức bật và khả năng phát triển. Một anh khác, thì ra trường làm lương "tàng tàng" thôi. Làm cho công ty nhỏ, nhưng tại đó anh được học nhiều, được thử thách nhiều, thế là sau đó anh ấy nhảy sang chỗ khác và phát triển khá tốt. Tuy sinh năm 91 nhưng lương tháng được 2000$ rồi. So với anh làm ngân hàng kia thì bây giờ kết cục lại tốt hơn.
Mình cũng giao lưu với nhiều anh du học sinh, có anh còn sống tại Mỹ để làm việc. Anh từng học thạc sĩ ở trường tốt của Mỹ nhé, anh kể là trong khóa của anh học, 3% sinh viên từng phục vụ trong quân đội, 1% từng bị chuyển sang Iraq và Afghanistan. Những người này dù tuổi lớn hơn sinh viên khác, nhưng lại được đánh giá rất cao và sau này thường dễ xin được vào các công ty lớn như Baker McKenzie, Golden Sach, JPMorgan Chase...
Mình cũng ngạc nhiên hỏi tại sao họ lại hơn? Anh trả lời rằng, đúng là thời gian quân ngũ thì không giúp họ học thêm về chuyên môn, kinh tế học... Thế nhưng họ luyện được thứ khác mà người ta không có, đó là khả năng chịu áp lực, khả năng giải quyết tình huống và lãnh đạo... Tố chất con người là thứ khó tìm hơn. Nếu có tố chất thì chịu khó học sẽ có chuyên môn ngay.
Có người trượt học viện Lục quân West Point vẫn đỗ được Havard. Chung quy lại, tuổi trẻ nên học hỏi thật nhiều, đừng nên chỉ nghĩ đến lợi ích ngắn hạn vì có thể bạn đang tự bóp chết tương lai của mình. Mình thấy có rất nhiều bạn mới ra trường đã đặt tiêu chuẩn đỗ mấy công ty lớn như Big4, các công ty lớn trong nước như VinGroup, các ngân hàng lớn...
Tuy nhìn thế thôi chứ chưa chắc bạn đã thu lượm được nhiều từ việc làm ở đó đâu, ngoài việc thêm được vài triệu tiền lương. Bạn chỉ là mắt xích nhỏ xíu trong cả cỗ máy vận hành khổng lồ. Nên là việc bạn học không được nhiều như cái hào nhoáng bên ngoài đâu. Hãy nên thử thách bản thân nhiều hơn, thử làm nhiều thứ hơn thì bạn sẽ có cơ hội phát triển hơn nhiều.
Dẫu sao bạn ra trường năm 22 tuổi, bạn còn 38 năm để lao động. Nếu nói là 30 tuổi mới giàu thì đó cũng không hề muộn chút nào. Tất nhiên lời mình nói không nhằm cổ súy việc lương ba đồng ba cọc đâu nhé. Bố mẹ cho tiền học thì cũng nên kiếm việc để làm sao mình sống được một cách độc lập, không cần xin phụ cấp nhé. Đó là nghĩa vụ cơ bản nhất bạn phải làm được sau khi tốt nghiệp Ngoại thương.
Đừng nên quy cho cái gì là "ổn định".
Chúng ta có nhiều ngã rẽ cho cuộc sống, thế nhưng việc dừng chân ở nơi nào, với ai, nó chỉ là một phút tạm nghỉ thôi. Nhiều người cho rằng việc kết hôn là ổn định, cái này không hề đúng chút nào. Nó chỉ là bạn bắt đầu cuộc sống mới, không hề ổn định chút nào nhé. Chỉ là bạn buộc phải có kĩ năng "teamwork" tốt, phải biết cách chịu đựng, nhẫn nhịn và cố sống vì người khác.
Sẽ có những hạnh phúc cùng nhau, nhưng cũng sẽ có những khó khăn, thách thức mà không ai có thể hỗ trợ mình được. Luôn có bước chuẩn bị tâm lí tốt thì mọi chặng đường đều trở nên dễ dàng hơn với bạn rất nhiều. Một công việc ổn định cũng thế, nó không hẳn là thứ giúp bạn thấy thoải mái ngay đâu. Hãy luôn học cách hài lòng và đôi khi là nhẫn nhịn với những cơ hội mất đi khi bạn chọn ở trong ngưỡng an toàn.
Tóm lại, mọi thứ tốt đẹp đều đến không dễ dàng chút nào, thế nên nhiều lúc mới còn trẻ, hãy để bản thân được thử thách nhiều hơn, nói chuyện với nhiều người hơn thì tự khắc bạn sẽ biết đam mê tiềm ẩn của mình. Mình từng nói chuyện với nhiều người hơn tuổi thành công và nhận được nhiều chia sẻ rất thú vị từ họ.
Chỉ có lời khuyên cho các bạn. Là không nên đặt ra tiêu chuẩn chung chung cho mình, đừng cố gượng ép mình theo người khác, bởi có thể bạn sẽ thành công theo một cách không giống ai. Tất cả mọi người đều khác nhau, đó là bản chất thế giới này."