Con ốc sên trong hình đã chết và nó đã khiến cả cộng đồng khoa học phải tiếc thương

J.D, Theo Helino 16:14 11/01/2019
Chia sẻ

Nhưng tại sao nhỉ? Mấy ai quan tâm đến sinh mạng của một con ốc sên?

Thường thì chẳng mấy ai quan tâm đến sinh mạng của một con ốc sên, nhất là khi đây là một trong những loài có khả năng gây hại lớn đến cây trồng của con người.

Nhưng trường hợp của con ốc sên trong hình dưới đây thì khác. Khi nó chết đi, cộng đồng khoa học chỉ biết lắc đầu thở dài thôi.

Con ốc sên trong hình đã chết và nó đã khiến cả cộng đồng khoa học phải tiếc thương - Ảnh 1.

Tên của con ốc trong hình là George "cô đơn". Nó chỉ mới qua đời, hưởng dương 14 tuổi. Và lý do gây nên sự nuối tiếc là vì George là con ốc sên cuối cùng trong loài của nó. Nói cách khác, loài sên mà George thuộc về đã chính thức tuyệt chủng.

George cô đơn có lớp vỏ màu nâu trắng, là cá thể cuối cùng của loài ốc sên Achatinella apexfulva. Loài ốc này vốn một thời tung hoành khắp các hòn đảo nhiệt đới, được mệnh danh là "hòn ngọc của rừng rậm," - trích trong bản thông báo mới của Chương trình ngăn chặn ốc sên tuyệt chủng, thuộc Bộ phận Lâm nghiệp và động vật hoang dã tại Hawaii.

Cục Tài nguyên và đất đai Hawaii cũng đưa ra một bản cáo phó dành cho George. Họ ví nó như một đại sứ dành cho những loài ốc sên đang trong hoàn cảnh tương tự. "George từng lên trang nhất của nhiều tờ báo, tạp chí và website. Từng hàng trăm học sinh tìm đến phòng thí nghiệm để được chiêm ngưỡng con ốc sên cuối cùng của một loài,"

Được biết, lý do khiến ốc sên A. apexfulva tuyệt chủng là vì nạn chặt phá rừng, và sự gia tăng của các loài xâm lấn. Năm 2012, George cô đơn được mang về phòng thí nghiệm của ĐH Hawaii, cùng với 10 cá thể các loài sên khác. Nhưng George khi ấy đã sống quá lâu, chẳng thể giao phối với bất kỳ đồng loại nào. Rốt cục thì khi các đồng loại chết đi, nó chỉ còn một mình, và mang theo biệt danh "cô đơn".

"George đã sống một mình trong lồng, và dù có cái tên đậm chất nam nhi thì đây vẫn là loài lưỡng tính, tức có khả năng vừa là đực, vừa là cái," - bản báo cáo của cục cho biêt. "Nhưng thật không may, Achatinella apexfulva là loài bắt buộc phải giao phối cùng giống, nghĩa là nó cần đồng loại để sinh sản."

Cái tên "George cô đơn" được đặt theo tên của một con rùa đảo Pinta, cũng là cá thể duy nhất còn sót lại. Rùa George đã chết trên quần đảo Galapagos vào năm 2012.

Con ốc sên trong hình đã chết và nó đã khiến cả cộng đồng khoa học phải tiếc thương - Ảnh 2.

Năm 2017, các nhà khoa học đã thu thập một đoạn chân của ốc sên George và gửi đến kho lạnh của sở thú San Diego. Tại đây, các mô của George sẽ được bảo quản cẩn thận, để trong tương lai chúng ta có thể nhân bản và giúp loài sên Achatinella apexfulva một lần nữa sống dậy trên Trái đất này.

Được biết, các hòn đảo tại Hawaii đã từng có hơn 750 loài sên, nhưng đã bị sụt giảm tới 90%. Theo giáo sư Michael Hadfield từ ĐH Hawaii - chuyên gia điều hành phòng thí nghiệm bảo tồn sên Achatinella, tương lai của các giống sên cùng chi với George cô đơn cũng tương đối ảm đạm.

"Có khoảng 10 loài tương tự vẫn đang sống, nhưng sẽ chúng sẽ không thể tồn tại trong 10 năm kế tiếp," - Hadfield chia sẻ. "Tuyệt chủng quả thực là một hiện tượng đáng sợ."

Hadfield cũng cảnh báo rằng cái chết của George cô đơn mới chỉ là khởi đầu thôi. "Rất nhiều loài sên còn sót lại trên đảo cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự."

Tham khảo: Huffington Post
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày