Năm nào cũng vậy, xoay quanh việc lì xì cho trẻ nhỏ luôn có vô vàn câu chuyện để kể; từ chuyện hài hước, vui vẻ đến chuyện ngại ngùng, khó đỡ. Câu chuyện của vợ chồng chị Phương (Hải Dương) là một ví dụ.
Tết năm nay, vợ chồng chị Phương và vợ chồng 2 người em trai cùng đến nhà người anh họ bên chồng để chúc Tết. Khi đến chơi, anh họ chồng rút phong bao lì xì các cháu, nhà chị Phương có một đứa, còn nhà hai người em trai chồng mỗi nhà 2 đứa. Năm nào người anh họ cũng mừng tuổi mỗi cháu 100 nghìn nên chị Phương không để ý nhiều.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên lúc người lớn đang nói chuyện thì bỗng một đứa cháu ngơ ngác hỏi: "Ơ sao anh M. (con trai chị Phương) được tận 500 nghìn, bọn con lại được mỗi 100 nghìn?". Ngay khi nghe thấy chuyện, cả chị Phương và chồng đều nhìn nhau và nhanh chóng hiểu ra, có lẽ người anh họ muốn cảm ơn chuyện trong năm, vợ chồng chị đã giúp đỡ xin việc cho con trai lớn của anh họ nên mới anh họ mới ngầm cảm ơn, lì xì cho con chị nhiều như thế. Nhưng tất nhiên, chuyện này không thể nói thẳng ra được.
Cũng may chị Phương sau đó có màn "chữa cháy" kịp thời. Chị quay sang bảo các cháu: "Cái này là bác Thành vừa mừng tuổi, vừa thưởng cho anh M. vì học kỳ I vừa rồi học giỏi, điểm tổng kết cao đấy. Mấy đứa nhìn anh M. được thưởng mà phấn đấu nhé. Năm nay mà học giỏi thì cả bác Thành, cả bác đều thưởng cơ!". Câu "chữa cháy" của chị Phương khiến đám trẻ vui vẻ, hớn hở gật đầu.
Cha mẹ nhớ nhắc con đừng mở phong bao lì xì trước mặt người khác
Trẻ em rất vui khi nhận được phong bao lì xì. Một số em vì vui và tò mò quá nên muốn mở phong bì ngay khi nhận được để xem bên trong có bao nhiêu tiền. Nếu trong gia đình có nhiều người thân và những phong bao lì xì được chuẩn bị với "dung lượng" khác nhau thì sẽ gây ra những tình huống ngại ngùng. Vì vậy, cha mẹ phải nhắc nhở con cái nói lời cảm ơn khi nhận được phong bao lì xì từ người lớn tuổi và chờ đợi, chỉ mở cho đến khi về nhà.