Gần đây các chuyên gia khảo cổ học Mỹ đã khai quật được hóa thạch của một loài khủng long mới tại tiểu bang Utah. Cụ thể, loài khủng long này được đặt tên là Akainacephalus johnsoni, thuộc chi ankylosaurid và hóa thạch của nó được tìm thấy tại ngọn núi gần ĐH Utah.
Ankylosaurids là chi khủng long ăn cỏ, da toàn thân là một lớp giáp cứng, cộng thêm cái đuôi có chóp bọc xương lộ ra giống một cây chùy. Thời hưng thịnh của chúng là 76 triệu năm về trước, vào cuối kỷ Cretaceous. Dù vậy, quê hương của chúng vốn là ở châu Á từ 125 triệu năm trước, và mới chỉ đến Bắc Mỹ và tiến hóa khác đi từ 77 triệu năm trước thôi.
Câu chuyện ở đây là hóa thạch mới được tìm thấy lại giống hệt như phân loài ankylosaurids của châu Á khi sở hữu đuôi gai, trong khi nhóm ở Bắc Mỹ thì không.
"Giả thuyết được chấp nhận từ trước đến nay là các nhóm ankylosaurid tại Utah bắt nguồn từ phân loài của nó tại phía tây Bắc Mỹ. Nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi biết Akainacephalus lại gần gũi với phân loài bên châu Á hơn" - Randall Irmis, tác giả nghiên cứu cho biết.
Bản thân hóa thạch này cũng hết sức đặc biệt. Nó tương đối hoàn chỉnh, với nguyên một hộp sọ và cái đuôi lớn khủng khiếp. Ngoài ra còn có phần lớn cột sống, một phần chi trước, chi sau, và một số dấu vết của bộ áo giáp bọc ngoài.
Phát hiện này đã củng cố thêm bằng chứng cho giả thuyết các loài ankylosaurid đã di chuyển từ châu Á sang định cư tại Bắc Mỹ. Ở thời điểm đó mực nước biển chưa dâng cao như bây giờ, và chúng ta có những "cây cầu đất" nối giữa các châu lục với nhau.
Cây cầu nối châu Á và Bắc Mỹ có tên Beringian, và có thể lũ khủng long đã theo con đường này mà di chuyển.
Ngoài ra, chúng có thể đã di chuyển thành 2 nhóm ở 2 khoảng thời gian khác nhau, dẫn đến việc có 2 phân loài khủng long mặc giáp tồn tại ở vùng Bắc Mỹ. Một nhóm là Ankylosaurus với gai nhọn, nhóm còn lại có đuôi bọc xương cứng như quả chùy.
"Thực sự rất thú vị khi biết rằng chúng ta có thể đọc được rất nhiều thông tin từ các hóa thạch, hiểu được các loài vật xưa kia đã tiến hóa như thế nào, và chúng xuất hiện kiểu gì" - Jelle Wiersma, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PeerJ.