Con gái hốt hoảng: Mẹ ơi, con sắp chết - Bà mẹ kiểm tra rồi hối hận vì đã bỏ qua 1 điều quan trọng khi dạy con

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 17:40 04/02/2024
Chia sẻ

Là cha mẹ, bạn hãy gánh vác trách nhiệm của mình, đặc biệt nếu có con gái, bạn cần đầu tư nhiều tâm sức và kiên nhẫn hơn!

Linh Linh (Trung Quốc) phát triển tương đối chậm so với bạn bè nên mãi đến gần 16 tuổi mới có kinh nguyệt. Khi nhìn thấy vết máu trên ga trải giường, cô bé không hiểu điều gì xảy ra nên rất sợ hãi và tưởng rằng mình bị bệnh nặng. Em bắt đầu nghi ngờ mình mắc bệnh gì đó, suốt ngày chán nản, không vui vẻ và không giao tiếp với người khác.

Lấy hết can đảm, cô bé mới dám kể với mẹ, khuôn mặt hoảng hốt vì nghĩ rằng mình "sắp chết". Bà mẹ kiểm tra, sau đó mới thấy quá hối hận vì những năm quá đã quá lơ là chuyện giáo dục giới tính cho con.

Con gái hốt hoảng: Mẹ ơi, con sắp chết - Bà mẹ kiểm tra rồi hối hận vì đã bỏ qua 1 điều quan trọng khi dạy con - Ảnh 1.

Rất nhiều trẻ em gái có trải nghiệm tương tự. Nhiều cô gái choáng ngợp và xấu hổ khi có kinh, nghĩ rằng mình sắp chết, mình đang mang thai và những quan niệm sai lầm khác.

Theo khảo sát, hiện nay nhiều bà mẹ còn thiếu giáo dục giới tính cho con gái, đặc biệt là kiến thức về sinh lý. Chẳng hạn khi con ở tuổi vị thành niên, các bà mẹ không kịp thời cho con biết về kinh nguyệt, sự phát triển của tuyến vú và các kiến thức liên quan khác. Những cô gái đang ở độ tuổi dậy thì mang đầy cảm giác tự ti, sợ hãi. Việc thiếu sự quan tâm khiến các em không biết cách đối mặt với những ngượng ngùng ở tuổi thiếu niên mà lẽ ra phải được hướng dẫn...

7 điều mẹ cần nói với con gái về kinh nguyệt

Đến tuổi dậy thì đồng nghĩa với việc bé gái sắp có kinh nguyệt. Trẻ em ngày nay phát triển nhanh hơn và kinh nguyệt sẽ bắt đầu ở độ tuổi 11-15. Vì vậy, các bà mẹ phải luôn chú ý đến những thay đổi về thể chất và tinh thần của con mình, đồng thời quan tâm, hướng dẫn vào những thời điểm quan trọng. Một số cô gái sống nội tâm hơn, thậm chí còn ngại nói về những điều như vậy nên cần sự quan sát kỹ càng hơn từ mẹ.

Tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp, chuyển từ một cô bé thành một cô gái trẻ, đây là khoảng thời gian vô cùng đẹp đẽ và không phải là điều đáng xấu hổ. Vì vậy, các mẹ hãy truyền đạt những quan niệm đúng đắn cho con, không nên tiếp tục né tránh vấn đề này mà cần có sự hướng dẫn tích cực.

1. Kinh nguyệt không đáng xấu hổ

Do thiếu hiểu biết về giới tính nên một số chàng trai, cô gái ở tuổi vị thành niên cho rằng kinh nguyệt là một điều "bẩn thỉu" và tránh nhắc đến. Thực tế kinh nguyệt là dấu hiệu quan trọng để các cô gái bước vào tuổi dậy thì và trưởng thành. Không đáng xấu hổ.

2. Thời gian hành kinh

Kinh nguyệt sẽ đến hàng tháng nhưng thời gian đến không cố định, khoảng cách giữa các chu kỳ là 28 đến 35 ngày là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, một số bạn gái có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều do buồng trứng chưa phát triển đầy đủ dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt xảy ra hai lần một tháng hoặc không xuất hiện trong nửa năm. Hãy dặn con bạn đừng lo lắng, giai đoạn rối loạn này sẽ kéo dài khoảng 1 đến 2 năm, nhưng nếu lâu ngày không đều thì nên đến bệnh viện.

3. Dấu hiệu nhỏ trước kỳ kinh

Một tuần trước khi đến kỳ kinh, bạn gái có thể cảm thấy một số triệu chứng nhỏ như đau nhẹ vùng bụng dưới, đau ngực, đau lưng,… Khi những triệu chứng này xuất hiện, con có thể chuẩn bị băng vệ sinh và chờ đến kỳ kinh.

4. Về băng vệ sinh

Băng vệ sinh chất lượng cao có thể giúp con trải qua kỳ kinh nguyệt một cách an toàn. Băng vệ sinh được chia thành sử dụng ban ngày và sử dụng ban đêm, nếu số lượng nhiều thì chọn sử dụng vào ban đêm, nếu số lượng ít thì chọn sử dụng hàng ngày. Vì băng vệ sinh sẽ sinh ra rất nhiều vi khuẩn theo thời gian nên cần được thay thế kịp thời.

5. Vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt

Khi con đang trong thời kỳ kinh nguyệt, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm sút, nếu không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong thời gian này sẽ dễ bị vi khuẩn lây nhiễm và dẫn đến bệnh tật.

Vì vậy, nên đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong thời kỳ kinh nguyệt và xả sạch bằng nước ấm vào mỗi tối. Tắm bồn rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể nên tắm vòi sen là lựa chọn tốt nhất, đồng thời tránh gội đầu và tắm bằng nước lạnh.

6. Khó chịu trong kỳ kinh nguyệt

Một số bạn gái sẽ bị đau bụng kinh. Khi cảm thấy khó chịu có thể uống thêm nước nóng và chườm nóng vùng bụng dưới. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể dùng thuốc giảm đau như ibuprofen theo lời khuyên của bác sĩ.

7. Làm thế nào để vượt qua kỳ kinh nguyệt thoải mái?

Trong thời kỳ kinh nguyệt nên tránh các hoạt động thể chất như chạy, nhảy cao, v.v., có thể gây chảy máu quá nhiều và làm nặng thêm sự khó chịu về thể chất; thứ hai, nên chú ý nghỉ ngơi và tránh gắng sức quá mức.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày