Vào tháng 7 năm 1999, một cô gái tên Đới Liễu đến từ thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã thi đại học được số điểm 687, xếp hạng thủ khoa môn nghệ thuật tự do toàn thành phố. Đây vốn là một điều hạnh phúc, nhưng trong gia đình Đới Liễu lại nảy sinh mâu thuẫn gay gắt.
Nữ sinh Đới Liễu đã điền nguyện vọng đại học của mình là Đại học Bắc Kinh - ngôi trường số 1 của Trung Quốc bên cạnh Đại học Thanh Hoa. Với điểm số rất cao, cô chắc chắn có thể đậu ngôi trường mơ ước của mình. Thế nhưng vào ngày nhận giấy báo nhập học, cô bàng hoàng phát hiện ra mình sẽ phải vào học Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc chứ không phải Đại học Bắc Kinh.
Đới Liễu đỗ Đại học Bắc Kinh nhưng không được theo học vì nguyên nhân không ai ngờ tới
Hóa ra cha của Đới Liễu đã tự ý lén lút thay đổi nguyện vọng của con gái bằng cách đến gặp thầy chủ nhiệm của cô, bí mật thay đổi đơn đăng ký dự thi đại học sang trường khác. Ông nói dối thầy giáo rằng mình đã thảo luận với con nên hành vi lén lút này được thực hiện trót lọt.
Đới Liễu tất nhiên đã vô cùng tức giận, vừa khóc vừa chất vấn ông: "Tại sao cha lại thay đổi nguyện vọng của con mà không có sự đồng ý của con? Cha có biết con đã cố gắng như thế nào để vào được Đại học Bắc Kinh không?" . Thế nhưng cha cô vẫn khăng khăng nói rằng đó là "vì tốt cho con". Ông cho rằng ngôi trường ông chọn mới phù hợp với con gái và sẽ cho cô tương lai tốt hơn là học nghệ thuật.
Thực chất, nguyên do sâu xa khiến bố Đới Liễu hành động như vậy là vì muốn con gái thay mình thực hiện ước mơ dang dở hồi còn trẻ. Vài chục năm trước, ông đã ao ước được vào học ở Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc nhưng thi thiếu điểm nên phải học trường khác.
Trên thực tế, những chuyện tương tự như vậy xảy ra phổ biến ở không ít gia đình. Cha mẹ can thiệp trực tiếp và thô bạo vào quyết định của con cái, không quan tâm cảm xúc và mong muốn của con. Và với gia đình họ Đới, câu chuyện này đã kéo theo bi kịch không bao giờ có thể chữa lành.
Đới Liễu sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều là trí thức cấp cao thời bấy giờ. Bố cô là giáo viên còn mẹ cô là phóng viên. Là một thầy giáo, bố của Đới Liễu đã truyền cho con sở thích đọc sách và yêu thích học tập ngay từ nhỏ. Cô trưởng thành với thành tích học tập tốt và tính cách tự lập, hiểu chuyện. Suốt thời niên thiếu, tình cảm cha con giữa hai người rất khăng khít. Bố không chỉ là người thân mà còn là người bạn, người cố vấn đáng tin cậy của cô.
Gia đình họ Đới vốn là gia đình hoàn hảo
Đến khi vào cấp 3, Đới Liễu bắt đầu có nhiều bạn bè và ít dành thời gian bên gia đình hơn. Cảm nhận được những thay đổi của con gái, cha Đới bắt đầu thấy bất an, sợ con gái lớn lên sẽ rời xa mình. Ông bắt đầu muốn kiểm soát cuộc sống của con gái và đỉnh điểm là việc đổi nguyện vọng đại học của con. Cứ nghĩ rằng mình đã đưa ra lựa chọn tốt hơn cho con nhưng ông đã đẩy con gái mình ra xa hơn. Kể từ đó, quan hệ giữa hai cha con trở nên lạnh nhạt và Đới Liễu chỉ chăm chăm lên kế hoạch "thoát khỏi" cha mình.
Dù đau khổ và ấm ức, sau đó Đới Liễu cũng đã nhập học Đại học Khoa học Chính trị và Luật. Thế nhưng những ngày tháng sinh viên ở ngôi trường mình không thích, phải học ngành học mình không đam mê đã khiến cô kiệt sức. Cô chọn sống cuộc đời sinh viên một cách lầm lũi, không giao lưu với bạn bè, hiếm khi tham gia hội sinh viên hay thậm chí là các bữa tiệc trong ký túc xá. Cô dành cả ngày để học với mục tiêu duy nhất là sang nước ngoài du học, thoát khỏi xiềng xích của cha mình thông qua việc học tập.
Sau nhiều cố gắng, Đới Liễu đã thành công lấy được học bổng du học Hàn Quốc. Khi hay tin con gái sắp đi du học, cha cô không vui mà còn tức giận. Ông nói: "Ai đồng ý cho con đi? Con đã thảo luận với cha mẹ chưa? Con đi sang nước ngoài bỏ lại cha mẹ như vậy cũng được sao?" . Đáp lại sự phản đối của bố, Đới Liễu lần này chỉ nhẹ nhàng nói cô gọi cuộc gọi này chỉ để thông báo, chứ không phải thảo luận.
Bất chấp sự phản đối của cha mẹ, Đới Liễu một thân một mình đến Hàn Quốc. Dù đã được tự do nhưng cuộc sống mới của cô cũng không suôn sẻ mà đầy rẫy khó khăn từ khác biệt ngôn ngữ, văn hóa cho đến tệ hơn là bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Dù luôn nỗ lực học tiếng Hàn và chăm chỉ học tập, cô vẫn khó có thể cạnh tranh và thành công ở xứ người.
Ở Hàn Quốc, Đới Liễu không có cuộc sống tốt và thường bị đồng nghiệp cô lập tại nơi làm việc. Dẫu vậy, cô vẫn tự thề với bản thân vĩnh viễn sẽ không trở về nước, không trở về nhà. Năm 2006, Đới Liễu vào làm tại Tập đoàn tài chính Shinhan - một doanh nghiệp hàng đầu tại xứ sở kim chi. Ngỡ rằng cuộc sống của cô sẽ tốt đẹp lên nhưng cô vẫn chỉ tiếp tục mệt mỏi vì công việc quá căng thẳng, áp lực.
Đới Liễu khi trưởng thành
Cho đến năm 2019, Đới Liễu ở độ tuổi gần 40 quyết định bỏ việc, cùng chồng đến đảo Jeju mở một homestay nhỏ, sống cuộc sống bình yên. Cho dù ở nước ngoài gặp bao nhiêu áp lực, Đới Liễu từ đầu đến cuối đều không lựa chọn trở về với cha mẹ. Cô cũng đã không trở thành một luật sư hay chính trị gia như ao ước ban đầu của bố, và cũng vĩnh viễn từ bỏ ước mơ nghệ thuật của mình.
Thói quen kiểm soát con của cha Đới Liễu thực chất không phải là hiếm ở các gia đình Á Đông. Người lớn luôn lấy lý do con còn quá nhỏ, chưa hiểu sự đời để thỏa mãn ước muốn ích kỷ của riêng mình dưới chiêu bài "tốt cho con". Sau tất cả, mọi cha mẹ cần phải tôn trọng con, lắng nghe suy nghĩ của con và tuyệt đối đừng nhân danh "vì lợi ích của con" mà đẩy con lẫn chính mình vào bi kịch.
Nguồn: Toutiao