"An cư thì mới lạc nghiệp" có lẽ là quan điểm đúng với hầu hết tất cả mọi người và chuyện sở hữu (ít nhất) 1 căn nhà vẫn luôn là đích đến của mỗi chúng ta. Dẫu vậy, việc mua nhà rất có thể còn phải gắn liền với chuyện làm nhà. Chúng ta có nhiều cái cớ để sửa nhà, và đó là lý do ai cũng nên trang bị cho mình những kiến thức liên quan tới vấn đề này.
Không dám thừa nhận mình là người đủ hiểu biết, nhưng sau khi tự sửa nhà mà không hề qua bất cứ 1 đơn vị thi công, giám sát hay thiết kế nào, chị Hằng Nguyễn (hiện đang sinh sống tại Hà Nội) - bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình đã chia sẻ những điều không phải ai cũng biết và sẵn sàng chia sẻ. Đây có lẽ là "hành trang" vô cùng quý báu cho những người đang và sẽ có dự định sửa nhà, càng có ý nghĩa hơn nếu đây là lần đầu tiên của bạn.
"Tròn 1 năm mua rồi sửa sang, sinh sống ở trong căn nhà này, tôi mới thực sự đúc kết được hết những kinh nghiệm và lưu ý về chuyện sửa nhà", chị Hằng nói.
1. Làm nhà thì phải có thiết kế, đừng vừa làm vừa mò mẫm
"Bản thiết kế quan trọng như 1 tấm bản đồ dẫn tới đích. Song, số tiền bạn phải chi trả không đáng là bao. Nhà mình thuê thiết kế hết 200.000 đồng/m2, họ bàn giao lại toàn bộ hồ sơ thi công rất chi tiết từng hạng mục nhỏ. Nhờ vậy nên khi đi đóng nội thất chỉ cần làm theo số liệu là khớp", chị Hằng cho hay.
2. Nên thuê đơn vị thi công trọn gói uy tín
Đây là điều đặc biệt nên làm nếu bạn là người không có chuyên môn xây dựng cũng như thời gian giám sát nhiều. Thay vì mò mẫm và phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian trong suốt cả quá trình sửa nhà thì hãy tìm và lựa chọn một đơn vị thi công trọn gói uy tín. Hoặc thuê luôn đội thiết kế về làm, tuy nhiên giá sẽ chênh hơn so với tự làm.
"Tự làm như mình thì khá mệt nhưng tiết kiệm được 1 khoản", chị Hằng chia sẻ.
3. Không thuê người quen
Nếu thuê người quen thì tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Bởi, có rất nhiều trường hợp, khi hoàn thành, căn nhà không được như ý hoặc làm đúng như ý tưởng ban đầu thì sẽ rất khó để nói. Theo đó, nếu không muốn vừa mất tiền vừa rước bực vào thân, thậm chí có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của 2 bên thì đây là điều thực sự không nên chút nào!
Hình ảnh căn bếp trước và sau khi sửa nhà của chị Hằng.
4. Diện tích vừa đủ sử dụng
"Nhà mình mua căn này dự phòng cho tương lai khoảng 5-7 năm tới thôi, sau đó sẽ đổi căn to hơn. Vì hiện tại chưa có nhu cầu lắm", đó là lý do chị Hằng chọn căn chung cư rộng 90m2.
Dẫu vậy, đây không phải là điều ai cũng xác định được. Hãy thực sự hiểu mình muốn gì và cần gì trước khi mua nhà nhé, bởi số tiền bạn phải bỏ ra để có cho mình 1 mái ấm thực sự, thỏa mãn nhu cầu của bản thân trong suốt chặng đường tiếp theo là không hề nhỏ.
5. Không nghe góp ý của những người không có chuyên môn
Đặc biệt là hàng xóm. Lời khuyên của họ có thể đúng với họ nhưng không phù hợp với mình. Thay vào đó, hãy lắng nghe ý kiến khách quan từ người có kiến thức. Nói chung khi làm phải cần cân nhắc đến tính linh hoạt khi sử dụng. Không ai hiểu mình bằng chính mình.
6. Kiểm soát chặt chẽ về tài chính
Đây là kinh nghiệm đặc biệt hữu ích, giúp bạn không bị đội chi phí. Bạn cần biết rằng, mọi thứ trong căn nhà đều liên quan tới nhau và đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta thường bị phát sinh chi phí so với dự tính ban đầu.
Đơn cử như nhà chị Hằng, trong quá trình làm hoàn thiện ốp lát, cửa giả sơn ve... Chị Hằng dự trù số tiền 10 triệu đồng cho việc sơn sửa, tuy nhiên sau đó đã phát sinh lên thành 25 triệu đồng.
"Vì trong quá trình lựa chọn mình có thể sẽ chọn loại xịn hơn dự trù ban đầu. Song, dẫu sao đó cũng chỉ là 1 vấn đề rất nhỏ thôi. Mình cũng mong mọi người hãy cân nhắc thật kĩ để có thể dự trù được kinh phí phù hợp với ngân sách của gia đình mình", chị Hằng chia sẻ.
Góc phòng khách.
7. Việc chống thấm, chọn chất liệu đá, lavabo, chậu rửa bếp,... là đặc biệt quan trọng
Chị Hằng nhấn mạnh, lưu ý này ảnh hưởng và liên quan tới chất lượng cuộc sống của chính bạn về sau này: "Không là lúc sử dụng sẽ phát cáu lên vì bất tiện bực bội. Cái gì chính đáng thì nên đầu tư chứ đừng bấm bụng tiết kiệm, nếu không sau đó bạn sẽ tiếp tục phải sửa. Trong đó, mình đặc biệt khuyên mọi người tuyệt đối không tiết kiệm chống thấm. Tính sơ bộ chống thấm khu vực lavabo 1,2m. Khu vực nhà tắm 1,8m. Khu vực ban công tùy kích thước của từng gia đình".
Góc bếp nhỏ xinh và luôn sạch sẽ.
Với những kinh nghiệm trên đây, chúng tôi mong rằng, mọi người có thể hoàn thiện cho mình một căn nhà như ý với chi phí phải chăng và đặc biệt là không xảy ra nhiều rắc rối trong quá trình sửa sang.