Chiều 6/4, Công ty cổ phần FPT đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023. Sau khi sự kiện kết thúc, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị của FPT đã chia sẻ trên trang cá nhân về buổi đại hội này.
Ông Bảo dẫn lại câu hỏi của một cổ đông FPT hỏi trong Đại hội đồng cổ đông: "Hôm nay đã là ngày 6/4 rồi, xin cho biết kết quả kinh doanh quý 1 của FPT?".
Giám đốc tài chính của FPT trả lời, một số mảng kinh doanh trong nước của FPT có gặp chút khó khăn, nhưng nhờ mảng kinh doanh quốc tế tăng trưởng cao nên kết quả kinh doanh quý 1/2023 của FPT vẫn theo đúng kế hoạch, tăng trưởng 18% về doanh thu và trên 18% một chút về lợi nhuận.
Điều này khiến ông Bảo nhớ lại thời điểm cách đây 25 năm (1998), khi FPT quyết định mở ra hướng xuất khẩu phần mềm.
Ông Bảo viết: "Nhớ lại thời điểm cách đây 25 năm (1998), khi FPT quyết định mở ra hướng xuất khẩu phần mềm, cả Châu Á trùm trong khủng hoảng tài chính và BĐS, thị trường u ám, các công trình dây dựng dừng thi công, các biển quảng cáo bị dỡ bỏ, các thành phố lớn như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Malina, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội một màu xám xịt về ban ngày, tối om và leo lét về ban đêm.
Khi ấy người FPT cùng nắm tay nhau: 'xuất hay là chết' và tự nhủ: nếu xuất khẩu phần mềm thành công thì sau này kinh tế Việt Nam và khu vực có khủng hoảng thì FPT không bị cuốn vào cơn lốc khủng hoảng ấy".
Dưới phần bình luận bài đăng của ông Bảo, người dùng B.A.T chia sẻ, thời điểm FPT chưa IPO giá khoảng 18.000 đồng/ cổ phiếu rất nhiều người khuyên mua, thậm chí không có tiền còn tìm cách vay để mua.
Trả lời bình luận này, ông Bảo viết: "Dạo ấy mua bán cổ phiếu FPT nhộn nhịp lắm, càng sát ngày càng nhộn nhịp. Có bọn chở đầy ô tô tiền mặt đến đỗ xe ở sân FPT, có ai bán là vào giao dịch ngay. Khi sân FPT chật, bảo vệ đuổi ra, lại chạy xe ra đường chạy vòng quanh, khi có chỗ đỗ xe lại vào".
Tại ĐHĐCĐ, FPT đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 52.289 tỷ đồng (xấp xỉ 2,1 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ, tăng lần lượt 18,8% và 18,2% so với kết quả năm 2022.
Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ dự kiến sẽ đem về doanh thu nhiều nhất với 31.150 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ và chiếm gần 60% tổng doanh thu. Hai khối viễn thông và giáo dục, đầu tư khác mục tiêu tăng trưởng lần lượt 14% lên 16.739 tỷ và 25% lên 4.400 tỷ.
Trong đó, mục tiêu mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài hướng đến doanh thu 1 tỷ USD; mảng dịch vụ CNTT trong nước hướng đến mục tiêu phục vụ 1 triệu doanh nghiệp trong nước.
Về lợi nhuận, khối công nghệ dự kiến đóng góp 4.166 tỷ đồng LNTT, tăng 24%, khối viễn thông đem về 3.230 tỷ đồng LNTT trong khi LNT khối giáo dục, đầu tư và khác dự kiến đạt 1.659 tỷ đồng.