Có phải người Châu Âu đã cam chịu sống chung với khủng bố?

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 14:28 19/07/2016
Chia sẻ

Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở Châu Âu trong thời gian qua, người ta phải đặt ra câu hỏi, rằng phải chăng người Châu Âu sẽ phải sống chung với khủng bố.

Nếu có một tính năng nào của Facebook mà người ta không bao giờ mong muốn có dịp được kích hoạt nhất, thì đó là tính năng Safety Check. Vậy mà tính năng này đã được bật ở Pháp 2 lần, không phải vì thiên tai, lũ lụt, mà là vì khủng bố.

Từ cách đây 9 tháng, nước Pháp không còn là nơi mà tiếng kèn Harmonica réo rắt bên dòng song Sein thanh bình, luồn vào tai những con người thanh lịch chậm rãi bước trên từng con phố xinh xinh của kinh đô ánh sáng. Ngày 13/11/2015 đã chính thức cảnh tỉnh người dân nước Pháp, và cả trên thế giới rằng: Châu Âu không còn là lục địa yên bình nữa.

Có phải người Châu Âu đã cam chịu sống chung với khủng bố? - Ảnh 1.

Ai mà không nhớ những hình ảnh này 9 tháng về trước trong vụ khủng bố Paris?

Ngày hôm ấy, thủ đô Paris bị công kích bởi 7 tên khủng bố. 137 người chết, 300 người bị thương, số nạn nhân trải khắp 26 quốc gia. Họ đến Paris với sự háo hức về thành phố xa hoa, rồi lại ra đi vĩnh viễn cùng sự thanh bình của Paris nói riêng và Châu Âu nói chung. Đây là vụ khủng bố tồi tệ nhất, đen tối nhất trong lịch sử nước Pháp, lại rơi đúng vào cái ngày mà người ta mệnh danh là "thứ 6 đen tối". Đứng ra nhận trách nhiệm là IS, tổ chức Hồi Giáo cực đoan khét tiếng nhất trong thời điểm những năm gần đây.

Phải mất khá lâu để người Pháp có thể hồi phục lại tinh thần sau cú shock quá lớn này. Bẵng một thời gian sau, đùng một cái, đến lượt thành phố Brussels của Bỉ, trung tâm đầu não của Châu Âu lại bị tấn công tiếp. 3 quả bom nổ tại 2 địa điểm tập trung đông người, tước đi sinh mạng của 35 người, làm bị thương 300 người. Ngày 22/03/2016 lại một lần nữa nhắc nhở người dân Châu Âu rằng, lục địa già đã hoàn toàn chẳng còn yên bình nữa.

Có phải người Châu Âu đã cam chịu sống chung với khủng bố? - Ảnh 2.

Tiếp tục đến Bỉ bị đánh bom chỉ vài tháng sau đó.

Tới 29/06, Châu Âu lại tiếp tục rung chuyển bởi tiếng bom mìn. Lần này nạn nhân là thủ đô Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ. 41 người chết, 230 người bị thương. Gây ra vụ thảm sát này là 3 tay súng ôm bom tự sát. Chưa có tổ chức nào chính thức đứng ra nhận trách nhiệm, tuy nhiên thế giới vẫn mặc định rằng đó là IS.

Và cho tới gần đây nhất, vào cái ngày đáng nhẽ người dân Pháp phải được vui vẻ, phải được sống thanh lịch như những gì mà thế giới nhìn họ từ trước đến giờ, với rượu vang trên tay và từng tiếng cười khúc khích, tay trong tay ngắm pháo hoa ăn mừng ngày Quốc Khánh thì tin dữ lại ập đến.

Khi người dân thành phố Nice đang tập trung ở con đường Promenade des Anglais, con đường đẹp nhất ở thành phố cổ kính này, một gã đàn ông cùng chiếc xe tải hạng nặng của hắn rồ ga lao thẳng vào đám đông, giết chết 84 mạng người, làm thương hàng trăm người khác. Đây được xác định là một vụ tấn công khủng bố, gây ra bởi một kẻ điên dại có thể bị giật dây bởi IS.

Có phải người Châu Âu đã cam chịu sống chung với khủng bố? - Ảnh 3.

Chiếc xe tải giết chết 84 mạng người trong ngày Quốc Khánh Pháp.

Và trên con đường đẹp nhất thành phố ấy, la liệt là thi thể những nạn nhân vô tội. Rải rác trong ấy là rất nhiều nạn nhân trẻ em, những đứa trẻ tay vẫn còn ôm gấu bông đi cùng cha mẹ chung vui với hàng trăm người khác trong ngày trọng đại của cả Quốc gia. Lan truyền dữ dội nhất trên mạng xã hội trong thời điểm xảy ra vụ việc ấy là hình ảnh thi thể một em bé được phủ khăn, gần bên em là một con búp bê mặc áo màu hồng nằm chỏng chơ. Khi vẫn còn có thể tươi cười, chắc hẳn em yêu món đồ chơi này lắm, em không nỡ rời nó khi đi chơi cùng người lớn cơ mà?

Em, cũng như Aylan Kurdi, cậu bé Syria chết úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ 10 tháng trước đã trở thành biểu tượng cho những sự kiện bi khốc nhất của nhân loại trong thời điểm này. Nếu như Aylan là hiện thân cho hàng nghìn con người đến từ Trung Đông đang tìm một miền đất hứa ở Châu Âu, tránh xa bom đạn ở quê nhà mỗi ngày thì em bé ở Nice là hiện thân cho sự bất ổn, cho bình yên đã vĩnh viễn rời xa Châu Âu xinh đẹp của quá khứ.

Có phải người Châu Âu đã cam chịu sống chung với khủng bố? - Ảnh 4.

Cậu bé Aylan Kurdi từng làm truyền thông chao đảo trong cuộc khủng hoảng di cư tháng 9 năm trước.

Có phải người Châu Âu đã cam chịu sống chung với khủng bố? - Ảnh 5.

Và thi thể cô bé nạn nhân trong vụ thảm sát thành phố Nice vừa rồi.

Trẻ con, vốn là biểu tượng của sức sống và những gì ngây thơ nhất trên đời, nay nằm im đó, bất động, vô hồn. Thiên thần đã mất đi đôi cánh, mất đi vòng thánh, và mất đi nụ cười, chỉ vì mục đích bệnh hoạn của những kẻ tôn sùng thứ niềm tin ích kỷ, vô nhân đạo, mất nhân tính. Các em cũng nói cho thế giới hiểu rằng, bọn khủng bố táo tợn không buông tha bất cứ ai, kể cả trẻ em. Nhưng thật sự sứ mệnh này không dành cho các em, nó quá đau đớn, quá chua xót để một đứa trẻ phải gánh trên mình.

Người dân Pháp, hay người dân Châu Âu kể từ ngày 13/11 đen tối đã tự ý thức được rằng luôn có nguy hiểm rình rập mình mỗi ngày. Khủng bố đã diễn ra được 3 lần, thì nó sẽ diễn ra được nhiều lần nữa, vấn đề là lúc nào, khi nào. Mùa Euro, an ninh đã được tăng cường nhằm phản ứng nhanh nhất trong trường hợp lũ khủng bố hành động, tuy nhiên Euro đã kết thúc an toàn.

Nhưng Quốc khánh Pháp thì không. Kịch bản khủng bố tấn công vào cái ngày trọng đại của Quốc gia đã xảy ra. Những sự kiện tụ tập đông người sẽ không còn được vô tư, không còn được vui vẻ nữa, thay vào đó sẽ là thái độ dè chừng, sẽ là tư thế sẵn sang bỏ chạy, chứ không còn đơn giản chỉ là hưởng thụ nữa.

Người dân Trung Đông đã quá quen với việc tiếng bom mìn, tiếng súng đạn như thức quà mỗi sáng, cũng đã quá quen với việc khủng bố mỗi ngày. Liệu đến một ngày nào đó, Châu Âu cũng sẽ phải ăn chung, ngủ chung, sống chung với khủng bố, như những gì mà người Trung Đông đang phải chịu đựng?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày