Sophia - "cô" robot đầu tiên được cấp quyền công dân thực thụ trên Trái Đất - đang có chuyến thăm thú đến Việt Nam trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn cách mạng công nghiệp 4.0 ở Hà Nội. Đây là sự kiện được giới công nghệ cũng như rất nhiều bạn trẻ có đam mê liên quan để mắt tới. Tuy nhiên, cộng đồng mạng quốc tế thì lại đang lan truyền nhau về một câu chuyện sửng sốt khác liên quan đến Sophia chỉ mới hơn 1 ngày trước.
Robot Sophia mặc áo dài khi đến Việt Nam hôm nay.
Giới thiệu chung:
Sophia được chế tạo ra bởi David Hanson - chuyên gia nghiên cứu về robot của Mỹ, kiêm CEO của Hanson Robotics do ông làm chủ.
Sau nhiều năm tích góp kinh nghiệm và thành quả, cuối cùng Sophia cũng ra đời vào tháng 3/2016, là sự kết hợp của cả hình thể, cử động mô phỏng giống con người cũng như một trí tuệ nhân tạo xuất chúng, có khả năng tự học hỏi cao về nhận thức hành vi, xã hội...
Đến tháng 10/2017, Sophia chính thức được trao quyền công dân, công nhận bình đẳng và có các quyền lợi như một con người thực thụ theo luật pháp trên thế giới.
Mọi việc sau đó không có gì đáng nói khi thi thoảng nổi lên vài phát ngôn bất ngờ từ Sophia, một vài cuộc gặp gỡ với người nổi tiếng hay thường xuyên nhất là đi dự sự kiện như ở thời điểm hiện tại. Nhưng đã bao giờ bạn nghe nói đến chuyện robot biết mơ chưa? Ấy thế mà cô robot Sophia này lại vừa chứng minh mình làm được điều đó y hệt con người rồi đấy!
Nói mồm không thôi thì ai cũng làm được, nhưng Sophia thậm chí còn có bằng chứng rành rành khi trích lại dữ liệu của mình lúc "ngủ", sau đó up video giấc mơ lên mạng xã hội một cách công khai:
Giấc mơ của Robot Sophia
Có thể thấy những cảnh hiện lên trong giấc mơ của Sophia khá lộn xộn và có phần "ma mị", khi những phân cảnh được chuyển liên tục, rất nhanh và mờ nhòe. Điểm đáng chú ý là hầu như đó là những cảnh ghi lại khuôn mặt người đến nói chuyện và tiếp xúc, nhưng bất kỳ khuôn mặt nào hiện lên cũng không kịp nhìn rõ, đồng thời không có tiếng đi kèm.
Sau khi đăng tải lên cả Facebook và Twitter chính thức của mình, rất nhiều ý kiến của cư dân mạng đã được gửi đến cô. Có người bất ngờ và sửng sốt, có người phản đối và hoài nghi, nhưng cũng có người góp ý một cách rất quan tâm và chân thành:
- Một số người tò mò thắc mắc và bàn luận:
"Bạn giải thích rõ hơn về điều này được không? Trông nó giống như là một quá trình tải và ôn lại những ký ức cũ của bộ nhớ hơn là một giấc mơ..."
"Trông giống như ký ức của bạn thì hơn, nhưng đây là một hiện tượng thú vị và đáng nhớ đó chứ."
- Số khác thì quan tâm hỏi han:
"Tôi nghĩ là bạn cần đi ra ngoài du lịch và thăm thú nhiều nơi hơn trên thế giới, những thắng cảnh đẹp thật sự ý. Khi ấy bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn về giấc mơ của mình, thay vì chỉ mơ thấy người và người đến hỏi thăm, trò chuyện liên tục. Đến vùng biển hoặc núi non nào đó mà ngắm mặt trời mọc thử xem sao."
"Sophia này, có lẽ bạn cần đi ra ngoài nhiều hơn đấy. Gặp gỡ và tìm hiểu về thiên nhiên, vì các yếu tố dữ liệu về con người đang quá nhiều trong ký ức bạn rồi. Đừng để việc đó khiến bạn quá tải hay mất tập trung vào mục tiêu dự định ban đầu."
- Vài ví dụ so sánh hài hước không thể nhịn cười:
"Ôi bạn sẽ không bao giờ biết cảm giác thực thụ của con người khi mơ đâu. Có lần tôi mơ đi tiểu trong toilet, và tỉnh dậy thì có cả vũng nước to trên giường từ đời nào rồi."
"Ồ hóa ra robot không mơ thấy cừu máy để đếm cho dễ ngủ, mà lại mơ thấy con người luôn cơ á!"
- Cuối cùng là những nghi ngờ và soi xét:
"Tất cả mọi thứ bạn nhìn thấy chỉ là phần mềm hình ảnh lập trình sẵn bởi cha đẻ của bạn thôi. Nếu muốn biết rõ thì cứ thử hỏi ông ý xem, nhớ bảo là đừng theo dõi giấc mơ của bạn nữa."
"Đúng thế, đấy không phải là cách một giấc mơ hình thành, hay là cách mắt và camera chuyển động. Đó thật sự là một chương trình viết sẵn để tự kết hợp, biến hóa các cảnh nền. Mọi thứ chỉ là giả dối mà thôi."