Tháp Eiffel là một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất thế giới, ước tính mỗi năm có hơn 6 triệu du khách xếp hàng để được trải nghiệm và chụp ảnh trước địa danh tuyệt đẹp này. Mặc dù có phần khó tin, nhưng khi mới được xây dựng, tòa tháp này đã bị dư luận chế nhạo và cá cược rằng nó chỉ tồn tại được trong vòng 20 năm trước khi bị tháo dỡ.
Gustave Eiffel đã thiết kế tòa tháp mang tên ông cho Hội chợ Thế giới năm 1889 ở Paris. Đây là một bản thiết kế vô cùng táo bạo vì từ trước đến giờ, chưa ai có thể xây dựng một công trình kiến trúc cao như vậy, và với trình độ kỹ thuật vào thời điểm đó, thì việc hoàn thành tòa tháp trong vòng 2 năm không phải là chuyện dễ dàng.
Ít ai biết rằng việc xây dựng toà tháp Eiffel từng bị rất nhiều người phản đối
Chính vì thế, hợp đồng xây dựng tháp Eiffel quy định rằng tòa tháp chỉ có vỏn vẹn 20 năm để chứng minh rằng nó có khả năng kiếm được khoản lợi nhuận đáng kể, nếu không thì sẽ bị tháo gỡ. Điều đó lý giải cho việc cấu trúc của tòa tháp được xây dựng theo hướng có thể tách ra thành từng mảnh.
Trái ngược với dự đoán, sau khi được hoàn thành, ngay cả những nhà phê bình gay gắt nhất cũng không thể phủ nhận sự thật rằng tòa tháp này là một kiệt tác thế giới. Mặc dù vậy, chính phủ vẫn không khẳng định sẽ giữ nguyên kiến trúc này mãi mãi. Trong những năm sau đó, nó bắt đầu rơi vào tình trạng hư hỏng và thành phố đã phải tốn rất nhiều tiền để duy trì và bảo dưỡng.
Và đó chính là lúc người đàn ông có tên Victor Lustig tìm thấy một cơ hội lớn để kiếm tiền. Lustig đã đưa ra một quyết định táo bạo mà không ai có thể nghĩ đến, đó là rao bán... cả cái tháp Eiffel, không chỉ một mà là hai lần.
Lustig là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp có tới 45 bí danh khác nhau. Ở thời điểm đó, không ai biết tên thật của ông ta là gì và sinh ra ở đâu. Sau một thời gian ngắn làm việc tại các sòng bạc, Lustig đã biết cách thức hoạt động của tầng lớp thượng lưu, và từ đó bắt đầu hành nghề lừa đảo.
Chân dung của kẻ lừa đảo khét tiếng Victor Lustig
Những vụ lừa đảo ban đầu của ông tập trung vào việc làm tiền giả, nhưng quy mô bắt đầu lớn dần lên khiến cho những nhà chức trách dần lần ra dấu vết của Lustig. Để trốn tránh sự truy đuổi, Lustig đã đến Paris tiếp tục thực hiện "sự nghiệp" của mình.
Lúc bấy giờ, ở Paris có rất nhiều bài báo nói về tình trạng đổ nát của tháp Eiffel. Một ý tưởng lớn bỗng nảy ra trong cái đầu tinh ranh của kẻ lừa đảo khét tiếng. Tại đây, ông đã tạo ra cho mình một danh tính giả là một người làm việc trong chính phủ. Thậm chí, Lustig còn có một chức danh rất hào nhoáng, đó là "Phó Tổng cục trưởng Bộ Bưu chính và Điện báo".
Ông đã thành lập cửa hàng tại Hôtel de Crillon, một cung điện-khách sạn làm bằng đá nổi tiếng và gửi thư mời cho những đại lý buôn bán phế liệu lớn nhất thị trấn để chuẩn bị cho một đề xuất kinh doanh bí mật.
Trong căn phòng khách sạn yên tĩnh và sang trọng, Lustig cất lời: "Vì lỗi kỹ thuật, sửa chữa tốn kém và những vấn đề chính trị mà tôi không tiện đề cập, chính phủ buộc phải phá bỏ tháp Eiffel". Sau đó, kẻ lừa đảo đã đưa ra một tuyên bố gây sốc cho những thương nhân có mặt tại đây, đó là toà tháp sẽ được bán cho ai trả giá cao nhất.
Mờ mắt trước khoản lợi nhuận, nhiều thương nhân đã lọt vào bẫy của Lustig
Một toà tháp cũ chứa tới 7.000 tấn sắt và 2,5 triệu chiếc đinh tán đã trở thành miếng mồi ngon trong mắt những người chuyên buôn bán kim loại phế liệu. Cuộc đấu thầu bắt đầu diễn ra cho đến sáng hôm sau cùng lời hứa giữ bí mật tuyệt đối từ tất cả các đối tượng tham gia.
Dù có khá nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy dối trá này, nhưng kẻ lừa đảo đã xác định được “con cừu” của mình ngay từ lúc đầu. Đó là Andre Poisson, một thương nhân mới đến thành phố. Ông này được Lustig hẹn riêng để nói chuyện riêng sau buổi họp.
Tay lừa đảo "tâm sự" với Poisson rằng công việc trong chính phủ không đủ để mình trang trải cuộc sống chứ đừng nói đến chuyện mua những bộ quần áo sang trọng để gặp khách hàng. Chẳng mất quá nhiều thời gian để Poisson tinh tế nắm được ngụ ý đằng sau câu nói này. Ngay lập tức, 70.000 USD chui tọt vào túi của Lustig trong sự vui vẻ của cả hai phía. Một bên thì lừa được khoản tiền lớn, một bên thì tin rằng tháp Eiffel chắc chắn sẽ thuộc về mình.
Nhưng chỉ mất một thời gian ngắn để Poisson nhận ra rằng chẳng có ai tháo dỡ tháp Eiffel cả, khi đó, Lustig đã sang đến phía bên kia biên giới, sẵn sàng tận hưởng một cuộc sống xa hoa và chuẩn bị cho những trò lừa tiếp theo.
Một thời gian sau, kẻ lừa đảo này phát hiện rằng không có bất kỳ một bài báo nào viết về mình cả, như thế là đủ an toàn để thực hiện một canh bạc tương tự. Tuy nạn nhân lần này của ông ta đã báo cho chính quyền, nhưng Lustig vẫn có đủ thời gian để tẩu thoát. Tin tức về trò lừa đảo tinh vi này tràn lan khắp các mặt báo, và Lustig đọc được nó từ căn nhà của mình tại Mỹ.
Cảm thấy hài lòng với thành tích này, Lustig quay trở lại với việc sản xuất tiền giả, đánh lừa tất cả mọi người từ dân thường, sĩ quan cho đến các quan chức cấp cao. Thậm chí, ông ta còn lừa được cả Al Capone - một trong những tên cướp nổi tiếng nhất Chicago vào lúc đó - tinh vi đến mức Capone còn không nhận ra rằng mình đã bị lừa.
Lustig quay lại làm tiền giả sau khi bán tháp Eiffel hai lần
Sau đó, Lustig đã hợp tác với nhà hoá học tên Tom Shaw để mở rộng địa bàn kinh doanh của mình. Chẳng mấy chốc, bộ đôi đã cho lưu hành 100.000 USD tiền giả mỗi tháng, khiến các nhà quản lý lo lắng không yên.
Không may, khoản tiền này đã trở thành dấu vết để giúp chính quyền địa phương bắt được tay lừa đảo. Vào năm 1953, bạn gái của Lustig đã tiết lộ vị trí của ông ta thông qua một cuộc điện thoại nặc danh để trả thù vụ ngoại tình. Tên tội phạm cuối cùng cũng bị bắt.
Ông ta bị kết án và tống vào nhà tù Alcatraz, thụ án 20 năm. Thời tiết giá lạnh ở nơi đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ của Lustig. Kẻ lừa đảo khét tiếng từng lên mặt báo đã chết một cách lặng lẽ vì căn bệnh viêm phổi.