Theo chân cuốn tự thuật cùng tên của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras, L’amant (Người Tình) đưa người xem trở về một Sài Gòn ẩm ướt và nóng hừng hực 35 độ của thập niên 20 thế kỷ trước. Bộ phim là một câu chuyện tình yêu đầy nhục cảm nhưng cũng khiến người xem không ngừng trăn trở.
Trailer của phim "The Lover" (Người Tình)
Trên một chuyến phà qua sông Mekong, một cô gái Pháp (Jane March thủ vai) tựa người vào lan can, chân hơi nhấc lên để gió thổi tung bay vạt áo. Đó là những dòng tự thuật đầu tiên trong cuốn sách, cũng là phân cảnh mở đầu cho bộ phim của đạo diễn Jean-Jacques Annaud.
Cô gái người Pháp mười lăm tuổi rưỡi, gia cảnh bần hàn, cố tỏ vẻ chững chạc nhưng đôi môi đỏ rực không đều màu do lén dùng son của mẹ đã tố cáo tuổi thực của nàng. Trên chuyến phà tấp nập và đông nghịt người da vàng lam lũ, nổi bật lên một cô gái người Pháp đứng vắt tay hờ hững vào lan can và phía xa là chiếc xe limousine đen chở anh chàng Hoa kiều (Lương Gia Huy thủ vai) đã để ý nàng từ lần đầu tiên gặp gỡ.
Từ chuyến phà định mệnh đó, họ lao vào nhau, như hai con thiêu thân rối bù, không màng đến hiện tại, không nghĩ tới tương lai. Tình yêu của hai người là góc nhà bí mật nơi khu Chợ Lớn buôn bán tấp nập, dơ dáy, bẩn thỉu, oi ả, khó chịu với thứ âm thanh tạp nham và lẫn vào đó cái âm ẩm hơi người. Tình yêu của họ cũng đầy nhục cảm, với nội dung phim hết một phần năm là cảnh nóng. Ấy thế, sau những giờ phút hoan lạc đó, mỗi người đều mang trong mình một sự mặc cảm và chính sự mặc cảm ấy khiến cho tình yêu của họ chưa bao giờ thành lời.
Mang một vẻ ngoài bình thản như người dẫn dắt cuộc chơi, cô gái Pháp nhỏ bé mang trong mình một niềm kiêu hãnh bị tổn thương. Cha nàng mất sớm, mẹ nàng mưu sinh nuôi ba đứa con, anh cả nghiện ngập sống chẳng ra sống. Sau một thương vụ kinh doanh bất thành, gia đình nàng tán gia bại sản, trở thành một nỗi nhục đối với toàn thể người da trắng và tất nhiên lại chẳng thể nào làm bạn với nhóm người thuộc địa luôn mang tâm lý sợ hãi. Nàng đơn độc, cô lập và tìm đến tình dục như một sự chống đối. Và sau tất cả, đến cuối cùng, nàng đã vỡ òa, bật khóc khi nhận ra rằng có một cái gì đó cao hơn vật chất và nhục cảm nảy sinh giữa hai người: tình yêu.
Chàng Hoa kiều ấy thì khác. Chàng 30 tuổi, từng du học Pháp, chẳng làm được gì khác ngoài chuyện ăn chơi, làm tình. Chàng sống dựa vào gia sản của cha và chàng cũng ý thức được rằng nếu không có ông, chàng chẳng là gì. Thế mà chàng đã yêu cô gái người Pháp ấy bằng tất cả sự nhẫn nại và cam chịu, để rồi cuối cùng cũng vì ngoan ngoãn nghe lời cha mà buông tay nàng. Hai con người đối lập, một kẻ bần hàn kiêu hãnh và một tên giàu có cam chịu đã yêu nhau bằng thứ tình yêu thầm lặng, chán chường nhưng lại đầy khắc khoải.
Bộ phim được thực hiện trong 4 năm và chính thức công chiếu năm 1992 trên toàn thế giới mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên được xem phiên bản chính thức bằng tiếng Pháp. Người Tình cứ chạy tới chạy lui với những phân cảnh của một Chợ Lớn ồn ào và một Sài Gòn hoa lệ. Cứ sau giờ học là cô gái Pháp lại lén đến khu xóm nhỏ nơi Chợ Lớn và lao vào nhục cảm cùng người tình.
Người xem có thể khó chịu bởi nhịp phim đều đều và cảnh quay quen thuộc, thế nhưng với những ai có đủ kiên nhẫn xem từng phân đoạn nhỏ nhất của phim, sẽ nhận ra một câu chuyện tình yêu ngang trái và giằng xé tột cùng trên thế gian này. Bởi lẽ, giữa cái tấp nập ấy, hai người họ chỉ là một phần tử nhỏ bé, chẳng thể nào chống chọi lại số phận của mình.
L’amant (Người Tình) là một bộ phim nước ngoài thấm đẫm chất Việt Nam. Ban đầu, đạo diễn Annaud đã định chọn một quốc gia châu Á khác như Malaysia, Thái Lan, Philippines, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn để quay phim. Thế nhưng cuối cùng, ông vẫn phải quay lại nơi đây vì cảm thấy phải là Sài Gòn, phải là Việt Nam mới diễn tả được cái không khí thuộc địa mà Marguerite Duras miêu tả trong tác phẩm của bà. Bến Nhà Rồng, khách sạn Majestic, trường THPT Lê Hồng Phong và Lê Quý Đôn, chợ Bình Tây, bến Mễ Cốc, Thảo Cầm Viên, vòng quanh khu Độc Lập… thời thuộc địa đều được tái hiện qua những thước phim đẹp đến nao lòng.
Tu viện Thánh Paul (Cũ) tại góc đường Tôn Đức Thắng giao Nguyễn Hữu Cảnh.
Sau gần hai tiếng đồng hồ, bộ phim kết thúc, người xem mới vỡ òa vì một Sài Gòn lãng mạn và "rất Âu" như thế đã từng tồn tại. Cả cái cuộc sống chộn rộn và đầy sắc màu của những con người Việt Nam thời cũ cũng là một điểm nhấn không thể nào bỏ qua. Những khán giả đam mê màu sắc hoài cổ chắc chắn phải một lần nghiền ngẫm từ đầu đến cuối bộ phim này.
L’amant như là một mối tình xuyên suốt không hồi kết, chát chát, say say như vị rượu, bởi có chăng chính nữ văn sĩ đã viết nên tác phẩm của mình ngay trong cơn say. Điều đó không ai có thể biết được. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng, dù qua bao lớp lớp thời gian nữa, Người Tình vẫn khiến khán giả mọi thời đại say, say với cái tình, say với chính cái cảnh rất Sài Gòn, rất Đông Dương mà chẳng khi nào có thể tìm thấy ở bất kì đâu được nữa.