Có một nguyên tắc yêu thương rất đơn giản: Sai đâu thì sửa đó, chứ không vứt bỏ hoàn toàn

Trinh Leng Keng, Theo Trí Thức Trẻ 11:53 05/08/2017

Có lẽ việc “sửa chữa” sẽ nhọc nhằn hơn, nhưng khi đã quen với những điều xưa cũ rồi, thì người ta cũng không đành lòng “thay mới” nữa…

Trong lần dọn nhà gần nhất của tôi, tôi nhớ tôi đã từng vùng vằng với mẹ không ít lần về chuyện bỏ cái tủ tôn đi. Đối với mẹ tôi, không cần biết cái tủ tôn ấy nặng như thế nào, đã phòng phành ra làm sao, mẹ tôi vẫn cứ thích mang tới nhà mới cho bằng được. Còn tôi thì có tư duy những thứ không còn giá trị sử dụng nên vứt bỏ, mua cái mới để đỡ mất công vận chuyển, mà chênh lệch tiền nong cũng không đáng là bao.

Cho nên trong lúc chuyển nhà đi, tôi đã lén mẹ gọi người vào khuân đi cái tủ tôn cũ, với định bụng sẽ mua về một cái tủ mới. Thế mà mẹ tôi gọi điện kiểm tra, bắt tôi video call để nhìn thấy cái tủ tôn yêu dấu của mẹ, rồi nằng nặc tiếc rẻ: "Phí hoài thế con, vẫn còn dùng được, không thì giữ lại cho mẹ để mẹ lấy mẹ dùng…"

Rồi tôi tắt phụt điện thoại, một phần vì trong suốt thời gian dọn dẹp tôi đã cảm thấy mệt mỏi, phần nữa là tôi không thể chấp nhận được tư tưởng "tiếc mọi thứ" của mẹ. Đương nhiên không chỉ riêng lần này, mà mọi lần mẹ tôi đều tiếc nuối mọi thứ, và lần này chuyện của cái tủ tôn chỉ đẩy sự ức chế của tôi lên đến cao trào mà thôi.

Có một nguyên tắc yêu thương rất đơn giản: Sai đâu thì sửa đó, chứ không vứt bỏ hoàn toàn - Ảnh 1.

Chắc hẳn ai có những bà mẹ hay thích giữ lại mọi thứ trong nhà mặc dù có phải để nó chất đống lên không dùng đến, thì đều sẽ hiểu cảm giác của tôi. Đằng sau sự phản đối phung phí là một chuỗi những hành động gom góp nhặt nhạnh, khiến những đứa trẻ lớn xác như chúng tôi cảm thấy phát hoảng. Sợ hãi thực sự.

Nhưng ngày hôm ấy, trong sự việc cái tủ tôn, bỗng nhiên sau phút giây tắt phụt điện thoại với mẹ, tôi mới ngẩn người khi nghĩ ngợi ra vài điều. Tôi mường tượng lại hình ảnh mẹ tôi "tha lôi" cái tủ về nhà, rồi gọi thợ vào gia cố thêm khi nó bị va chạm trên đường di chuyển. Rồi lại dặn dò tôi thay ổ khóa mới, và sau đó thì nhất định muốn tôi giữ lại cái tủ cho những lần dọn nhà sau.

Tính ra, mẹ tôi đổ vào cái tủ này số tiền tương đương với việc mua một cái tủ mới. Vậy mà mẹ tôi vẫn muốn giữ lấy nó, bằng được. Cũng có lần tôi hỏi sao mẹ cứ thích giữ mãi một cái tủ cũ thế? Thì mẹ trả lời rằng vì mẹ tiếc. Mẹ không tiếc tiền để mua một cái tủ mới, mà mẹ tiếc cái công mẹ đã "tha" tủ về nhà, rồi lại sửa chữa nó bao nhiêu lần. Tự dưng cái tủ lại trở nên thân thuộc, và tự dưng mẹ chẳng còn muốn tống nó đi nữa.

Có một nguyên tắc yêu thương rất đơn giản: Sai đâu thì sửa đó, chứ không vứt bỏ hoàn toàn - Ảnh 2.

Có những người thật sự rất cố chấp, trong tất cả mọi chuyện, và trong cả tình yêu. Tôi nhìn lại cuộc tình của bố mẹ tôi. Và tôi nhận ra rằng hóa ra mẹ mình là một người phụ nữ như thế đấy. Một người thay vì sẽ vứt bỏ một mối quan hệ "sai lầm" thì sẽ tìm cách để sửa chữa nó, gia cố cho nó vững chắc hơn. Mẹ tôi không có tư duy "thay mới" mọi thứ, mà tư duy của mẹ tôi là "sửa chữa" mọi thứ và gìn giữ nó khi thấy nó có khả năng "còn dùng được".

Sở dĩ tôi ngộ ra điều này là bởi bố tôi từng có một thời qua lại với một người phụ nữ khác. Mẹ tôi biết chuyện và cũng từng làm ầm ĩ lên. Khi ấy chị em tôi chưa lớn nhưng cũng đủ hiểu mọi chuyện đang diễn ra trong nhà mình. Nhưng sau đó một thời gian, gia đình tôi lại êm ấm trở lại. Chí ít thì tôi và em tôi cũng cảm nhận được điều đó khi mà bố đã không còn đi sớm về khuya, mẹ không còn buồn bã và rầu rĩ như trước.

Như dịp ăn mừng cô em gái của tôi thi đỗ đại học vừa rồi, khi mà tôi ngồi lại nói chuyện với bố, tôi mới biết được rằng đối với bố, gia đình là điều duy nhất còn ở lại. Và người phụ nữ của cuộc đời bố chỉ còn duy nhất một mình mẹ tôi thôi. Tôi tin rằng ông nói thật, và mối quan hệ giữa bố với mẹ tôi – gần như có lúc sẽ được định đoạt bằng hai từ "tan vỡ" thì bằng một cách kỳ diệu nào đó, lại ấm êm hạnh phúc.

Tôi biết, người làm nên điều kỳ diệu ấy nếu không phải là mẹ tôi thì hẳn là chẳng còn ai khác nữa. Và chắc có lẽ, mẹ tôi cũng "sửa chữa" mối quan hệ với bố tôi bằng một nguyên lý rất đơn giản: tiếc công đã từng, nên cùng nhau gắng gượng.