Nếu bạn là sinh viên Luật, có lẽ bạn hoặc bạn bè, người thân của bạn sẽ nghĩ học Luật thì sau này sẽ làm luật sự, thẩm phán, kiểm sát viên hay làm nhà nước. Nếu trong bối cảnh của khoảng chục năm trở lại trước thì đúng vậy, cơ hội nghề nghiệp của ngành Luật chưa được mở rộng. Song giờ đây, nếu bạn đang hoặc sắp ứng tuyển vào ngành Luật, bạn hãy yên tâm rằng, học Luật sẽ có rất nhiều công việc cho bạn lựa chọn sau khi ra trường.
1. Luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên
Đây là những nghề truyền thống và được nhiều người biết đến vì những nghề này đã ra đời từ rất lâu. Nếu bạn có ước mơ sẽ trở thành luật sư, kiểm sát viên hay thẩm phán thì bạn nên biết đôi điều về những nghề nghiệp này.
Những công việc, chức danh này thường sẽ do Nhà nước quy định về tiêu chuẩn và quy trình cấp chứng chỉ hành nghề hay bổ nhiệm. Vì đây là những công việc khó, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng cao nên thời gian đào tạo thường lâu hơn so với các nghề khác. Ví như để trở thành một luật sư, bạn phải có bằng cử nhân Luật, có chứng chỉ lớp đào tạo luật sư và tập sự một năm tại các tổ chức hành nghề luật sư mới đủ điều kiện dự thi để được cấp chứng chỉ hành nghề. Thời gian để học lấy chứng chỉ luật sư thường kéo dài 6 hay 7 năm, thậm chí còn lâu hơn nếu bạn không qua kỳ thi để lấy chứng chỉ hành nghề.
2. Công chức nhà nước trong các Cơ quan nhà nước
Nếu bạn muốn làm nhân viên Nhà nước để góp phần xây dựng đất nước thì bạn có thể lựa chọn con đường trở thành công chức. Hàng năm, các cơ quan Nhà nước thường tổ chức các cuộc thi công chức nhằm lựa chọn nhân tài cho đất nước. Đừng lo lắng nếu bạn cho rằng chỉ tiêu tuyển dụng rất ít. Vì hiện nay, rất nhiều cơ quan Nhà nước các cấp từ cấp cơ sở đến cấp trung ương đều có nhu cầu tuyển dụng hàng năm. Vì vậy, nếu bạn muốn trở thành công chức thì sẽ có rất nhiều vị trí cho bạn ứng tuyển đấy.
3. Pháp chế doanh nghiệp
Trong nền kinh tế mở cửa hiện nay, rủi ro về pháp lý trong kinh doanh là rất lớn nếu các doanh nghiệp không biết cách phòng ngừa. Tuy nhiên, việc có thể tiên liệu và phòng tránh rủi ro pháp lý không phải ai cũng làm được mà cần có một đội ngũ những người am hiểu pháp luật. Vì vậy, ngày nay, rất nhiều các doanh nghiệp có hẳn một phòng/ban pháp chế để tư vấn, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, tránh những sai phạm có thể xảy ra.
Ngoài các doanh nghiệp, bạn cũng có thể tham gia đội ngũ pháp chế trong các ngân hàng thương mại. Hoạt động của ngân hàng thường gắn liền với hợp đồng, đầu tư,.. nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng luôn cần những đội ngũ pháp chế để rà soát hợp đồng, đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu, bảo đảm những hoạt động của ngân hàng không vi phạm pháp luật. Không những thế, các ngân hàng thường có các phòng/ban khác ngoài pháp chế mà phải dùng đến nhân sự ngành Luật như: đầu tư, doanh nghiệp, thu hồi nợ, tố tụng…
4. Công chứng viên
Công chứng viên cũng là một nghề cần có chứng chỉ hành nghề, tức là bạn cũng phải học một lớp đào tạo nghề công chứng, qua thời gian tập sự, qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự để được cấp chứng chỉ.
Công chứng viên là người xác nhận những giao dịch, hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, nghề này đòi hỏi người thực hiện công chứng có sự hiểu biết về pháp luật và có tinh thần trách nhiệm cao.
5. Giảng viên luật
Nếu bạn yêu thích nghiên cứu pháp luật, thì trở thành giảng viên luật sẽ là lựa chọn phù hợp. Việc giảng dạy ngành Luật hiện nay mới chỉ được tổ chức ở một số trường đại học. Nhưng hầu hết, các trường đại học đều cần những giảng viên luật để dạy những bài giảng về pháp luật chung hay pháp luật về chuyên ngành cho những ngành không phải là Luật. Do đó, nhu cầu về giảng viên cũng ngày một tăng. Các trường có nhu cầu sẽ tổ chức các kỳ thi tuyển giảng viên để tuyển dụng. Làm giảng viên, bạn sẽ có nhiều thời gian và cơ hội để nghiên cứu Luật chuyên sâu, đóng góp cho sự phát triển luật pháp của nước nhà.
6. Trợ giúp viên pháp lý
Trợ giúp viên pháp lý là những người được đào tạo về luật và có chức năng giúp đỡ, hỗ trợ những trường hợp cần được trợ giúp pháp luật. Công việc của trợ giúp viên pháp lý thường là tư vấn luật, hướng dẫn các đối tượng được trợ giúp thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính, hướng dẫn soạn thảo đơn từ, chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ…
Những người được trợ giúp pháp lý thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, thương binh, bệnh binh,… là những người không có kiến thức pháp luật nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà không thuê được luật sư hoặc tư vấn pháp luật.
7. Chấp hành viên, Thư ký tòa án, Quản tài viên, Báo cáo viên pháp luật, Thư ký luật sư,…
Đây là những công việc pháp luật trong từng ngành, nghề khác nhau. Thông thường, để làm các công việc như Chấp hành viên, Quản tài viên, Báo cáo viên pháp luật… cần có những điều kiện cụ thể. Nếu bạn dự định lựa chọn công việc nào cho sự nghiệp hãy tìm hiểu thật kỹ về công việc đó xem mình có đủ tiêu, chuẩn, điều kiện không.
Ngoài những công việc trên, vài năm trở lại đây còn một ngành mới đó là Thừa phát lại. Đây là cơ quan có chức năng tống đạt, lập vi bằng, tổ chức thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án…Hoạt động của Thừa phát lại vừa là độc lập vừa là giúp việc cho các Cơ quan tố tụng như Tòa án, Cơ quan thi hành án nhưng lại không phụ thuộc vào các cơ quan này.
Để được bổ nhiệm làm Thừa phát lại, bạn cần phải có bằng cử nhân luật và có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực luật pháp là 5 năm trở lên, có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về Thừa phát lại…
Kết
Ngoài những công việc trên còn rất nhiều công việc cũng cần đến tấm bằng cử nhân luật. Nhưng dù làm công việc gì, quan trọng nhất cũng là sự đam mê, có như vậy, bạn mới thật sự cống hiến và làm việc hết mình. Hãy sống đúng với đam mê của mình và dũng cảm theo đuổi ước mơ bạn nhé !