Chị Nguyễn Thúy Phượng (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh - TP HCM) đã dành trọn vẹn 2 ngày để đến Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo lời chị kể, ngày đầu tiên, 25-7, chị đến viếng lúc 14 giờ. Sau đó, chị đứng lặng lẽ tại Công viên 30/3 và hướng mắt nhìn về phía Hội trường Thống Nhất. Mãi đến hơn 22 giờ cùng ngày chị mới về nhà.
Trưa 26-7, chị quay lại Hội trường Thống Nhất, hòa vào dòng người viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị cũng mạnh dạn ghé phòng viết sổ tang để viết những dòng tâm sự gửi đến Tổng Bí thư.
Chị Phượng viết sổ tang khi 2 dòng nước mắt liên tục chảy dài trên má. Thỉnh thoảng, chị phải dừng bút, dùng tay lau những giọt nước mắt. Những lời tâm sự, những tình cảm mà chị dành cho Tổng Bí thư được thể hiện qua 3 trang giấy của cuốn sổ tang.
Trong sổ tang, chị viết: "Hôm nay đã là tròn 1 tuần bác ra đi, bỏ lại đất nước và đồng bào. Người dân chúng con vẫn vô cùng bàng hoàng và không hết xót xa. Cả một đời tâm luôn hướng về dân tộc, về Tổ quốc, không một ngày nghỉ ngơi... Bác ra đi để lại bao tiếc nuối cho nhân dân, cho gia quyến và cho thế giới. Sự ra đi của bác không thể nào thay thế được...".
Chị viết tiếp: "Bác ơi! Con và đồng bào ngàn đời xin ghi nhớ công ơn lớn lao muôn đời của bác! Một con người vĩ đại, cậu học trò xuất sắc của Bác Hồ và là một vị lãnh đạo kiệt xuất nhưng vô cùng đỗi bình dị của toàn thể đồng bào Việt Nam".
Những tình cảm mà chị Nguyễn Thúy Phượng dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
"Bác kính mến, ngày Bác Hồ ra đi, con chưa có mặt để chứng kiến và tiếc thương cùng đất nước. Ngày bác Võ Nguyên Giáp từ trần, con còn quá nhỏ để tự mình cùng đồng bào đi viếng bác. Nhưng ngày hôm nay đây, con đã là một người công dân Việt Nam trưởng thành, chứng kiến và cùng cả nước chia buồn, tiếc thương viếng lễ tang của bác" - chị Phượng viết.
"Một ngày gần nhất có dịp ra Hà Nội, con sẽ đến Nghĩa trang Mai Dịch và quê hương của bác để xin thắp cho bác một nén nhang bác ạ" - chị Phượng bày tỏ.
Qua những dòng trong sổ tang, chị Phượng cho biết 2 ngày qua chị mua rất nhiều báo. Chị xúc động khi trang bìa của các tờ báo đều in hình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo chị, mua nhiều báo để "vui khi thấy hình ảnh của bác gần với con, để con được thấy bác hằng ngày".
Trong sổ tang, chị cũng bày tỏ ngưỡng mộ trước sự giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo chị, sự giản dị ấy được thể hiện qua "chiếc áo khoác màu nâu đã sờn chỉ của bác", qua "chiếc xe Toyota Crown đời cũ"...
Những dòng cuối trong sổ tang, chị viết: "Giờ đây bác đã đi xa, nhưng những hình ảnh đẹp của bác sẽ luôn ghi dấu sâu sắc trong lòng con và nhân dân cả nước... Chào bác, con và nhân dân mong bác an nghỉ".
Trao đổi với phóng viên, chị Phượng cho biết chị là giáo viên và đang công tác tại một trường quốc tế trên địa bàn TP HCM. Chị rất xúc động trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Qua tìm hiểu, tôi biết Tổng Bí thư là một vị lãnh đạo bình dị, kiệt xuất, liêm khiết của dân tộc Việt Nam. Tôi cũng rất buồn và tiếc khi chưa có cơ hội được gặp Tổng Bí thư" - chị Phượng chia sẻ.
Chị Phượng cũng cho biết rất ấn tượng với câu nói "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị quyết tâm học tập theo những lời mà Tổng Bí thư đã căn dặn.
"Là một giáo viên, tôi có nhiều cơ hội để cống hiến cho đất nước. Tôi sẽ dành hết sức, toàn tâm, toàn ý dạy học cho học sinh của mình. Để các em được lớn lên với sự giỏi giang, làm việc và cống hiến cho đất nước" - chị Phương bày tỏ.
Chia sẻ thêm về 3 trang sổ tang của mình, chị nói: "Tôi không có sự chuẩn bị gì. Tôi cầm bút lên và suy nghĩ gì thì viết nấy. Đó là những tình cảm chân thành nhất mà tôi dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khoảnh khắc viết sổ tang, được trải lòng và viết nên những tâm tư, tình cảm dành cho người mình ngưỡng mộ thật đáng trân trọng".