Có giảng đường hi-tech sành điệu, sinh viên sẽ không đến chỉ để chơi và ngủ

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 28/09/2016

Đến giảng đường với mục đích điểm danh sau đó “việc ai nấy làm”, ngày chưa có smart phone thì đọc truyện, đọc sách, thời smart phone như ngày nay thì lướt facebook, chơi game và ngủ là câu chuyện chung ở nhiều giảng đường đại học tại Việt Nam.

Những giảng đường yên lặng

Nếu làm một cuộc khảo sát các giảng đường, không khó để bắt gặp những giờ học thầy dạy cứ dạy, trò việc của trò vì thế mà không khí có vẻ rất yên tĩnh và trầm lắng. Sinh viên thời Hi-tech ngoài việc đến giảng đường ngoài mục đích chính là thực hiện đầy đủ phần điểm danh và giao tiếp với bạn bè phần thời gian còn lại dành để lướt web, chat chit, dạo facebook và tranh thủ “chiến” game. Số sinh viên tập trung vào môn học nếu không phải là môn chuyên ngành có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sự thật không thể chối cãi là rất ít sinh viên và giảng viên tìm thấy tiếng nói chung nơi ghế nhà trường. Giảng viên cho rằng sinh viên chưa ý thức được việc tự học, còn phần đông sinh viên lại ngao ngán những tiết dạy theo kiểu đọc-chép nhàm chán của các “tiến sĩ gây mê”.

Có giảng đường hi-tech sành điệu, sinh viên sẽ không đến chỉ để chơi và ngủ - Ảnh 1.

Học sinh, sinh viên hay tìm đến tablet, smartphone trong những giờ học nhàm chán

Nhất là trong thời buổi công nghệ hiện đại, khoảng cách của giảng đường càng trở nên mênh mông hơn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bạn sẽ không khó bắt gặp nhiều giảng đường, sinh viên dồn hết về các dãy bàn cuối chơi ca rô, làm thơ, nghe nhạc…chừa hẳn một khoảng trống bao la cho giảng viên bên trên thao thao bất tuyệt. Những chiếc smartphone, tablet… được trưng dụng tối đa cho những nhu cầu cá nhân. Thậm chí nhiều nhiều bài báo còn gán luôn cho những thiết bị công nghệ hi-tech là những tội đồ của giảng đường, kéo sinh viên xa dần với những kiến thức cần thiết.

Nhưng đổ tội cho “hi-tech” liệu có công bằng?

Khi cái sai rõ ràng nằm ở mục đích và cách thức của người sử dụng. Nhiều bạn sinh viên cho biết, những tiết học nào thầy cô sử dụng các slide trình chiếu, các mô hình trực quan sinh động, thu hút sinh viên cùng tham gia và tương tác thì những tiết học đó luôn sôi nổi và khiến sinh viên chú ý. Và cũng nhờ những thiết bị hi-tech, sinh viên hiện đại có thêm nhiều điều kiện tra cứu thông tin bổ ích.

Thay đổi theo nhu cầu của sinh viên và xu hướng công nghệ, trong năm học mới này, Đại học Y Dược Tp.HCM giới thiệu mô hình “Giảng đường thông minh” trong khuôn khổ chương trình đổi mới giáo dục trong ngành Y của Bộ y tế. Với sinh viên ngành Y, việc được học tập trong một môi trường mở, tương tác thực tiễn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thật sự là một cuộc cách mạng trong việc đổi mới tư duy giáo dục. Mô hình này là sự kết hợp giữa Phần cứng bao gồm các trang thiết bị giáo dục hiện đại và Phần nội dung bao gồm xây dựng bài giảng bằng các phần mềm chuyên dụng.

Có giảng đường hi-tech sành điệu, sinh viên sẽ không đến chỉ để chơi và ngủ - Ảnh 2.

Giảng đường thông minh được bố trí linh hoạt, phục vụ cho cả hình thức học nhóm và cá nhân

Nhiều bạn sinh viên của đại học Y Dược TPHCM cho biết mình cực kì ấn tượng với mô hình “Giảng đường thông minh” này. Bởi các bạn được theo dõi bài giảng bằng hình ảnh, âm thanh dưới dạng video clip, ảnh động minh họa… các loại hình ảnh mang tính đặc thù cho sinh viên ngành Y như mô hình các mô, cơ trong cơ thể người được hiển thị dưới dạng 3D trực quan, sinh động với những khả năng như “bóc”, “tách”, “xoay”… cho phép sinh viên quan sát trực quan và sát với thực tế hơn. Điều đó khiến nhiều bạn hứng thú và mạnh dạn tranh luận hơn hẳn thay vì chỉ bó mình trong khuôn khổ cứng nhắc của sách vở như trước nay.

Có giảng đường hi-tech sành điệu, sinh viên sẽ không đến chỉ để chơi và ngủ - Ảnh 3.

Sinh viên trường Y hứng thú khi học tập tại Giảng đường thông minh

Hệ thống “Giảng đường thông minh” này còn được kết hợp cùng phương pháp học tập “Team-based learning” trong đó sinh viên thể hiện rõ vai trò trung tâm của mình qua việc chủ động tương tác với giảng viên, khiến giảng viên có khả năng “chuyển dịch” về phía người học nhiều hơn. Nhờ việc kiểm soát tablet, giảng viên có thể đặt câu hỏi, chờ sinh viên trả lời và chấm điểm nhanh chóng. Cũng nhờ đó, họ cũng có thể theo dõi những hoạt động của sinh viên một cách dễ dàng hơn.

Thật sự sinh viên không lười học nếu họ nhận được sự hứng khởi trong cách giảng dạy và một môi trường sư phạm năng động, hiện đại, thu hút. Chính vì vậy nếu mô hình “Giảng đường thông minh” như thế này được nhân rộng trên khắp các trường đại học, chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo sinh viên sôi nổi đến giảng đường. Và Hi-tech sẽ quay về đúng với vị thế và vai trò của nó thay vì cứ đang mãi đóng “vai ác” như hiện nay.