Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018?

La Pera, Theo Trí Thức Trẻ 11:25 30/10/2018
Chia sẻ

"Mary to Majo no Hana" là bộ phim hoạt hình được chọn chiếu trong Liên hoan Phim Nhật Bản diễn ra vào ngày 2/11 tới đây. Đây cũng là tác phẩm hứa hẹn sẽ đem lại nhiều điều thú vị, vừa quen thuộc vừa mới lạ đến cho khán giả.

Mary to Majo no Hana (Mary Và Đóa Hoa Phù Thủy) đã công chiếu tại Nhật Bản vào tháng 7 năm 2017 và có được khởi đầu vô cùng thuận lợi với doanh thu phòng vé ấn tượng. Tác phẩm dựa trên tiểu thuyết The Little Broomstick của nữ nhà văn người Anh Mary Stewart này ngay lập tức ghi điểm với nhiều khán giả nhờ câu chuyện hấp dẫn cùng sự đầu tư có hiệu quả từ nhà sản xuất. Điều đặc biệt của bộ phim có lẽ nằm ở việc không chỉ đem đến một luồng gió mới mẻ đến cho người xem mà còn lồng ghép được vào trong đó những nét quen thuộc đã thấy ở nhiều tác phẩm hoạt hình nổi tiếng từ trước đến nay.

1. Từ nhà sản xuất hậu duệ của Studio Ghibli – Studio Ponoc

Studio Ponoc được thành lập từ năm 2015 và là cái tên còn khá mới trong giới sản xuất phim hoạt hình Nhật Bản. Tuy nhiên, nhà sáng lập của hãng phim này, không ai xa lạ chính là Nishimura Yoshiaki – đạo diễn tài ba đã nhận được hai đề cử Oscar liên tiếp cho hai tác phẩm The Tale Of Princess Kaguya (Chuyện Công Chúa Kaguya) và When Marine Was There (Hồi Ức Về Marine). Bên cạnh đó, ít ai biết rằng nhân viên của Studio Ponoc hầu hết đều là những thành viên cũ của Studio Ghibli. Chính vì vậy, người xem hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tác phẩm chất lượng như những tên tuổi mà Ghibli đã tạo ra trước đây.

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 1.

Đối với những ai là fan ruột của hãng phim Ghibli thì đây chắc chắn là tác phẩm không nên bỏ qua trong năm nay. Với sự chỉ đạo từ đạo diễn Nishimura Yoshiaki cùng Yonebayashi Hiromasa, phim dù có nhiều nét tương đồng với phong cách nhà Ghibli trong cách tạo hình nhân vật, xây dựng kịch bản lẫn âm thanh, màu sắc; nhưng có lẽ điều đó không gây khó chịu cho người xem. Ngược lại, trước những tiếc nuối về sự ra đi của Miyazaki Hayao và Studio Ghibli thì đây lại là một cách mà Ponoc duy trì giá trị nghệ thuật cũng như tinh thần mà người đi trước để lại. Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trên con đường khẳng định thương hiệu riêng của mình nhưng Studio Ponoc vẫn lấy được cảm tình của nhiều người nhờ vào những nỗ lực đem đến một bộ phim hoạt hình không đơn giản chỉ là giải trí mà còn chứa đựng nhiều giá trị triết lý sâu sắc.

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 2.

2. Kịch bản dù không quá mới mẻ vẫn đủ sức hấp dẫn

Có nhiều nhận xét cho rằng Mary to Majo no Hana có kịch bản không đủ ấn tượng so với một nhà sản xuất mới; tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, bộ phim vẫn chứa đựng những nét riêng ẩn trong những điểm chung rất đáng chờ đợi.

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 3.

Phim là câu chuyện xoay quanh cuộc phiêu lưu vào thế giới pháp thuật kỳ bí của cô bé tóc đỏ Mary Smith. Mary sống với bà dì Charlotte tại vùng quê vì ba mẹ đi làm xa và đang trải qua những ngày tháng buồn chán vì không có bạn bè chơi cùng. Sau một lần mải đi theo chú mèo đen Tib vào khu rừng phía sau nhà, Mary tình cờ phát hiện ra một loài hoa vô cùng đẹp đẽ mang tên Dạ Phi Hành và đã hái chúng đem về nhà. Không ngờ rằng, đó lại chính là loài hoa mà những phù thủy tìm kiếm, chỉ nở bảy năm một lần duy nhất; chính vì vậy còn được gọi với cái tên "hoa phù thủy".

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 4.

Gif: https://giphy.com/gifs/japan-magic-3o6nV8U1GlmwBhblDy

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 5.

Nhờ vào sức mạnh kỳ diệu của những bông hoa, Mary có được pháp thuật trong một đêm và được chiếc chổi bay dẫn đến vùng đất lạ với ngôi trường đại học pháp thuật Endor. Tại đây, Mary gặp bà hiệu trưởng Mumblechook cùng giáo sư Doctor Dee; được dẫn đi thăm quan trường, rồi được mời vào học vì khả năng xuất sắc. Nhưng sau đó, Mary nhận ra ý đồ của hai người họ là muốn cướp đoạt Dạ Phi Hành để tạo ra thứ pháp thuật xấu xa. Và chính vì thế, cô bé tóc đỏ bị cuốn vào hành trình trở thành phù thủy quyền năng để giải cứu người bạn Peter bị bắt làm con tin và hóa giải mọi pháp thuật gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của vạn vật.

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 6.

Thế giới pháp thuật với những điều kỳ diệu, bí ấn không phải là mô tuýp mới của anime, tuy nhiên ở Mary to Majo no Hana, người xem vẫn có thể cảm nhận được không ít những điều đặc biệt, thú vị. Không có quá nhiều tình tiết gay cấn nhưng bộ phim lại khiến cho người xem bị cuốn hút bởi cách đẩy tình huống hợp lý, cách liên kết các sự kiện mượt mà cũng như dàn nhân vật đều mang cá tính đối lập riêng biệt. Chúng ta có thể thấy trong đó một cô bé Mary vụng về, luôn tự ti về mái tóc đỏ rực của mình nhưng lại vô cùng thông minh, dũng cảm; một cậu bé Peter năng động, nghịch ngợm nhưng luôn sẵn sàng hy sinh vì bạn bè; một mụ phù thủy Mumblechook hung dữ tìm mọi cách chiếm đoạt loài hoa pháp thuật nhưng cuối cùng vẫn chọn con đường hóa giải tất cả dù không thực hiện được; và cả một bà dì Charlotte điềm tĩnh, yêu thương Mary hết mực nhưng hóa ra lại là phù thủy vô cùng mạnh mẽ trong quá khứ;…Đó cũng chính là điều tạo dấu ấn riêng cho tác phẩm đầu tay này của Studio Ponoc.

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 7.

3. Âm nhạc xuất sắc cùng dàn diễn viên lồng tiếng ấn tượng

Được chỉ đạo dưới bàn tay của Giám đốc âm thanh Muramatsu Takatsugu từng làm cho tác phẩm When Marien Was There, âm nhạc trong phim cũng không hề khiến người xem thất vọng. Sử dụng những bản nhạc giao hưởng khi thì nhẹ nhàng khi thì có tiết tấu độc đáo thay đổi phù hợp, bộ phim đem lại những cảnh quay có hồn, có cảm xúc và góp phần đẩy khán giả cuốn theo nhịp diễn biến câu chuyện. Ngoài ra, ca khúc chủ đề Rain do Sekai No Owari thể hiện cũng nhận được nhiều yêu mến của khán giả tại Nhật Bản sau khi phát hành.


Điều đáng mong đợi tiếp theo còn nằm ở dàn diễn viên lồng tiếng với những cái tên vô cùng ấn tượng. Lồng tiếng cho nhân vật chính Mary chính là nữ diễn viên trẻ tài năng Sugisaki Hana, cũng là người tham gia vào dự án cuối cùng nhà Ghibli là When Marine Was There. Cậu bé Peter được giao cho nam diễn viên đã từng gây ấn tượng nhờ nam chính trong cực phẩm Your Name – Kamiki Ryonosuke. Bên cạnh đó, các nhân vật phụ khác cũng được lồng tiếng bởi những diễn viên gạo cội như: Amami Yuki, Konihata Fumiyo, Mitsushima Hikari, Sato Jiro hay Endo Kenichi,….

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 8.

4. Câu chuyện tuổi thơ ẩn chứa bài học trưởng thành

Cũng giống như các tác phẩm hoạt hình khác mà xứ Phù Tang sản xuất, Mary to Majo no Hana không chỉ là bộ phim dành cho thiếu nhi mà còn có ý nghĩa đối với cả những người trưởng thành.

Có gì hấp dẫn ở tác phẩm hoạt hình duy nhất được chọn chiếu tại LHP Nhật Bản 2018? - Ảnh 9.

Mary to Majo no Hana vừa như một bức tranh gợi nhớ lại tuổi thơ qua cuộc phiêu lưu khám phá vùng đất phù thủy nhiều thử thách nhưng thú vị của Mary; vừa là bài học ý nghĩa mà ai cũng cần đến trong cuộc sống. Đằng sau câu chuyện nhẹ nhàng, mộc mạc, thông điệp mà nhà sản xuất bộ phim mong muốn gửi đến tất cả người xem chính là việc tự tin và làm chủ bản thân mình. Cũng giống như cô bé Mary luôn tự ti về mái tóc đỏ lẫn sự vụng về của bản thân nhưng cuối cùng lại giúp đỡ được mọi người xung quanh, tìm thấy sự tự tin và cả niềm vui riêng cho mình, mỗi người chúng ta cũng cần phải biết cách đối diện và làm chủ với những nỗi lo lắng để cuộc sống trở nên dễ chịu, tốt đẹp hơn. Thêm vào đó, sự tham vọng cùng hành động xấu xa mà hiệu trưởng Mumblechook đã làm cũng chính là cách bộ phim lên án những mặt tối trong xã hội; qua đó đề cao hơn giá trị nhân cách, đạo đức của con người.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày