8 năm không phải là thời gian quá dài trong đời người nhưng "đủ dài" để một ai đó gắn bó, thấu hiểu và yêu thương một vùng đất. Đối với cô gái 9X khá nổi tiếng, Tina Yuan (Nguyễn Thị Thương), tác giả của cuốn sách “Lỡ hẹn Paris” thì Singapore như quê hương thứ 2 nơi cô đã có biết bao kỷ niệm, bằng sự tình yêu, sự am hiểu nhất định.
Tina là nữ nhà văn người Việt đồng thời là cô giáo dạy tiếng Anh miễn phí cho người lao động Việt, những cô dâu Việt tại Singapore. Mới đây, Tina Yuan còn mở thêm một nhà hàng mang cái tên "rất Việt Nam" là XIN CHÀO để giới thiệu với người dân nước bạn những món ăn đặc sản của quê hương.
8 năm sống ở đảo quốc sư tử Singapore đã cho cô những sự thấu hiểu nhất định về văn hóa và con người nơi đây.
Ai cũng biết, Singapore là một trong số rất ít quốc gia đón Tết Nguyên đán (Tết âm lịch) cùng Việt Nam của chúng ta. Tết Nguyên đán là dịp vô cùng đặc biệt đi kèm với đó là những nét văn hóa, phong tục độc đáo.
Hãy cùng trò chuyện với Tina Yuan để xem người dân Singapore đón Tết Âm lịch theo cách riêng như thế nào và liệu có giống với cách người Việt Nam chào đón năm mới?
Tina đã có quãng thời gian hơn 8 năm sống ở đảo quốc sư tử. Chị có cảm nhận gì về con người và văn hóa nơi đây?
Điều quan trọng nhất mà Tina học được khi sinh sống ở Singapore là tính kỷ luật. Chính phủ rất nghiêm trong việc thi hành pháp luật. Singapore là một quốc gia có cách hành xử văn minh mà khá nhiều quốc gia Tina từng đi qua chưa có được.
Điều đáng nói nhất, Tina chưa gặp tình trạng tham ô hay hối lộ ở nơi này. Học sinh đi học, nhân viên đi làm… muốn phát triển thì đều phải dựa vào năng lực và kiến thức của bản thân. Ở đây Tina học được một điều thực tế là: Chăm chỉ không thôi là chưa đủ, muốn phát triển bản thân và công việc, nhất định phải trau dồi kiến thức mới mỗi ngày.
Những người Singapore mà Tina biết rất rõ ràng trong việc chi tiêu và gần như luôn định rõ mục tiêu hướng tới trong tương lai, chính phủ cũng vậy. Họ cũng định rõ quy mô phát triển và phương hướng cho từng việc. Môi trường rất sạch sẽ, người dân và chính phủ ở đây rất ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Singapore tuy nhỏ bé nhưng đi đến đâu Tina cũng thấy cây xanh xung quanh, điều này không phải quốc gia nào cũng làm được.
Điều đáng kể nhất là, Singapore có một mạng lưới giao thông công cộng rất hiệu quả: Taxi, xe buýt và hệ thống tàu điện Mass Rapid Transit (MRT) hiện đại. Xe buýt hoạt động từ 5 giờ 30 phút sáng đến nửa đêm. Có những chuyến xe phục vụ suốt đêm tùy khu vực. Tàu điện ngầm là một trong những phương tiện tiện lợi và nhanh nhất để phục vụ đời sống người dân Singapore.
Mình nhận thấy một quốc gia muốn thật sự phát triển nhanh, thì hệ thống giao thông công cộng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó gần như là cái đầu tiên mà các nhà đầu tư, du học sinh, khách du lịch xem xét nếu muốn sử dụng tiền để đầu tư ở quốc gia đó.
Về văn hóa giao thông, mình cho rằng người dân ở đây có lối hành xử cực kỳ văn minh. Có lần mình đi taxi, tài xế chở mình đâm vào đuôi xe ô tô khác, tình trạng có vẻ khá nghiêm trọng. Nhưng họ rất bình tĩnh, lái xe đỗ vào bên đường, chụp ảnh lại hiện trường và gọi điện cho cảnh sát và bên bảo hiểm tới giải quyết. Gần như mình chưa bao giờ nghe thấy tiếng còi xe inh ỏi bao giờ.
Singapore là một trong vài quốc gia đón Tết Nguyên Đán giống Việt Nam, chị thấy phong tục đón Tết của họ có gì khác với người Việt?
Singapore là một quốc gia đa chủng tộc với nhiều lễ hội. Người Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, các nước phương Tây ở đây đều có Tết của riêng mình.
Tuy nhiên Tết của người Hoa tại Singapore vẫn là Tết nhộn nhịp nhất của năm. Đây là Tết cổ truyền, gần như theo phong tục của người Trung Quốc, có lẽ vì một phần lớn dân số của Đảo quốc sư tử là người gốc Hoa, họ chiếm đến 75.9% dân số. Tết Nguyên Đán ở Singapore trùng với thời điểm đón năm mới của Việt Nam vào ngày 1/1 Âm lịch. Trước những ngày đón năm mới, người dân Singapore cũng có phong tục dọn dẹp và trang trí nhà cửa, đường phố. Vào ngày Tết, người dân quốc đảo cũng nấu các món ăn truyền thống và tham gia nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức.
Chẳng hạn như Lễ hội Chingay, Chingay Parade hay là lễ hội đường phố Chingay, được tổ chức hàng năm tại Singapore trong dịp Tết âm lịch. Đặc biệt mấy năm nay, Việt Nam cũng góp mặt để chia sẻ văn hóa của chúng ta. Đây là một dịp để người dân Singapore thể hiện và củng cố nền văn hóa đa sắc tộc của mình. Ở đây, mình được học và trải nghiệm gần như tất cả văn hóa thế giới tại Singapore.
Các điều cấm kỵ tại Singapore trong những ngày Tết là không nên tặng đồng hồ cho nhau thời điểm này vì đây là biểu hiện của sự tang tóc. Khăn tay là điềm báo của sự chia ly còn ô (dù) là điềm báo rủi ro. Họ cũng có nhiều tục lệ giống với các vùng miền tại Việt Nam, ví dụ như, ngày đầu năm không quét dọn nhà cửa và không gội đầu để tránh làm mất đi điều may mắn. Không đánh vỡ đồ đạc đặc biệt là gương, không mặc đồ trắng, không dùng kim, kéo vì chúng sẽ mang đến vận hạn…
Điểm gì trong phong tục đón Tết Nguyên Đán của người Singapore mà chị thấy ấn tượng, độc đáo, kỳ lạ nhất?
Mình ấn tượng với phong tục tặng quýt với ý nghĩa sung túc. Nếu như người Việt Nam trang trí mâm ngũ quả ngày Tết, thì người Singapore lại ưa chuộng quýt và thơm (dứa) hơn. Theo họ, quýt có màu cam rực rỡ, theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là vàng, thể hiện sự sung túc. Do đó, vào những ngày đón năm mới, người Singapore không trưng hoa đào, hoa mai mà chọn cây quýt để trang trí trong nhà hay nơi làm việc.
Người Singapore còn tặng quýt cho người thân và bạn bè với ý nghĩa mang nhiều tài lộc, may mắn cho người nhận. Bên cạnh đó, họ còn có phong tục tặng đồ đôi hoặc số chẵn nhưng kiêng số 4 vì cho rằng sẽ gặp nhiều điều xui xẻo trong cả năm. Nếu tặng quà lì xì, người chưa kết hôn, dù đã 50-60 tuổi, thì cũng không nên tặng bởi nếu tặng thì mọi người tưởng bạn đã kết hôn.
Nếu như Việt Nam đón Tết Nguyên Đán với bánh chưng, dưa hành, và các món cổ truyền thì người Singapore có những món ăn đặc trưng nào? Chúng có mang ý nghĩa gì đặc biệt không?
Người Singapore có tục làm các món đặc trưng là Yumcha và gỏi Yusheng.
Yumcha - món ăn có ý nghĩa cho sự thành công và may mắn. Đây là món điểm tâm gồm các loại bánh bao, dimsum, bánh cuốn, thịt viên, bánh ngọt... Với nguyên liệu đầy màu sắc, món Yumcha còn có ý nghĩa mang tới sự may mắn và tốt lành trong năm mới. Mỗi nguyên liệu để làm món Yumcha sẽ có những ý nghĩa riêng. Chẳng hạn như, gạo nếp tượng trưng cho sự dung hòa đất trời, hạt sen sung túc và nhiều của cải hay thịt và rau có ý nghĩa sum vầy...
Gỏi Yusheng - món ăn ngày Tết ở Singapore này không thể thiếu được trong mâm cơm đầu năm mới. Món gỏi được làm từ những nguyên liệu tượng trưng cho sự phát triển gồm có đu đủ và khoai môn bào sợi, cá hồi với các loại gia vị và nước sốt đặc biệt. Tất cả mọi người sẽ cũng nhau dùng đũa trộn chúng lại với nhau, càng trộn nhiều càng mang ý nghĩa thành công nhiều.
Gỏi Yusheng - món ăn ngày Tết ở Singapore này không thể thiếu được trong mâm cơm đầu năm mới
Người Việt Nam ở Singapore thường đón Tết Nguyên Đán như thế nào?
Hiện nay, cộng đồng người Việt có khoảng 15.000 người sinh sống, học tập và làm việc tại Singapore. Đón Tết như thế nào cũng tùy thuộc vào mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và các nhóm khác nhau.
Những người mà Tina quen biết thường hay hẹn nhau đến nhà nấu các món ăn truyền thống Việt Nam trong ngày Tết rồi mời bạn bè nước ngoài đến thưởng thức chúng, cùng nhau mặc lên mình những bộ áo dài trong những bữa tiệc tất niên. Hoặc cùng nhau lập hội gói bánh chưng để đón Tết.
Đặc biệt, mấy năm gần đây các siêu thị Việt Nam được các chị em người Việt mở ra rất nhiều, hầu như các sản phẩm và thực phẩm nội địa của nhiều vùng miền của Việt Nam khác nhau đều được bày bán tại Singapore. Cuộc sống cũng không khác Việt Nam là mấy, chỉ thiếu duy nhất đó là sự sum vầy cùng ông bà bố mẹ.
Năm nay dịch bệnh Covid-19 hoành hành, liệu Tết của bà con kiều bào ở Singapore có được như mọi năm không?
Năm nay may mắn hơn năm trước vì đường bay quốc tế được mở lại nên có rất nhiều kiều bào của chúng ta có thể về quê ăn Tết. Còn tại Singapore thì không được như năm ngoái bởi chính phủ vẫn ra quy định giãn cách xã hội, chỉ giới hạn 5 người đến nhà mỗi ngày (năm trước thì nhiều hơn – 8 người), nhưng Tina tin, dù chỉ 5-8 người được tụ họp lại thôi nhưng được về Việt Nam cũng là một trong những tín hiệu vô cùng đáng mừng của năm 2022.