Cô gái tố từng bị gương mặt trẻ nhất Forbes under 30 quấy rối: Tôi đã bị trầm cảm và muốn chết! Tôi là người bị hại mà, tại sao hỏi tôi 'sao không block?'

Bảo Bảo, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 00:41 19/02/2022

"Mình hèn nhát khi không báo cáo mối quan hệ sai trái ngay từ đầu, mình là kiểu người thích dồn nén cho đến khi chịu không nổi nữa mới gào lên. Và rất may cho mình, cổng nhà quên khóa thì không được báo cảnh sát", K.N - cô gái bị Ngô Hoàng Anh quấy rối khi mới 17 tuổi - cay đắng viết lên mạng xã hội.

"Tại sao không block?" "Cô gái này chắc cũng thoáng mà, vẫn nói chuyện tiếp mà, nên người ta mới vậy!" "Ừ thì chắc bởi lập lờ nước đôi nên người ta cũng lập lờ"… là một loạt những phản hồi dội lại K.N khi cô quyết định công khai vụ việc bị Ngô Hoàng Anh quấy rối tình dục năm 2020.

K.N khi ấy 19 tuổi. Cô cho biết bị Ngô Hoàng Anh - người vừa được vinh danh trong danh sách Forbes Under 30 - quấy rối năm 17 tuổi.

Cô gái tố từng bị gương mặt trẻ nhất Forbes under 30 quấy rối: Tôi đã bị trầm cảm và muốn chết! Tôi là người bị hại mà, tại sao hỏi tôi sao không block? - Ảnh 1.

"Trong số những người đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming), có cả bạn em, có cả người em từng chơi và bảo vệ", K.N nói.

"Người ta hay nói tại sao lúc đó không làm thế này, không làm thế kia? Người ta chỉ nói được câu đó khi chuyện đã đi qua rồi".

Cô gái tố từng bị gương mặt trẻ nhất Forbes under 30 quấy rối: Tôi đã bị trầm cảm và muốn chết! Tôi là người bị hại mà, tại sao hỏi tôi sao không block? - Ảnh 2.

* Em biết Hoàng Anh từ bao giờ?

Em biết ảnh từ khi học ở trường P.T.N.K, nhưng ban đầu không có ấn tượng tốt. Đến năm lớp 11, đi du học, thời gian ban đầu ở nước ngoài ít bạn, tụi em trò chuyện ẩn danh trước thông qua ứng dụng của cựu học sinh trường P.T.N.K, trao đổi thấy vui nên add Facebook và trò chuyện qua Messenger. Khi em biết đó là Hoàng Anh, em đã nghĩ em hiểu lầm người này.

* Từ khi nào Hoàng Anh bắt đầu có ngôn từ mà em cho là vượt quá giới hạn cho phép?

Sau chừng vài tháng, ảnh bắt đầu đề cập đến vấn đề tình dục, bắt đầu với những câu đặt vấn đề chung, kiểu "Người ta bây giờ quan hệ tình dục trước hôn nhân thì em thấy thế nào?" Những câu hỏi ý kiến chung chung như vậy, em cũng trả lời thật lòng ý kiến của mình. Từ những chuyện đó, ảnh bắt đầu đề cập sâu hơn về vấn đề tình dục, nhưng là về đời sống tình dục cá nhân rất riêng tư chứ không còn là những câu hỏi chung chung như trước.

Thực sự thời điểm đó, em cũng không biết quấy rối tình dục là gì. Quấy rối bằng ngôn từ lại là một vấn đề mập mờ hơn nữa. Có những khi tinh thần thoải mái, em sẽ trả lời cho qua, không quá khó chịu. Nhưng càng về sau, ảnh càng nói đến các vấn đề nhạy cảm, em cảm thấy bị xúc phạm nên đã phản ứng gay gắt hơn nhiều.

Đỉnh điểm là 2020, khi em có bạn trai. Em học ở Anh, bạn trai em ở Mỹ. Ảnh hay xúi kiểu "kiếm mấy anh Tây đi, vì các anh ấy ở gần đây hơn…" này kia. Em khá khó chịu, nhưng em vẫn tiếp chuyện vì em đã nghĩ trong giới hạn chịu đựng được.

* Vì sao không thoải mái mà em vẫn chịu đựng như vậy?

Những câu anh Hoàng Anh đùa về vấn đề tình dục, em có đi kể với bạn em – các bạn nam từ thời trung học cùng học ở Anh, vì em không biết đối với phái nam đùa thế nào là đùa, và khi nào thì là cố ý xúc phạm mình. Nghe em kể xong, bạn ấy chỉ cười, và bảo "Chỉ đùa vậy á". Em nghĩ: "Ủa, các bạn nói là đùa, có khi nào em hơi khó tính và làm quá không?"

Bạn em nói người ta chỉ đùa, em nghĩ có khi nào mình hơi khó tính và làm quá không?

Đó là lý do em cứ trả lời hoài chứ không ngăn chặn được. Đỉnh điểm lý do em quyết định tố cáo là bởi ngày hôm đó, ảnh gạ gẫm em video call chat sex. Em từ chối khéo bảo "Không được, em có bạn trai rồi". Ảnh nói kiểu dụ bạn trai em đi lái xe, đổ xăng rồi gọi cho ảnh, ảnh còn xúi em tạo tài khoản giả rồi gọi cho ảnh. Sau đó em nói không nhưng ảnh vẫn cứ đề cập vấn đề là gọi điện cho ảnh, cởi đồ cho ảnh xem bán phần cũng được hay làm những chuyện "seduce" (khêu gợi) cho ảnh.

Cô gái tố từng bị gương mặt trẻ nhất Forbes under 30 quấy rối: Tôi đã bị trầm cảm và muốn chết! Tôi là người bị hại mà, tại sao hỏi tôi sao không block? - Ảnh 4.

Em đã nghĩ những chuyện trước đó là đùa giỡn, nhưng chuyển thẳng từ đùa cợt sang đề nghị cởi đồ cho em xem thì lúc đó, em thấy không thể chấp nhận được. Nhưng sau đó ảnh lại tiếp tục đề nghị sáng hôm sau em thức dậy gọi cho ảnh, em kiếm cớ bận học bài, giặt giũ,... chứ không dám gọi. Sau đó em hỏi bạn em lần nữa, xem rằng tới mức này có còn là đùa giỡn nữa không. Bạn em nói "Không".

Cô gái tố từng bị gương mặt trẻ nhất Forbes under 30 quấy rối: Tôi đã bị trầm cảm và muốn chết! Tôi là người bị hại mà, tại sao hỏi tôi sao không block? - Ảnh 5.
Cô gái tố từng bị gương mặt trẻ nhất Forbes under 30 quấy rối: Tôi đã bị trầm cảm và muốn chết! Tôi là người bị hại mà, tại sao hỏi tôi sao không block? - Ảnh 6.

* Em rất dũng cảm khi dám lên tiếng câu chuyện này, thời điểm đó em mới 19 tuổi, vừa bước chân vào cổng trường đại học. Khi ấy, mọi người xung quanh rồi bạn bè phản ứng thế nào?

Em cảm thấy ở Việt Nam, về việc giáo dục giới tính, không chỉ cần hướng dẫn phương pháp bảo vệ bản thân đầy đủ, mà còn cần giáo dục cả việc nhận dạng, phản ứng với những tình huống quấy rối như thế nào cho phù hợp ở trong các môi trường khác nhau: Gia đình, trường học, công sở...

Những bạn có tư tưởng tiến bộ, đại loại 80% sẽ ủng hộ, nhưng các bạn cũng chỉ tầm tuổi em hoặc nhỏ hơn, có bạn còn đang học trong trường, cho nên nhiều bạn chỉ dám lén nhắn tin. Những người đứng ra chủ yếu khi có các vấn đề thường là các anh chị cựu học sinh.

* Có hay không những thông tin trái chiều nói rằng do em mở lòng với người ta? Hay mình không nên nói ra vì con gái sẽ thiệt hơn?

Trên Facebook của em khi đó, người ủng hộ nhỏ lẻ, chắc được cỡ 10 người thôi, còn nhắn tin thì nhiều hơn nhiều. Những bạn em thân thiết và biết em từ trước tới giờ, thậm chí cả người lạ mà biết Ngô Hoàng Anh cũng nhắn tin ủng hộ, nhưng chỉ ủng hộ về mặt tinh thần. Thời điểm đó, em giống như phải đứng mũi chịu sào.

Cũng chừng 10% bạn bè của em hoặc là trung lập, không lên tiếng. Đâu đó 10% bạn bè em nói "Em cũng thoáng mà, em cũng nói chuyện tiếp với người ta mà", vì em nói câu "Chắc là không" thay vì "Không" rõ ràng. Họ nói "Ừ thì em cũng lập lờ nước đôi thì người ta cũng lập lờ". Đáng lẽ em nên hiểu rằng "không""không" thôi.

Người ta hay nói tại sao lúc đó không làm thế này? Tại sao lúc đó không làm thế kia? Người ta chỉ nói được câu đó khi chuyện đó đã đi qua rồi

Lúc đó em không nghĩ ra được gì, nhưng giờ nghĩ lại, em thấy việc người ta đã khởi tâm, có hành động, việc em phản ứng thế nào không quyết định việc quấy rối có xảy ra hay không. Mọi người nói đơn giản là sao em không block đúng không? Nhưng anh Hoàng Anh thực sự rất dai. Có nạn nhân đã block rồi nhưng ảnh lập tài khoản phụ nhắn tin. Nút block có thực sự bảo vệ được chính bản thân mình trong khi em và anh đó vẫn có những mối liên hệ từ trường cũ.

Kinh khủng hơn là sau chuyện đó em về Việt Nam cách ly, và cách ly cùng khu với Hoàng Anh, cùng tầng lầu. Em thấy anh đó mỗi ngày, và thấy rất kinh khủng. Nút block có thực sự block nhau ngoài đời.

Người ta hay nói tại sao lúc đó không làm thế này? Tại sao lúc đó không làm thế kia? Người ta chỉ nói được câu đó khi chuyện đó đã đi qua rồi.

* Thời điểm em quyết định công khai mọi chuyện, em còn rất trẻ và chưa trải nghiệm nhiều chuyện liên quan đến quấy rối tình dục. Hỏi thật lòng, em có hoang mang?

Trước tất cả những áp lực công kích và sự thờ ơ khủng khiếp đó, em cảm thấy cô độc và bị trầm cảm. Em đã muốn tự tử. Chuyện đó là tất nhiên mà. Em là một người kín tiếng. Đây là vấn đề thị phi ồn ào duy nhất trong cuộc đời em. Em là người không thích drama, không thích coi phốt, em còn không theo dõi drama trên mạng xã hội chứ đừng nói đến chuyện từng trải qua để có kinh nghiệm, hay biết phải làm gì để vượt qua nó. Em bị sốc. Sốc nặng!

Em nghĩ "Ủa, chuyện hiển nhiên vậy, tại sao họ lại có thể đặt câu hỏi với mình 'Tại sao không block?'". Em tưởng những người lớn, người đã đi làm, hơn ai hết họ phải biết có những mối quan hệ họ phải bằng mặt mà không bằng lòng, có những mối quan hệ bất đắc dĩ không thể nói cắt là cắt được. Khá buồn cười họ lại nói "Chỉ là tiền bối, hậu bối, làm gì ghê vậy? Làm gì không block được?".

Thực sự mọi người có thể block nhau ra khỏi cuộc đời? Là người lạ rất dễ, nhưng là người biết rất nhiều điều, nhiều người trong các mối quan hệ xã hội của mình, chưa kể là còn được rất nhiều người bênh vực, mọi người có dám làm gì?

Lúc đó em phải nhờ tới sự can thiệp bên trường ĐH. Rất may mọi người ở trường ĐH rất nhiệt tình, từ giảng viên cho tới những người Wellbeing Advisors - tư vấn về đời sống, tâm sinh lý. Chỉ có điều, em được khuyên rằng chuyện xảy ra khi Hoàng Anh ở Pháp, em ở Anh, cho nên không thể kiện được vì nó sẽ liên quan đến nhiều thứ phức tạp. Mọi người chỉ có thể giúp em hồi phục lại tinh thần và tâm lý, không thể làm gì xa hơn được.

Em hiểu chứ! Em hiểu việc không kiện được là sự thật! Nhưng khi nghe được những lời đó, em thấy rất tuyệt vọng. Một người xấu như vậy, rõ rành rành như vậy, nhiều nạn nhân lên tiếng nhắn tin cho em như vậy... Nhiều đến mức em phải xin lỗi vì có những tin nhắn đến giờ em vẫn chưa trả lời, vì quá nhiều, nhưng em lại bất lực không thể làm gì được.

* Đó là lý do có Facebook Trà My - tài khoản mạng xã hội thứ hai tố Ngô Hoàng Anh quấy rối tình dục?

Mọi người nghĩ Trà My đó chỉ là 1 người, và tên là Trà My? Không. Đống tin nhắn đó của rất nhiều bạn, là bằng chứng của rất nhiều những nạn nhân khác của Hoàng Anh nhưng họ không thể ra mặt được.

Cô gái tố từng bị gương mặt trẻ nhất Forbes under 30 quấy rối: Tôi đã bị trầm cảm và muốn chết! Tôi là người bị hại mà, tại sao hỏi tôi sao không block? - Ảnh 8.

* Theo em, làm thế nào để các em nhỏ không gặp phải tình trạng tương tự, hoặc biết cách ứng xử khi bị quấy rối?

Em nghĩ sẽ tốt hơn nếu các em được giáo dục từ đầu, biết định nghĩa quấy rối tình dục là gì, ít nhất khi cảm thấy không ổn dù chỉ chút ít có thể cho bản thân quyền để lên tiếng và có nguồn thông tin đáng tin cậy, chân thành để hỏi.

Em nghĩ đó là cái mình đang thiếu em đã không biết dựa vào đâu. Mọi người hay nói có thể nói với gia đình, bố mẹ, nhưng em biết có một số bố mẹ thoáng và cởi mở, nhưng phần lớn phụ huynh Việt Nam còn ngại nói chuyện với con cái về vấn đề tình dục, thậm chí là rất bài trừ điều này. Em đã sợ rằng khi mẹ em biết, mẹ em sẽ la mắng em. Hơn nữa về mặt luật pháp, hình thức gạ gẫm trên mạng Cyber sex hay Cyber Harassment còn khá mới, chưa đặt giới hạn cho nó, nên cũng khó để các bạn biết được nó là như thế nào.

Vì vậy có một điểm tựa bên ngoài gia đình và các cơ sở hành chính là vô cùng cần thiết cho các bạn.

* Cảm ơn em!

(còn nữa)

https://cafebiz.vn/co-gai-tung-bi-guong-mat-tre-nhat-forbes-under-30-quay-roi-toi-da-bi-tram-cam-va-muon-chet-toi-la-nguoi-bi-hai-ma-tai-sao-hoi-toi-sao-khong-block-20220218153819746.chn