Như bất kỳ một người trẻ nào khác, tôi có sở thích nằm lướt mạng xã hội, xem các video giải trí "quá 180 phút".
Mẹ nói với tôi: "Chỉ suốt ngày dán mắt vào điện thoại thì làm được gì nên hồn?". Sếp cũng nhắc: "Em bỏ ngay cái điện thoại xuống mà làm việc đi".
Chính tôi cũng nói với mình: Tiêu tốn lãng phí thời gian cho mạng xã hội thì tương lai sẽ thế nào? Bởi tôi hiểu, nhiều clip trên mạng chỉ đơn thuần là để giải trí, không giúp bản thân cải thiện được chút nào cả về chuyên môn và mindset trong cuộc sống, công việc.
Cho đến khi tôi lướt đến những clip của Giao Cùn - một nhà sáng tạo nội dung về lịch sử văn hoá Việt Nam có kênh TikTok hơn 700 ngàn người theo dõi. Đắm chìm trong những nội dung về lịch sử nước nhà của Giao, tôi nhận ra lướt mạng xã hội cũng là một điều thú vị và đáng làm.
Clip "Giao Cùn - GenZ với hành trình sáng tạo nội dung về lịch sử cùng cơn sốt “Đào Phở Piano”
Trên mạng xã hội, Giao Cùn (tên thật: Ngô Thị Quỳnh Giao, sinh năm 2000) là người khá "giàu có". Cô là chủ nhân của những tài khoản mạng xã hội với hàng ngàn lượt theo dõi. Trong 3 năm, Giao đã làm khoảng 700 video về văn hoá lịch sử Việt Nam - một hành trình dài mà chỉ có trái tim thực lòng mong mỏi dòng chảy lịch sử được khơi thông, muốn góp phần hoàn thiện bức tranh văn hoá lịch sử đầy tự hào, mới có thể bền bỉ đi hết chặng đường.
Nhưng còn trong mắt thế hệ ông bà, bố mẹ, những người chưa hiểu về hành trình này thì Giao "đang làm cái gì không rõ".
Trước khi trở thành một nhà sáng tạo nội dung về văn hoá lịch sử Việt Nam trên mạng xã hội, cô bạn GenZ này đã có những nút giao thú vị với bộ môn lịch sử. Khi còn nhỏ, Giao đọc được bộ sách tóm tắt từ thời Hồng Bàng đến kháng chiến chống Mỹ và bắt đầu say mê lịch sử Việt Nam từ đó. Đến lúc đi học, Giao thi HSG Sử, được giải Nhì cấp thành phố. Thời đó cô bạn nghĩ đơn thuần rằng mình học thuộc giỏi nên đi thi, không có ý nghĩa gì lớn lao.
Đến năm 18 tuổi, thời điểm đứng trước ngưỡng cửa chọn trường Đại học, ngành mà Giao hướng đến cũng không liên quan gì đến lịch sử. Cô bạn chọn học kinh tế, không phải vì đam mê, cũng không phải vì ngành hot mà bởi suy nghĩ "kiểu gì sau này cũng có việc làm". Thế nhưng, qua thời gian dài, Giao vẫn vẫn không thể tách rời khỏi lịch sử khi những video của cô lên xu hướng, nhận được nhiều quan tâm và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Xuất phát là một sinh viên ngành kinh tế nhưng làm nội dung về lịch sử, đôi khi Giao đã gặp phải nhiều tình huống khó xử, để lại "cái dằm" và nỗi hoang mang về con đường mình chọn.
Giao kể, trong một lần giới thiệu về bản thân, một chú lớn tuổi đã chỉ thẳng vào cô và nói: “Tôi nghe nói những người làm TikTok là bọn vô học đúng không?”. Khoảnh khắc đó, Giao thấy chết lặng, trời đất sụp đổ. Lần đầu tiên, cô thấy chạnh lòng, hối hận khi không được đào tạo bài bản và trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử hẳn hoi.
Không chỉ riêng trong cuộc đối thoại với người chú kia, mà ở nhà, bố của Giao vẫn không biết con gái là người nổi tiếng trên mạng xã hội. Nhiều khi bố hỏi Giao đang làm gì, cô chỉ bảo "Con đang thất nghiệp", "Con đang đi bán sách",... Giao không dám chia sẻ công việc với bố dẫn đến nhiều khi, bố vẫn nghĩ con gái đang lông bông.
Nhiều người đến với nghề sáng tạo nội dung vì đam mê, muốn được chia sẻ, lan toả chủ đề mình quan tâm đến với cộng đồng. Nhưng khi số lượt theo dõi tăng quá nhanh và chạm đến những cột mốc mới, điều mà họ quan tâm lúc này là có nên thương mại hoá "đứa con tinh thần".
Là một nhà sáng tạo nội dung, Giao cũng có những đắn đo của riêng mình. Ban đầu cô cho rằng kênh của mình chỉ để truyền tải kiến thức và động lực học lịch sử, không nên thương mại hoá. Nhưng rồi cô nghĩ lại: "Nếu không kiếm được tiền, không thực sự trở nên sung túc nhờ lịch sử văn hóa thì mình ăn nói thế nào với các bạn cấp 2, cấp 3 khi các bạn hỏi: 'Chị ơi, em có nên học Sử không?'. Nếu mình không có được những điều đấy, lúc nào cũng sống vật vờ, không cho mọi người thấy được sự ổn định của bản thân thì làm sao thuyết phục được người khác?".
Cũng vì thế từ giữa năm 2024, Giao đã bắt đầu nhận những quảng cáo đầu tiên cho nhãn hàng. Nhờ đó, từ một cô sinh viên đi ở nhà thuê xập xệ, buổi tối không dém màn kỹ thì chuột chạy qua mặt là bình thường thì giờ đây, cô bạn đã sống có thể sống trong căn hộ, có một cái giường riêng và tối tối không còn sợ chuột nữa.
Chỉ thay đổi nhỏ thôi nhưng nó đã giúp Giao hiểu được bản thân đã đi đúng hướng. Bởi giờ cô đã có thể nói cho mọi người biết rằng là lịch sử văn hóa cũng sẽ kiếm được tiền, giúp cho các bạn có một đời sống tốt hơn.
Và cũng là cô gái không dám nói với bố về công việc của mình ấy lại ấp ủ một mơ ước lớn. Đó là làm sao để người Việt kiếm được tiền từ văn hoá nước nhà và dùng dùng chính tiền đấy để phát triển kinh tế đất nước. Nói một cách dễ hiểu, phát triển kinh tế phải đồng thời với phát triển văn hóa, làm sao để mình giàu lên và vẫn không quên đi gốc gác của mình.
"Mình không nghĩ nó là trách nhiệm gì lớn lao mà chỉ là làm tốt việc của mình. Mình vừa giữ được nét văn hoá truyền thống vừa dùng nó để thúc đẩy sự phát triển. Đây cũng không phải vai trò của một mình ai mà mỗi người một việc, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá thì nghiên cứu còn mình làm nội dung, phát triển nội dung mà họ nghiên cứu, đem nó đến với mọi người", Giao bộc bạch những trăn trở.
Đầu năm 2024, Giao Cùn là một trong những sáng tạo nội dung đầu tiên chia sẻ thông tin, từ đó góp phần quảng bá Đào, phở và piano đến các bạn trẻ, sau khi một clip của cô giới thiệu về bộ phim nổi tiếng viral trên mạng xã hội. Với những đóng góp này, trong một bình luận của bài đăng trên trang về Đào, phở và piano, fanpage Thông tin Chính Phủ đã đăng tải hình ảnh của Giao kèm lời tán dương, khích lệ: ''Vỗ tay cho bạn trẻ này. Việc các bạn trẻ tăng cường phổ biến thông tin về 'Đào, Phở và Piano' là tín hiệu đáng mừng!''.
Không những thế, trong một buổi cinetour, nam chính trong phim Đào, phở và piano - diễn viên Doãn Quốc Đam cũng đã gửi lời cảm ơn đích danh đến Giao vì đã giúp lan toả bộ phim cũng như tình yêu về lịch sử đến nhiều người hơn.
Hiện trên trang cá nhân, nội dung mà Giao chia sẻ vẫn tiếp tục xoay quanh giới thiệu những cuốn sách, bộ phim lịch sử hay, kể về các kiến thức nằm ngoài sách giáo khoa phổ thông mà chính cô tự tìm hiểu được.
Câu chuyện về một cô gái Gen Z với tình yêu mãnh liệt dành cho lịch sử nước nhà và nỗ lực quảng bá vẻ đẹp lịch sử đến cho mọi người, đã khiến Giao Cùn trở thành một trong 20 đề cử truyền cảm hứng tại WeChoice Awards 2024.
Đọc toàn bộ câu chuyện về Giao Cùn TẠI ĐÂY. Và đừng quên bình chọn cho Giao Cùn cùng những niềm cảm hứng khác tại WeChoice Awards 2024!
WeChoice Awards là giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, có ý nghĩa nhân văn lớn, nhằm tôn vinh những con người, sự kiện, sản phẩm và công trình lan tỏa niềm cảm hứng tích cực tới cộng đồng. Năm 2024, WeChoice Awards đã chính thức quay trở lại với chủ đề "Việt Nam tôi đó".
Sau khi nhận được rất nhiều đề cử ấn tượng do cộng đồng gửi về, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2024 đã chính thức mở từ ngày 25/12/2024. Ngay từ bây giờ, hãy truy cập wechoice.vn và bình chọn cho những nhân vật, câu chuyện mà bạn cảm thấy được lan tỏa mạnh mẽ niềm cảm hứng Việt Nam tôi đó.
Thời gian bình chọn sẽ kéo dài từ 25/12/2024 đến 12h00 ngày 12/1/2025. Kết quả bình chọn sẽ được công bố vào đêm Gala vinh danh và trao giải diễn ra tối ngày 12/1/2025. Bình chọn ngay tại wechoice.vn!