Cô gái học thứ ngôn ngữ cực hiếm, trúng tuyển vào Đại sứ quán mà không cần "show" bằng cấp

Yingie - Design: Trường Dương, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 02/05/2021

Đâu là cái lợi cái hại khi học một thứ tiếng lạ, câu chuyện của Nguyễn Hường - Thư ký Đại sứ tại Đại sứ quán Slovakia này sẽ giải đáp giúp bạn.

Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc sẽ học một thứ ngôn ngữ lạ lẫm như tiếng Slovakia chưa? Dám cá là 9/10 người chưa bao giờ có ý tưởng này trong đầu, thậm chí riêng việc chỉ ra vị trí của đất nước Slovakia trên bản đồ thế giới hẳn đã là một việc chẳng dễ dàng gì.

Thế nhưng theo học ngoại ngữ luôn là trải nghiệm thú vị hàng đầu mà người ta thường khuyên nhau nên làm nếu muốn cuộc sống thêm trọn vẹn. Đó là chưa kể đến việc học thêm kĩ năng mới còn đồng nghĩa với rất nhiều cơ hội khác sẽ kéo đến với bạn, theo cách bạn không ngờ tới.

Nguyễn Hường (SN 1987) đã trở thành Thư ký Đại sứ, làm việc ở Đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam một cách vừa tình cờ vừa do "duyên trời định" như thế đấy!

Chật vật với thứ ngôn ngữ cực hiếm, mất cả học kì vẫn không thể ghi chép được lời thầy cô giảng

Tiếng Slovakia (hay còn gọi là tiếng Slovak) là thứ ngôn ngữ có hơn 6 triệu người nói trên thế giới, trong đó khoảng 85% là người Slovakia, còn lại rải rác mỗi quốc gia một ít. Riêng ở Việt Nam, thậm chí còn không có con số thống kê chính thức số người học ngôn ngữ này và cũng không có bất kì đơn vị giảng dạy tiếng Slovakia nào đang hoạt động. Nói vậy để hiểu ở Việt Nam, nếu bạn nói tiếng Slovakia chẳng khác gì bạn nói tiếng... "trên trời" vì có mấy ai hiểu được bạn nói gì đâu.

Cô gái học thứ ngôn ngữ cực hiếm, trúng tuyển vào Đại sứ quán mà không cần show bằng cấp - Ảnh 1.

Nguyễn Hường du học Slovakia lúc đầu hoàn toàn vì yêu cầu của bố mẹ

Năm 2006, Hường bắt đầu sang Slovakia du học. Cô theo học Đại học Comenius ở Bratislava, Slovakia. Với cô, khi ấy đây là sự lựa chọn gần như duy nhất, bởi lẽ đây là yêu cầu từ hai bậc phụ huynh. Bố mẹ gửi Hường sang Slovakia học vì Hường có cô ruột đang định cư tại đất nước Trung Âu này. Việc sang đó, ở với gia đình cô và vừa học vừa làm đã giúp Hường tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho gia đình.

Học ngoại ngữ bình thường đã khó, học một ngôn ngữ lạ lẫm như tiếng Slovakia đương nhiên còn khó hơn. Toàn bộ việc học tiếng của Hường chỉ bắt đầu sau khi Hường sang tới Slovakia.

"Tại đó có một ngôi trường chuyên dạy tiếng Slovakia cũng như các bộ môn thi đại học theo từng chuyên ngành cho sinh viên từ các nơi trên thế giới sang Slovakia du học. Đối với những sinh viên nhận học bổng của Chính phủ Slovakia, thì kể cả bạn đã nhận được học bổng đại học rồi, nhưng nếu bạn không vượt qua được kì thi tuyển sinh vào đại học giống như các sinh viên bản xứ khác thì bạn vẫn không thể bắt đầu theo học được.

Cô giáo của mình tại trường tiếng luôn nói rằng chúng mình khi ấy đã gặp 'double trouble' (khó khăn kép). Chỉ trong 1 năm, ngoài việc học tiếng sao cho có thể thi được thì bọn mình còn phải học các môn như toán, kinh tế bằng tiếng Slovakia để thi đại học", Hường chia sẻ.

Đến khi vượt qua được kì thi, các khó khăn khác sẽ nối nhau mà đến. Ai cũng biết lên đến đại học, thầy cô chỉ phụ trách giảng dạy còn học hành tiếp thu hoàn toàn là trách nhiệm của sinh viên, thế nhưng dù đã được học 1 năm tại trường tiếng nhưng học kì đầu tiên Hường gần như không thể ghi chép được gì từ lời thầy cô giảng, luôn phải mượn vở của bạn bè.

"Thậm chí mình đọc sách, rõ ràng biết nghĩa từng từ trong câu nhưng ráp cả câu lại thì không hiểu gì nữa. Một bài học mình phải tra từ điển rồi đọc đi đọc lại 3, 4 lần mới có thể hiểu hết được. Nhắc đến chuyện tra từ điển, việc học 1 tiếng hiếm còn mang đến cho bạn một rắc rối khác. Đó chính là bạn phải xác định sẽ cần tra từ điển kiểu bắc cầu sang tiếng Anh rồi mới về tiếng Việt, vì vậy việc học cũng mất thời gian hơn và khó khăn hơn".

Nguyễn Hường trong buổi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Comenius ở Bratislava với tấm bằng đỏ

Năm 2012, Hường học xong cả chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Marketing tại Slovakia. Lúc này, cô lựa chọn về nước dù trong tâm thế đã xác định sẵn rằng sẽ không bao giờ được sử dụng tiếng Slovakia nữa. Bởi thực sự ở thời điểm đó, đây là thứ ngôn ngữ cực kì không thông dụng.

Nhưng Hường không biết đó lại là một khởi đầu đầy hứa hẹn. Một cánh cửa mới hóa ra chỉ vừa mở ra...

Trúng tuyển vào Đại sứ quán mà không cần chứng minh bằng cấp và vô vàn cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn

Trở về nước 1 năm, Hường an phận làm cho một công ty truyền thông, vốn tiếng Slovakia đã sẵn sàng "cất tủ" mãi mãi. Thế rồi một người bạn nói với Hường rằng Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội đang tuyển người, Hường thử sức đăng ký. Tâm lý của cô khi ấy rất thoải mái, không hề hồi hộp hay lo sợ, chỉ thấy vui vì lâu lắm rồi mới được nói lại thứ ngôn ngữ mình quen thuộc.

"Hôm đó phỏng vấn mình là Đại sứ và Phó Đại sứ (cái này là sau vào làm rồi mình mới biết). Hai bác hỏi mình toàn chuyện vui vui thôi, về việc cơ duyên nào mà lại khiến mình chọn du học ở Slovakia, mình cảm thấy đất nước con người Slovakia thế nào, việc học của mình hồi đó có gì khó khăn không...

Kết thúc phỏng vấn, mình còn hỏi hai bác là mình có mang bằng đại học theo, bác có cần xem không? Thì hai bác bảo cần gì đâu chứ, việc mình nói được tiếng Slovakia là rõ ràng hơn cái bằng đại học nhiều rồi.

Sáng đi phỏng vấn là chiều mình nhận được email thông báo việc trúng tuyển, vì trong tất cả những người Việt Nam đến dự tuyển hôm đó, chỉ có mình là nói được tiếng Slovakia thôi", Hường hồi tưởng.

Cô gái học thứ ngôn ngữ cực hiếm, trúng tuyển vào Đại sứ quán mà không cần show bằng cấp - Ảnh 3.

Hường (thứ 2 bên phải) chụp cùng các Thư ký của khối EU - tại trụ sở Phái đoàn EU tại Việt Nam

Đến lúc này Hường mới hiểu, hóa ra việc học một thứ tiếng hiếm nhiều lợi ích ra trò. Có những lúc bạn không cần chỉ ra bằng cấp của bạn, chỉ cần bạn nói được thứ ngôn ngữ đó là đủ để chứng minh cho người ta biết bạn từng sống tại đó rồi. Chưa hết, sự cạnh tranh trong công việc cũng gần như không có luôn.

"Mình cảm thấy rất bất ngờ vì những gì mình nghĩ không hay thực tế lại chỉ mang tính tương đối, việc học ngôn ngữ lạ cũng vậy. Các cơ hội việc làm khác đến với mình cũng dễ dàng hơn. Rất nhiều doanh nghiệp Slovakia khi muốn đầu tư tại Việt Nam luôn ngỏ ý hỏi mình về làm cùng, vì thực sự cảm giác ở đất nước xa xôi gặp được một người có thể nói được ngôn ngữ quê hương thì khoảng cách ban đầu được kéo lại rất gần".

24 giờ tại Đại sứ quán, kiêm nhiều chức vụ từ Thư ký đến tổ chức sự kiện rồi cả dẫn chương trình

Là một Thư ký Đại sứ, Hường là người sắp xếp lịch trình công tác, làm việc cho Đại sứ, đồng thời cũng là người liên lạc với các Cơ quan đại diện ngoại giao của các nước khác tại Việt Nam cũng như Bộ ban ngành của Việt Nam. Ngoài ra thì do cơ quan khá nhỏ, thế nên đôi lúc Hường còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, khi thì là người tổ chức sự kiện, lúc lại thành người dẫn chương trình không chuyên. Bên cạnh đó, vì nói tiếng hiếm nên Hường còn có cơ hội phiên dịch trong các buổi gặp cấp cao, từ đó mà cơ hội xuất hiện trên truyền hình cũng tăng lên (cười).

"Công việc của mình hàng ngày không có gì đặc biệt lắm đâu, đơn giản là kiểm tra email, check lịch trình hàng ngày, làm báo cáo, viết công hàm, công văn gửi tới các đơn vị khác thôi. Công việc tại Đại sứ quán sẽ đặc biệt hơn khi chúng mình đón tiếp các Đoàn thăm cấp nhà nước, Đoàn cấp cao tới Việt Nam. Để chuẩn bị cho 1 chuyến thăm, mình có lúc sẽ phải làm việc trước đó từ 1-2 tháng, lúc nào cũng luôn ở trong trạng thái sẵn sàng 24/24, kiểm tra từng chi tiết nhỏ nhất, liên lạc kết nối với các bên để chuyến thăm diễn ra được thành công", Hường nói.

Cô gái học thứ ngôn ngữ cực hiếm, trúng tuyển vào Đại sứ quán mà không cần show bằng cấp - Ảnh 4.

Là Thư ký Đại sứ nhưng Hường còn có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí khác

Cô gái học thứ ngôn ngữ cực hiếm, trúng tuyển vào Đại sứ quán mà không cần show bằng cấp - Ảnh 5.

Cô thường nói đùa việc thấy mình xuất hiện trên TV thường xuyên cũng là một cái lợi của việc học tiếng Slovakia

Bận rộn và vất vả là vậy nhưng Hường cũng như nhiều đồng nghiệp khác vẫn thường phải đối diện với các tin đồn rất kiểu "bà hàng xóm" như có quan hệ mới được vào làm ở đây, đi "cửa sau"... Câu chuyện của Hường thì đã kể bên trên nhưng Hường không quên thanh minh giúp đồng nghiệp.

Cô cho hay: "Chúng mình có một hội nhóm hoạt động rất sôi nổi, toàn các anh chị em hiện đang công tác tại các Đại sứ quán cũng như tại các tổ chức phi chính phủ tham gia. Và mình có thể nói với bạn rằng đến 90% chúng mình đều là những người ngoại đạo, đến với công việc này thông qua phỏng vấn như bao người khác, và được tuyển một cách rất bình đẳng. Vì bạn biết rồi đó, công việc của chúng mình đòi hỏi sự hiệu quả và hợp tác ăn ý, nếu bạn không thể đáp ứng được công việc thì bạn không thể ở lại".

Thu nhập cũng là một hiểu lầm rất lớn khác mà mọi người thường có với công việc của Hường. Theo Hường, cô và các đồng nghiệp chỉ như những công chức ở cơ quan nhà nước bình thường, vì vậy thu nhập cũng chỉ dao động ở mức lương cơ bản dành cho công chức ở nước mẹ thôi.

Ngoài giờ làm việc tại Đại sứ quán, Hường sẽ quay trở về cuộc sống bình thường trong vai trò một người vợ, một người mẹ

Bỏ qua những điều không vui, Hường luôn cho rằng mình đã nhận về rất nhiều. Đó có thể là vốn kiến thức khổng lồ học được với ngành ngoại giao, là tầm mắt được mở mang hơn. Đó còn là những kỉ niệm khó quên trong các lần tiếp xúc gần với phu nhân của các lãnh đạo cấp cao.

"Bạn biết đó, chúng ta có thể nhìn thấy các lãnh đạo trên truyền hình, báo đài nhưng việc có cơ hội nhìn thấy phu nhân của các lãnh đạo thì rất hiếm.Và mỗi lần như thế mình đều học được từ các phu nhân rất nhiều. Các cô đều là những người rất thông minh, tinh tế, thanh lịch, hòa đồng, dễ mến. Cái cảm giác khi cả một ngày dài bạn nói liên tục, luôn căng lên giữa hai bên lại có một người giục bạn: Con ơi, con uống miếng nước đi, con tranh thủ ăn cái gì đi không đói, bạn sẽ thấy cảm động biết nhường nào".

Qua đây, Hường cũng hy vọng được nhắn gửi đến các bạn trẻ đang đắn đo trong việc học những kĩ năng mới hay xa hơn là thử sức ở những công việc có tính thử thách cao như thế này rằng: "Đừng ngại ngần, đừng nghĩ rằng cơ hội đó không dành cho mình. Hãy luôn giữ tâm thế phải thử thì mới có cơ hội, còn nếu bạn không thử thì chắc chắn cơ hội là 0".

Ảnh: NVCC