Có bao giờ bạn để ý vì sao nguyên liệu Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng trong mỹ phẩm Tây phương?

Cô Kim, Theo Trí Thức Trẻ 09:54 09/12/2016
Chia sẻ

Để trả lời câu hỏi trên Biên tập viên chuyên mục làm đẹp - Noel Duan - đã có một bài viết vô cùng chi tiết và thú vị về vấn đề chẳng mấy ai biết, hoặc biết mà cũng không hiểu rõ về sự thay đổi của nền công nghiệp mỹ phẩm Tây phương.

Cái lần đầu tiên bao giờ cũng đáng nhớ. Và đã hàng chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên đến một gian hàng mỹ phẩm tại trung tâm thương mại Isetan, thành phố Thành Đô - Trung Quốc, nơi tôi sinh ra. Khi đó tôi mới 7 tuổi, và mặc dù đã sống ở Mỹ kể từ khi lên 3, nhưng với tôi thì đây là một trải nghiệm đúng nghĩa "mở mang tầm mắt". Thời đó, bố mẹ tôi chỉ là những người dân nhập cư và cố gắng để gửi tiền về Trung Quốc, một phần tẹo tèo teo trong đó được tiêu xài cho mục đích làm đẹp.

Thế mà lại chẳng may. Cái thời đấy nhìn đâu đâu cũng chỉ là hình ảnh những cô tóc vàng mắt xanh, da trắng nhởn... hiện hữu trên mọi quảng cáo mỹ phẩm. Nhan nhản các nơi là các thương hiệu mỹ phẩm Tây phương, họa hoằn lắm mới có cái tên Shiseido. "Người Trung Quốc yêu chuộng mỹ phẩm phương Tây, cháu ạ", dì tôi giải thích. Lúc ấy thật sự tôi không nghĩ quá nhiều, vì dù sao thì vào một nơi mà thấy những hình ảnh gần gũi với bản thân khi ấy thật là một cảm xúc khác lạ.

Có bao giờ bạn để ý vì sao nguyên liệu Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng trong mỹ phẩm Tây phương? - Ảnh 1.

Những hình ảnh quảng cáo mỹ phẩm trong thập niên 90s giới thiệu một vẻ đẹp hoàn toàn xa lạ với chuẩn mực Á Đông.

Thấm thoắt đã 18 năm trôi qua. Giờ thì mọi sự thay đổi. Tôi bước vào các gian hàng mỹ phẩm tại từng trung tâm thương mại và nhận ra sự lên ngôi của các cái tên đến từ châu Á. Điều này đa phần là do sự ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa và tiêu chuẩn cái đẹp Hàn Quốc. Cũng từ đó mà Tây phương ngày càng chú ý đến các nền văn hóa Á Đông khác.

Cái tên Trung Quốc giữa biển thương hiệu Hoa Kỳ

Wei Beauty - là một công ty chuyên các mỹ phẩm làm đẹp với thế mạnh là khai thác các truyền thống Trung Hoa. Công ty này được tạo dựng nên bởi cái bắt tay giữa Wei Young Brian và Nicky Kinnaird. Điều thú vị là Brian khởi đầu sự nghiệp với cái bằng tiến sĩ khoa học và trí tuệ nhân tạo.

Cô ta có được thành tựu nhất định ở tuổi 21, nhưng thấy chán ngán. "Được hơn một năm thì tôi chán ngán, cái bằng của tôi xem như vứt đi", Brian chia sẻ. Và lại thêm một biến cố nữa xảy ra: con trai của Brian gặp bệnh tình, và cô bắt đầu tìm hiểu sự hiệu nghiệm của các loại thảo dược Trung Quốc: gạo, kê, lúa miến, bột trân châu và đậu tương đen. Đây cũng chính là 5 thành phần chính trong các mỹ phẩm của Brian về sau.

Có bao giờ bạn để ý vì sao nguyên liệu Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng trong mỹ phẩm Tây phương? - Ảnh 2.

Wei Beauty là công ty mỹ phẩm tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng thảo dược Á Đông vào mỹ phẩm.

Lần đầu tiên ra mắt mỹ phẩm với thành phần từ thảo dược, Brian đã phải nhận cái nhìn nghi ngại từ khách hàng. "Các cô gái Trung Quốc đã lớn lên cùng bột gạo hay trà hoa cúc, nên khi mỹ phẩm có chứa những yếu tố trên họ cảm thấy quen thuộc". Thế nhưng điều này xa lạ hoàn toàn với công chúng Tây phương. Cô phải suy nghĩ, và thay vì đề cao các tính năng của dược thảo, thì Brian bắt đầu tạo nên khái niệm mới trong mỹ phẩm: cân bằng âm - dương, với mùi thơm dễ chịu. Từ đây giới Tây phương bắt đầu chú ý đến sản phẩm của Brian.

Có bao giờ bạn để ý vì sao nguyên liệu Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng trong mỹ phẩm Tây phương? - Ảnh 3.

Các sản phẩm của Wei Beauty nhận được sự ủng hộ từ các ngôi sao và nhân vật mang tầm ảnh hưởng như Jaime King và Jamie Chung.

Một ví dụ khác là thương hiệu Tree To Tub, được thành lập bởi một người nhập cư gốc Đài Loan Michael Koh và Brian Quách, người mang hai dòng máu Việt - Mỹ. Các sản phẩm của Tree To Tub chủ yếu là xà phòng tắm và dầu gội đầu, được chiết xuất từ quả bồ hòn. Vì sao lại là thứ quả này? Koh lớn lên từ vùng nông thôn với bà ngoại, và vấn đề của anh là một làn da nhạy cảm quá mức. Khi đó, bà ngoại của anh đã thu hoạch quả bồ hòn nhằm chiết xuất chất saponin - một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc có hiệu quả rất lợi cho sức khỏe con người. Cũng từ ký ức thời niên thiếu, Koh đã tạo nên một thương hiệu mỹ phẩm cho riêng mình tại San Francisco.

Luôn có một gia đình phía sau mỗi thương hiệu

Chịu ảnh hưởng từ văn hóa Nho giáo, dĩ nhiên người châu Á luôn đặt lên hàng đầu sự hiếu thảo và tinh thần bảo vệ cũng như tôn trọng gia đình. Như trong câu chuyện của Quách, ông mở rộng thương hiệu Tree To Tub cũng nhằm mục đích tạo nên thu nhập cho cha mẹ của mình. "Đó chính là lý do tiên quyết khiến tôi muốn khởi đầu mọi thứ", ông cho biết.

Có bao giờ bạn để ý vì sao nguyên liệu Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng trong mỹ phẩm Tây phương? - Ảnh 4.

Tree To Tub được yêu chuộng vì những sản phẩm thân thiện với mọi làn da, được chế xuất từ thảo dược.

Câu chuyện này cũng đúng đối với Bee Shapiro. Cô đã khai sinh một thương hiệu mỹ phẩm dưỡng thể mang tên Ellis Brooklyn với nét đặc trưng là các hương thơm tự nhiên. Cái tên Ellis cũng được cô dùng để đặt cho chính con gái của mình. "Tôi muốn tạo nên một di sản cho gia đình", Shapiro cho biết. Cô cũng chia sẻ rằng khi mới di cư sang đất Mỹ, cảm giác mà cô cảm nhận được rõ ràng nhất là tình cảnh không địa vị của cha mẹ mình. Cơ hội mang đến một Shapiro của ngày hôm nay là quãng thời gian khi cô mang thai. "Thật khó để tìm một loại mỹ phẩm mà không có bất kỳ hóa chất độc hại nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Kể cả nước hoa sang trọng bậc nhất như Tom Ford". Và thông qua Ellis Brooklyn, Shapiro hy vọng sẽ để lại một di sản cho con cái của mình.

Thành công ngọt ngào là kết quả từ những trái đắng

Một con người thành công ắt phải nếm đau khổ, ngọt bùi. Những con người tạo dựng nên các thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc cũng thế. Làm sao để có thể cạnh tranh với Shiseido hay Estée Lauder, những cái tên ai ai cũng sẽ google mỗi khi tìm kiếm mỹ phẩm? Bạn cần kiên nhẫn và chấp nhận những trái đắng với tâm thế cởi mở nhất.

Đó là câu chuyện của Patti Pao, Giám đốc điều hành thương hiệu mỹ phẩm Restorsea. Sau khi tốt nghiệp Đại học UC Berkeley và Harvard, Pao không tiếp bước gia đình khi xin việc vào ngân hàng như các thành viên khác, bù lại, cô hứng thú với nền công nghiệp làm đẹp. "Tôi đã viết thư cho tất cả các CEO của các công ty thời trang và làm đẹp, và tất cả họ đã viết lại rằng: Điều đó thật không-bình-thường khi một người có bằng thạc sĩ Harvard lại muốn gia nhập vào cái nền công nghiệp này" - cô cho biết.

Có bao giờ bạn để ý vì sao nguyên liệu Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng trong mỹ phẩm Tây phương? - Ảnh 5.

Từ một con người bị coi là ngoài lề, Patti Pao đã xây dựng nên đế chế mỹ phẩm Restorsea với gương mặt đại diện là các ngôi sao hạng A của Hollywood, điển hình như Gwyneth Paltrow.

Bị từ chối nhiều đến mòn tai, nhưng Pao không bỏ cuộc. Cuối cùng cơ hội cũng đến với cô khi ngài chủ tịch của Avon giao cho cô công việc đầu tiên trong lĩnh vực này. Trong tháng 10 năm 2012, cô cho ra mắt Restorsea, một công ty cao cấp chăm sóc da kết hợp chống chất lão hóa enzyme được chiết xuất từ trứng cá hồi. Hiện các sản phẩm được bán tại Bergdorf Goodman và thông qua trang web thương mại điện tử của riêng mình.

Tăng trưởng vượt bậc trên phương diện truyền thông

Các phương tiện truyền thông ngày càng chú ý hơn đến vẻ đẹp Á Đông. Trước đó, gương mặt quảng cáo châu Á mà phương Tây biết mặt chỉ tên là Bruce Lee (Lý Tiểu Long) và nếu bạn chỉ cho họ xem một quý cô Trung Hoa nào đó trên quảng cáo kem ngọc trai, họ sẽ lắc đầu hoang mang.

Lấy ví dụ, biên tập viên của tạp chí Allure - Michelle Lee, một người Mỹ gốc Trung Quốc (cha cô di cư đến Hoa Kỳ). "Khi tôi cố học trang điểm, mọi kiến thức tôi có trong tay trở thành một mớ vô dụng. Mắt tôi thì một mí, chỉ riêng điều này đã có nghĩa là những nguyên tắc trang điểm thông dụng của Tây phương là bỏ đi", cô cho biết. Đây cũng là động lực để cô tìm tòi sự đa dạng cho các ấn phẩm của mình. Theo Michelle, cô đang đại diện cho quan niệm làm đẹp đa dân tộc chứ không bó hẹp vào trong bất cứ khuôn mẫu nào.

Có bao giờ bạn để ý vì sao nguyên liệu Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng trong mỹ phẩm Tây phương? - Ảnh 6.

Dù đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng quả thực, giá trị của các mỹ phẩm với nguồn gốc từ thảo dược Á Đông chỉ thực sự được coi trọng nếu xâm nhập được vào các thương hiệu bán lẻ hàng đầu như Sephora.

Cũng bởi những điều đang diễn ra, khi tôi nhìn thấy sự ám ảnh của người Mỹ đối với mặt nạ dưỡng da Hàn Quốc, sushi của Nhật Bản, món phở Việt và thảo dược Trung Quốc... tôi thấy hy vọng ở đó. Hiện tại, những món mỹ phẩm mang tinh hoa Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng như một xu hướng tạm thời, còn điều gì sẽ diễn ra vào ngày mai thì lại là chuyện khác. Mọi thứ chỉ trở nên chắc chắn khi bạn bước vào cửa hàng Sephora và thấy những điều mới mẻ. Từ giờ cho đến lúc đó, còn cần phải chờ đợi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày