Clip: Nhiều người bất ngờ khi bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn khi đang tham gia giao thông

Tuấn Phạm, Theo Trí Thức Trẻ 16:47 03/01/2020
Chia sẻ

Ngày 01/01/2020, luật phòng chống tác hại của rượu bia đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức xử phạt đối với các trường hợp uống rượu bia nhưng vẫn lái xe tăng mạnh.

Từ ngày 01/01, thực hiện kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, lực lượng CSGT TP Hà Nội đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và các lễ hội đầu xuân 2020. Trong đó, tập trung kiểm soát đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn theo Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019 của Chính phủ.

Bên cạnh việc tuyên truyền, giải thích các quy định mới, tại các tuyến đường, các chốt, nút giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý nhiều trường hợp cố tình vi phạm.

Công an TP Hà Nội ra quân xử phạt nghiêm các trường hợp uống rượu bia nhưng vẫn lái xe

Theo nghị định mới của Chính phủ, mức phạt cho người điều khiển xe máy, ô tô vi phạm nồng độ cồn đã tăng mạnh. Thậm chí người đi xe đạp nếu có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép cũng bị phạt tới 600 nghìn đồng.

Với ô tô, lái xe vi phạm nồng độ cồn mức trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng (hiện nay là 16 đến 18 triệu đồng); tước giấy phép lái xe 22 đến 24 tháng (hiện nay 4 đến 6 tháng).

Mức phạt này cũng áp dụng cho những lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.

Các lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở, sẽ bị phạt từ 16 đến 18 triệu đồng (hiện nay 7 đến 8 triệu đồng); tước giấy phép lái xe 16 tháng đến 18 tháng (hiện nay 1 đến 3 tháng).

Với người đi xe máy, mức phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (quy định hiện hành chỉ xử phạt nếu tài xế vượt quá mức này và phạt tiền thấp nhất 1,5 triệu đồng).

Mức phạt từ 4 triệu đến 5 triệu đồng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Mức phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức hiện tại là 3,5 triệu đồng), tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Clip: Nhiều người bất ngờ khi bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn khi đang tham gia giao thông - Ảnh 2.

Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Những ngày đầu năm mới, Đội 1 Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội liên tục ra quân xử lý các trường hợp uống rượu bia nhưng vẫn lái xe. Sau những ngày đầu ra quân, đã có rất nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý theo quy định mới. Đa số người dân tỏ ra đồng tình với quy định mới trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia mới ban hành.

"Tôi rất tán thành và hoàn toàn chấp hành quy định mới này. Bản thân tôi cũng đã từng có lần bị người khác có hơi men va chạm", ông Nguyễn Mạnh Nghĩa (Hàng Buồm, Hà Nội) nói.

Để luật mới thực sự đi vào cuộc sống, CSGT TP Hà Nội sẽ liên tục lập các tổ tuần tra, xử lý người vi phạm, qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia gây nên.

"Ngoài việc tuyên truyền giải thích với người dân, chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các lỗi vi phạm về nồng độ cồn. Tôi thấy mức xử phạt theo quy định mới là hợp lý, đủ tính răn đe. Qua những ngày đầu triển khai, tôi thấy ý thức của người dân đã có tốt hơn. Những trường hợp chống đối việc kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý nghiêm khắc", Thượng úy Nguyễn Đình Quân, Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội cho biết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày