Sài Gòn đang vào thời điểm cuối mùa khô, nắng nóng chạm ngưỡng đỉnh điểm. Với nhiệt độ trung bình ngày luôn đạt mức 33 - 35 độ C, cộng với không gian bức bí, khói bụi, người Sài Gòn luôn cảm thấy mệt mỏi khi phải ra đường vào ban trưa. Thế nhưng với những người lao động vốn phải phơi mình ở ngoài nắng để mưu sinh thì chuyện đối mặt với "cái chảo lửa Sài Gòn" dường như đã chẳng còn xa lạ.
Clip: Người lao động nghèo tâm tình dưới "chảo lửa" Sài Gòn. Thực hiện: Quỳnh Trân
Nắng mệt mỏi, nắng mệt đuối luôn á!
Chúng tôi gặp cô Dung khi cô đang cặm cụi với đống phế liệu ở công trường, dù chiếc mũ rộng vành và khẩu trang đã che gần hết khuôn mặt, nhưng chẳng thể nào dấu được làn da đang đỏ bừng vì nắng nóng.
Gương mặt của cô Dung đỏ bừng lên vì nắng nóng.
Cô Dung rời Vĩnh Phúc vào Sài Gòn làm nghề buôn bán phế liệu đã hơn 20 năm nay, là phụ nữ lại phải làm công việc nặng nhọc ngoài trời nắng, cô cũng khá ngao ngán với cái tiết trời hanh khô của Sài Gòn. "Năm nay nóng hơn mọi năm nhiều, nắng ghê gớm ý. Đi làm một tí là thấy mệt cứ như bị say nắng. Cô vác xong đống phế liệu là mặt đỏ bừng, người ta nhìn cứ bảo là cô uống bia hay uống rượu, người ta sợ luôn" - cô hóm hỉnh kể.
Các anh công nhân tranh thủ tìm chỗ mát để nghỉ trưa.
Kể ra mùa mưa dù có hơi ẩm ướt, có hơi ngập đường nhưng tiết trời lại dễ chịu, đi làm cũng phần nào đỡ vất vả hơn. Chú Thanh (50 tuổi, chạy xe ôm) ngồi trên chiếc xe máy thân thuộc tâm sự: "Mưa hay nắng cũng đều chết. Nhưng mưa thì đỡ hơn chút xíu. Trời mát người ta chịu đi xe ôm, mặc áo mưa cũng chịu. Nhưng nắng nóng thì khách ngại đi xe ôm lắm, họ đi xe bus hay taxi thì mát hơn".
Chú Thanh bảo mùa mưa hay mùa nắng gì cũng ngán.
Chạy xe ôm dưới thời tiết nóng như những ngày qua hẳn là chẳng hề dễ chịu. Chú Thanh bảo thấy nắng mà muốn quải chè đậu. Nhiều người khuyên chú nên mang khẩu trang hay mắt kính để chống nắng nhưng chú không quen. "Làm như vậy mình không quen, mang khẩu trang bị ngợp ngợp khó chịu lắm. Mấy cô mấy bà hay bịt kín mít từ trên xuống dưới, chú thấy cũng đúng. Thời tiết này mà ra đường không che là cháy hết mặt mày. Như chú nè, nắng cháy đen thui. Chú chỉ sợ bị ảnh hưởng đôi mắt, mà nhiều khi mang kính đen, khách tưởng giang hồ không dám đi, nên không đeo kín luôn" - chú cười hì hì lý giải.
Chú Nguyên thì cho rằng thời tiết Sài Gòn ngày càng khó hiểu.
Vừa chăm chú sửa xe chú Nguyên vừa lau những giọt mồ hôi đang tuôn ra như nước, bản thân chú sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn nên cảm nhận được sự thay đổi của thành phố. "Trước đây Sài Gòn mát mẻ dễ chịu hơn nhiều. Mấy năm gần đây mới nóng, mà năm nay còn nóng gắt hơn mọi năm. Nó nóng bứt rứt, đổ mồ hôi rít rít rất khó chịu. Mà mình cũng phải cẩn thận chứ không dễ cảm".
Những tán cây mát rượi là chỗ nghỉ trưa lý tưởng của nhiều người lao động ở Sài Gòn.
Anh Thành (công nhân xây dựng) cũng có cùng quan điểm với chú Nguyên, anh bảo ở quê anh (Quảng Ngãi) dù trời cũng rất nắng, rất nóng, nhưng không khí thoáng hơn, còn nắng ở Sài Gòn thì bị phản chiếu qua các tường bê tông, tường kín nên hanh khô và khó chịu hơn.
Anh Thành bảo nắng ở Sài Gòn khó chịu hơn ở quê.
Làm ngoài nắng riết rồi quen
"Mưa thì mưa ngập đường, mà nắng cũng nắng cháy da, thời tiết gì không hiểu nổi luôn" - anh Thành lắc đầu ngao ngán. Cô Lệ (bán hàng rong) ngồi nướng bánh bên lò lửa nóng hừng hực trên vỉa hè cũng không kém phần chán chường. "Đi bán thì cô bịt kín mít từ đầu tới chân chứ nắng quá chịu không nổi. Cả ngày chỉ có uống nước thôi chứ ăn không vô, mỗi ngày ăn có 1 bữa mà cũng không nổi. Nhưng mà công việc của mình phải đi bán ngoài đường nên phải chịu, nhiều hôm ế phải gánh đi chỗ này chỗ khác mà bán. Bán không suy nghĩ ngày giờ, bán hết thì mới về".
Bà Tư đã gần 70 tuổi nhưng vẫn cần mẫn làm việc để tự nuôi sống bản thân. Dù trời khá oi bức nhưng bà cũng đã quen với công việc này.
Anh Thành bảo: "Mình là dân lao động mà, làm ngoài nắng riết rồi quen, chứ người trong văn phòng mà đi ra đường 1 xíu là say nắng liền". Làm nghề lâu năm, những người như anh Thành, chú Nguyên, hay chú Thanh xe ôm cũng đã quen với cái nóng của Sài Gòn. Chỉ là đôi khi nắng hơi quá trớn, người mệt mệt, vậy thôi.
Những người lao động như anh Thành vốn đã quen với những cơn nắng cháy da của Sài Gòn.
"Vất vả cũng ráng cố gắng, giờ còn lo cho con gái chú vào đại học nữa là khỏe" - chú Thanh tâm sự. Lúc kết thúc cuộc phỏng vấn, cô Dung cười nhẹ: "Mình ở ngoài Bắc vào đây mưu sinh, không cố gắng làm thì lấy gì mà ăn".
Công việc của ai cũng có những vất vả riêng, nhưng thật mừng là các cô chú mà chúng tôi đã gặp ngày hôm nay, họ vẫn luôn cố gắng làm việc thật tốt để nuôi sống không chỉ bản thân mà còn gia đình. Và đặc biệt là họ luôn lạc quan dù thời tiết Sài Gòn mỗi ngày một khắc nghiệt.