Tuy không phải “át chủ bài” của Blumhouse Productions như Insidious 3 hay Sinister 2, nhưng
Unfriended (tựa gốc: Cybernatural) lại được giới mê phim kinh dị mong chờ từ trước khi ra mắt, do đề tài “độc” là hồn ma trả thù… bằng mạng xã hội. Vì nhiều lý do, phim đã không được trình chiếu tại Việt Nam.
Mọi chuyện bắt đầu bằng buổi chat Skype tưởng chừng bình thường giữa cô nữ sinh Blaire Lily, cậu bạn trai Mitchie cùng nhóm bạn thân; cho đến khi một nick lạ cứ tìm cách liên kết với họ. Song song đó, trang Facebook cá nhân của Laura Barnes – cô bạn thân vừa tự sát năm ngoái của Blaire cũng sáng đèn, bắt đầu gõ phím trò chuyện. “Kẻ lạ” này yêu cầu cả nhóm chơi những trò chơi oái oăm và bệnh hoạn, từ đó hé lộ dần dần bí mật đen tối nhất của từng người, cũng như “tội lỗi” của họ đã dẫn đến cái chết của Laura…
Là một hướng rẽ mới của dòng phim found-footages (giả tư liệu), xuyên suốt thời lượng phim người xem sẽ trải nghiệm nỗi kinh hoàng từ màn hình laptop của nữ chính thay vì một chiếc camera cơ động. Những “hiện tượng kỳ lạ” tưởng chừng vô hại dần khủng bố tinh thần của thiếu niên trẻ tuổi, bắt đầu bằng việc các nhân vật không thể nào “unfriend” hay “đá” tài khoản ma quỷ ra được. Cái chết thê thảm của thành viên đầu tiên trong nhóm bạn khiến họ nhận ra mình đang trong tình cảnh ngặt nghèo, nhưng mọi thứ đã quá muộn, trò chơi điên loạn đã bắt đầu. Cao trào được đẩy lên dần dần, đỉnh điểm là ở trò “Bạn đã từng…”, khi các nạn nhân phải cụp một ngón tay xuống trước mỗi bí mật xấu xa mà họ đã gây ra, kẻ thua cuộc chỉ có một lựa chọn là tự sát!
Nhiều đạo diễn thích tạo cảm xúc kinh dị bằng người ngoài hành tinh và quái vật, nhưng có vẻ như những thứ gần gũi với đời thường nhất lại là những thứ đáng sợ nhất. Và âm thanh chính là “thứ đáng sợ nhất” của Unfriended. Các loại tiếng động vốn rất quen thuộc với giới trẻ như âm thanh báo cuộc gọi từ Skype, tiếng báo cập nhật của Facebook, tiếng rè cùng màn hình loang lổ do nhiễu sóng… khi được đặt vào đúng ngữ cảnh cũng khiến người xem rợn gáy.
Có lẽ Unfriended là một trong những tựa phim kinh dị hiếm hoi mà xem trên màn hình laptop lại tạo được nhiều cảm xúc rùng rợn hơn là xem ngoài rạp, đặc biệt với những ai có thói quen mở nhiều tab trên màn hình cùng một lúc. Nhiều lúc người xem sẽ không phân biệt được đâu là âm thanh trong phim, đâu là âm thanh từ chính trang Facebook cá nhân của họ! Âm nhạc trong phim cũng phát ra hoàn toàn từ thiết bị nghe nhạc của nữ chính.
Một chi tiết “đá xoáy” khá hay trong Unfriended là những gì chúng ta “post” trên mạng xã hội chưa chắc là những điều thật lòng, phần lớn mang tính “sống ảo”, “câu like” nhiều hơn. Phản ứng của “cộng đồng mạng” cũng mù quáng và a-dua, khi họ quan tâm nhiều vào việc phán xét những người sống thay vì tò mò vì sao một “tài khoản chết” lại có thể post video clip tố cáo tội ác. Fanpage tưởng niệm của Laura Barnes vốn chỉ lẻ tẻ vài cái Like, mà sau đó bỗng tăng vọt; những kẻ lạ hoắc cũng vào bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc như đã thân quen từ lâu.
Là một dự án kinh phí thấp, ngoài sự khác lạ trong cách dựng phim thì kịch bản của Unfriended không mới mẻ khi chỉ xoay quanh mô-típ hồn ma báo oán quen thuộc. Ý nghĩa nhân văn của phim gần như không có, và cũng mơ hồ như lời giải thích vì sao hồn ma có thể thao túng toàn bộ mạng xã hội như một… hacker chuyên nghiệp. Diễn xuất của dàn tài tử trẻ chỉ ở mức chấp nhận được, nhiều đoạn quá “đơ” hay quá “lố” có thể khiến người xem khó chịu.