Phải khẳng định rằng phim thần tượng luôn có chỗ đứng trong trái tim khán giả trẻ chúng mình. Không chỉ có Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan đều có những tác phẩm sáng giá ấy. Thế nên, câu hỏi rằng: Đâu là phim thần tượng hấp dẫn nhất mọi thời đại? chẳng bao giờ lỗi mốt.
Mới đây, trang mạng xã hội jpopasia đã tổ chức một bình chọn quy mô thu hút hơn 7300 người tham gia trong khoảng thời gian ngắn. Kết quả của câu hỏi trên đã được công bố, với 3 hạng mục dành cho 3 khu vực phim ảnh đình đám nhất châu lục: Nhật Bản – Hàn Quốc – Đài Loan.
Có thể nói, jpopasia hiện là mạng xã hội uy tín nhất dành cho các fan của làng giải trí châu Á, với số lượng thành viên cực kỳ đông đảo và phủ sóng toàn cầu. Chính điều này mang đến một tổng kết khách quan nhất cho bảng bình chọn kể trên. Chúng mình cùng kiểm chứng nhé, bắt đầu từ “drama vương” trong trái tim khán giả toàn thế giới – Nhật Bản!
1. Hana Kimi
Rõ ràng với một mớ thông tin về các dự án remake bộ phim ở thời điểm hiện tại, nếu Hana Kimi không đứng nhất bảng thì quả là “kém tắm”. Nhưng tập đoàn trai đẹp đông đảo bậc nhất đã không làm khán giả thất vọng.
Bất chấp dự án chỉ thấy nói mồm của bạn hàng xóm kim chi - với dàn diễn viên toàn các trai xinh gái đẹp trong SM Entertainment; bất chấp Hoa dạng thiếu niên thiếu nữ tung hoành xứ Đài và là một trong những tượng đài xây dựng lên dòng phim thần tượng tại đây; bất chấp Hana Kimi 2011 đầy hứa hẹn cùng loạt sao trẻ cực kỳ tiềm năng, nhất là cô bạn nữ chính Maeda Atsuko; phiên bản 2007 của phim vẫn “mặc nhiên” được công nhận là tuyệt vời nhất.
Không cần phải bình luận thêm về mức độ nổi tiếng của tác phẩm này. Cứ nhìn vào thành công của từng diễn viên đã trưởng thành từ bộ phim: Horikita Maki, Oguri Shun, Ikuta Toma, Mizushima Hiro, Okada Masaki, Yamamoto Yusuke, Mizobata Junpei… bất cứ fan yêu phim truyền hình nào cũng phải hoa mắt.
Cũng nhờ Hana Kimi, định nghĩa "ikemen" – những chàng trai dễ thương – đã dậy sóng toàn cầu. Nhiều người vẫn còn nhầm tưởng rằng danh xưng thú vị này bắt đầu từ năm 2007, thay vì con số 2000 được các từ điển mạng xác nhận.
2. Gokusen
Cũng giống như Hana Kimi, Gokusen là một phim truyền hình cực kỳ thành công khi chuyển thể câu chuyện trong nguyên tác manga. Giờ đây, khi nhắc đến “cô giáo mafia” người ta nghĩ ngay đến hình ảnh nữ diễn viên Nakama Yukie, thay vì nhân vật truyện tranh Yankumi.
Season 1
Season 2
Với ba phần phim truyền hình dài tập ra mắt năm 2002, 2005, 2008, một tập đặc biệt năm 2009 cùng phiên bản màn ảnh rộng, Gokusen đã xác lập 1 kỷ lục “khó đỡ” dành cho những chàng trai vàng nhà Johnny Entertainment – tập đoàn mỹ nam lớn mạnh nhất xứ sở phù tang. Đùa vui rằng JE là cái lò tập trung toàn… nhân vật bất hảo!
Season 3
Thì chả là, Gokusen trong gần 1 thập kỷ chinh phục khán giả, phim luôn là câu chuyện về một cô chủ mafia yêu nghề giáo đi cảm hóa lũ học trò lớp D mà trong mắt thiên hạ là những kẻ thừa của xã hội. “Hay ho” ở chỗ, hệ thống nam diễn viên thứ chính của các phần phim đều do gà nhà JE đảm nhận: Matsumoto Jun (Season 1); Kamenashi Kazuya, Akanashi Jin (Season 2); Takaki Yuya, Nakama Junta, Kiriyama Akito (Season 3). Tiếc rằng Gokusen đã khép lại hành trình của mình ở Nhật Bản. Chứ nếu như có một Gokusen Season 4, chúng ta ngờ rằng sẽ được đón nhận thêm 4 gương mặt “học sinh hư” nữa của nhà JE mất!
3. Nobuta wo Produce
Vượt mặt hàng loạt bom tấn chuyển thể - vốn có sẵn một lượng fan hùng hậu theo sau – ví như tựa phim sẽ được đề cập ở vị trí số 4, Nobuta wo Produce “ngang nhiên” trở thành phim truyền hình thành công nhất năm 2005.
Thành công về mặt thành tích, phim đã khoắng hết hơn một nửa số giải thưởng Hàn lâm Truyền hình Nhật Bản cực đáng giá trong lần thứ 47. Thành công về mặt lợi nhuận, ca khúc chủ đề phim Seishun Amigo do hai chàng diễn viên chính Kamenashi Kazuya và Yamashita Tomohisa (lại là gà cưng nhà JE) chễm chệ ngôi đầu bảng xếp hạng Oricon danh tiếng nhất xứ anh đào, với số lượng đĩa bán ra xấp xỉ chạm ngưỡng bạch kim.
Nhưng bên cạnh “mặt tiền hấp dẫn”, Nobuta wo Produce còn sở hữu một nội dung cực kỳ có ý nghĩa với những câu chuyện về học đường, về tình bạn, về lòng tin vào bản thân và sức sáng tạo của tuổi trẻ. Chiến dịch thay đổi một cô bạn lầm lì (Horikita Maki) của cặp bạn thân Shuji (Kamenashi Kazuya) và Akira (Yamashita Tomohisa) không chỉ làm thế giới trong phim tươi sáng hơn mà còn làm rung động trái tim của bất cứ người xem nào. Có thể khẳng định, trong cả top 5 này, đây là bộ phim duy nhất mà khán giả lắm chiêu đến mấy, muốn “ném đá” cũng… không có cửa.
4. Hana Yori Dango
Thành công nhất trong mảng phim chuyển thể phải kể đến Hana Yori Dango hay còn được khán giả biết đến với cái tên tiếng anh Boys Over Flowers. Phim hiện đang giữ kỉ lục về số lần được chuyển thể lên màn ảnh, bao gồm có: phiên bản điện ảnh 1995 của Nhật Bản; phiên bản Đài Loan 2002 – Vườn Sao Băng; phiên bản truyền hình Nhật Bản 2005, 2007 và tác phẩm điện ảnh kết thúc năm 2008; phiên bản Boys Over Flowers xứ Hàn 2009. Chưa kể, còn có một cơ số các tựa phim được nhắc đến với cái tên như “BOF phiên bản Trung Quốc”, “BOF cổ trang”…
Cũng chính vì sự đa quốc tịch kể trên, mà khổ là phiên bản nào của bộ phim cũng thành công vang dội về mặt câu fan hùng hậu, Boys Over Flowers kiêm luôn danh phận “bộ phim thần tượng gây tranh cãi nhiều nhất”. Lên trời hái sao băng có lẽ còn dễ hơn việc dập tắt cuộc chiến bất tận giữa các phe phái BOF mà đặc biệt là 2 thế lực: Hana Yori Dango (cách gọi của fan Nhật) và BOF (cách gọi của fan Hàn).
Tuy nhiên, theo kết luận đến từ các nhà phê bình phim ảnh thì Hana Yori Dango hiện đang ngất ngưởng ở thứ hạng cao nhất trong câu chuyện nội dung, diễn xuất, mức độ ảnh hưởng tầm thế giới. Trong khi đó, BOF Hàn có quyền vênh mặt về diện mạo bảnh bao và câu chuyện fan cuồng.
5. 1 Litre of Tears
Gọi Một lít nước mắt là phim thần tượng thì có phần không đúng đắn. Tựa phim này là đại diện điển hình cho một dòng phim siêu “oải” về mặt nội dung mà người dân Nhật Bản lại vô cùng yêu thích. Đó là kịch bản về những người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và biết rằng mình chẳng còn bao nhiêu thời gian sống. Nhưng vượt qua số phận nghiệt ngã, họ vẫn cứ kiên cường để sống và nở nụ cười cho đến phút cuối cuộc đời.
1 Litre of Tears cũng là một đại diện điển hình cho công thức thành công đã là luật bất thành văn ở xứ sở mặt trời mọc: Hễ cứ là phim dựng từ câu chuyện có thật, nhân vật thật, lấy chủ đề bệnh tật - thì kiểu gì cũng thành công vang dội, nhận về không phải là 1 lít mà có lẽ phải đến cả hồ, cả biển nước mắt.
Vị trí chót bảng xếp hạng Top 5 của mảng phim Nhật Bản cũng lại tiếp tục thể hiện sự khác biệt của mình khi là nơi tỏa sáng của một nữ diễn viên (Sawajiri Erika) thay vì anh chàng đẹp trai nào đó (mặc dù phim cũng có hai nam diễn viên rất quen mặt khán giả: Nishikido Ryo và Matsuyama Kenichi).
Kết thúc 1/3 kết quả cuộc bình chọn, chúng mình sẽ lại tiếp tục chủ đề này với mảng phim truyền hình Hàn Quốc trong bài viết tiếp theo nhé!