Suốt từ những tập đầu phim đến giờ, Thụy Miên (
Hạnh Sino) phải rơi nước mắt khá nhiều lần, chủ yếu là từ bi kịch gia đình và tình yêu trắc trở của bản thân. Mãi đến tập cuối, cô mới được rơi lệ hạnh phúc trong vòng tay của Huy (Quang Minh). Sau hai năm du học, Huy bất ngờ trở về, đến bên Miên đúng lúc cô đang khóc ròng vì nhớ lại chuyện cũ. Nhờ có Huy mà nước mắt đau khổ của Miên biến thành giọt nước mắt đoàn tụ.
Các nhân vật khác trong Khép Mắt Chờ Ngày Mai cũng có cái kết viên mãn. Em trai Miên - Hùng vào quân đội, trưởng thành và cứng rắn hơn. Long (Doãn Tuấn Đam) thi đỗ đại học, mẹ anh bỏ lô đề, làm ăn lương thiện. Chị em Miên cũng đã được vợ của Thân trả lại nhà.
Đánh giá chung về diễn xuất của Hạnh Sino trong phim, có thể nói cô tròn vai, cô diễn tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Dù vậy, nhân vật Thụy Miên nhiều khi khiến người xem phát bực. Nhưng cũng không thể trách Hạnh Sino mà lỗi ở cách xây dựng nhân vật Thụy Miên. Người xem hy vọng thấy một Thụy Miên mạnh mẽ, dứt khoát, đứng vững trước bi kịch của gia đình. Tuy nhiên trên màn ảnh lại là một Thụy Miên nhờ nhờ, “bánh bèo” và năng lực giỏi nhất là rơi nước mắt. Riêng chuyện tình cảm với Huy thôi mà cô nói lời chia tay hơn ba lần, khiến người mình yêu chạy theo hụt hơi.
Sau 34 tập phim, giai đoạn hấp dẫn nhất của Khép Mắt Chờ Ngày Mai có lẽ là giai đoạn khoảng 15 tập đầu phim. Khi đó, bi kịch vừa đủ, nước mắt vừa đủ, khiến người xem cảm động và hứng thú theo dõi. Sau này, phim sa vào lối mòn của nhiều phim truyền hình Việt Nam, đó là không giữ được phong độ và để mâu thuẫn trong phim kéo dài lê thê, không có nút thắt. Suốt chục tập phim, ba vướng mắc (1, bố mẹ Huy phản đối tình yêu Huy - Miên; 2, trả thù Thân - Thân nhận tội; 3, gia đình chồng Hằng gay gắt việc nuôi bà thông gia tâm thần) cứ lặp đi lặp lại những tình huống khán giả đã biết khiến phim trở nên dài dòng, nhàm chán và ngột ngạt.
Tuy có những hạt sạn như vậy nhưng phim vẫn có những phân đoạn rất cảm động mà nổi bật là của những người mẹ. Bà ngoại Miên vừa đau đớn vừa tủi nhục vì con gái phản bội chồng rồi bị chồng giết chết, bà nội Thụy Miên mắc tâm thần cũng vì bi kịch đột nhiên đổ ập xuống gia đình hạnh phúc, con trai thì vào tù. Còn bà thông gia, có gay gắt, có đanh đá, có độc địa thì cũng là lo nghĩ cho con trai đi làm vất vả, một mình nuôi cả gia đình. Và nếu như rút ngắn và tiết chế các phân đoạn rơi nước mắt, có lẽ Khép Mắt Chờ Ngày Mai sẽ ghi dấu ấn trong lòng khán giả nhiều hơn.