The Visit - Khi các cụ già cũng trở thành nỗi ám ảnh rợn người

Dương Kinh, Theo Trí Thức Trẻ 00:06 10/10/2015

Đạo diễn kiêm biên kịch của “The Sixth Sense” đã quay trở lại với "The Visit", một bộ phim kinh dị ở dạng found-footage với nhiều phân đoạn gây ám ảnh cùng một cái kết đầy bất ngờ.

The Visit là tác phẩm mới nhất của M. Night Shyamalan – vị đạo diễn kiêm biên kịch nổi tiếng với phong cách “tung hỏa mù” đánh lừa suy nghĩ của khán giả. Phim của Shyamalan thường có cái kết bất ngờ, điển hình như trong The Sixth Sense (1999) hay The Village (2004). The Visit cũng không ngoại lệ. 

Phim có một cốt truyện đơn giản, được kể theo lối mặc định hóa câu chuyện (góc nhìn của hai nhân vật chính qua chiếc máy ghi hình). Nhưng gần đến cuối phim, mọi thứ được xoắn ngược lại khiến khán giả phải ngẩn người. Tuy vậy, không có nghĩa tình tiết gây sốc nào cũng hoàn toàn thuyết phục người xem. Shyamalan đã từng thất bại với kết thúc bất ngờ đến ngớ ngẩn trong tác phẩm đình đám Signs (2002). Và lần này, liệu cú twist trong The Visit có lắp đầy được nhưng lỗ hổng của kịch bản, làm hài lòng các khán giả khó tính?

The Visit là bộ phim kinh dị được quay ở dạng found-footage. Chuyện phim được thể hiện qua lăng kính của hai nhân vật chính là chị em Rebecca và Tyler Jamison. Trong chuyến viếng thăm ông bà ngoại – người mà họ chưa từng gặp mặt do mâu thuẫn của thế hệ trước, hai chị em đã quyết định ghi hình lại những hoạt động thường nhật trong những ngày ở cùng ông bà mình. Dòng phim found-footage thường khiến khán giả “chóng mặt” vì góc quay không ổn định, tuy nhiên, với The Visit, Shyamalan thể hiện độ chắc tay của ông khi cho lên phim những khung hình đẹp và hợp thức hóa được câu chuyện qua ống kính camera. Đây là một trong những điểm cộng của phim, cũng là chất xúc tác tốt nhất để khán giả quen thuộc nhân vật và gieo cấy vào đầu họ hướng đi của câu chuyện. Bởi lẽ, dạng phim tài liệu luôn tạo cảm giác chân thật với người xem.

Cốt truyện của The Visit đơn giản nhưng lại được phát triển tốt. Xuyên suốt phim là sự luân phiên của buổi sáng và buổi tối trong 5 ngày chị em Jamison đến nhà ông bà mình. Thông qua mỗi ngày, những điều khúc mắc dần dần được hé lộ. Sau một loạt những hành động kỳ quái của ông bà ngoại sau 9 giờ rưỡi tối, hai chị em đi đến kết luận họ mắc chứng Sundowning. 

Đây là biểu hiện kích động hành vi sau khi mặt trời lặn. Thật thú vị khi biết rằng Shyamalan từng có ý định đặt tên cho phim là Sundowning thay vì The Visit. Tuy nhiên, không có nghĩa sundowning sẽ là mấu chốt của câu chuyện, mà nó chỉ là một trong những nguyên nhân khiến ông bà ngoại của chị em nhà Jamison trở nên kỳ quái, thậm chí là vô cùng hung hãn. Chính bệnh chứng này lại dẫn ra câu hỏi liệu yếu tố siêu nhiên có tồn tại trong phim hay không? Đây cũng là một trong những thủ thuật đánh lừa khán giả.

The Visit vẫn sử dụng kiểu hù quen thuộc. Chắc hẳn khán giả ít nhất có một lần giật mình khi một nhân vật nào đó bất thình lình xuất hiện. Tuy nhiên, kiểu jump-scare của The Visit lại không thể xếp chung với các phim kinh dị gần đây của Blumhouse. Vì ngoài việc đột ngột xuất hiện, các diễn viên nhập vai đến nỗi người xem phải lạnh gáy khi nhìn thấy ánh mắt, biểu cảm khuôn mặt hay từng động tác nhỏ của họ. 

Không những vậy, trong phim có một phân đoạn rất bình thường nhưng lại trở nên vô cùng kinh dị. Đó là cảnh người bà Nana bảo cô cháu gái Rebecca hãy tiến sâu hơn vào trong lò nướng để lau chùi. Sự việc này dẫn dụ óc liên tưởng của khán giả và khiến chúng ta rùng mình vì lo sợ chính những gì chúng ta “nghĩ” sắp xảy ra. Nhìn chung, The Visit vẫn là một bộ phim không dám xem lại lần 2 đối với các khán giả yếu tim.

Nhưng, đừng nghe hù dọa mà không lại không dám xem The Visit. Vì thực sự bộ phim cũng rất... hài hước. Nhân vật cậu em trai Tyler chính là yếu tố tạo nên tiếng cười cho phim. Những câu thoại chất lừ, những hành động cực “nhắng” hay những biểu cảm siêu dễ thương làm giảm đi sự ngột ngạt trong bộ phim kinh dị này.

The Visit làm ta liên tưởng đến Scream (1996) vì cả hai phim đều mang tính châm biếm. Nếu Scream chỉ dừng lại ở việc châm biếm những sự rỗng tuếch của dòng phim kinh dị ở thời điểm đó thì The Visit lại rộng hơn với những câu trích dẫn, những pha đối thoại của hai chị em nhà Jamison, như có lúc “nói xấu” giải thưởng danh giá Oscar, khi lại bàn về vấn đề đạo đức nghề nghiệp thông qua một chương trình truyền hình thực tế.

Không sở hữu một dàn sao đình đám nhưng các diễn viên đã tự biến mình thành ngôi sao trong phim. Thật không thể nào phủ nhận năng lực diễn xuất của Deanna Dunagan và Peter McRobbie – vào vai ông bà ngoại Nana và Pop Pop. Hai “lão làng” đã có màn thể hiện xuất thần nhân vật của mình, khiến khả giả từ cảm mến vẻ ngoài hiền lành cho đến sợ hãi vì sự nổi loạn của họ. Các diễn viên nhí Olivia DeJonge và Ex Oxenbould trong vai 2 chị em nhà Jamison cũng diễn tròn nhân vật, từ những phân đoạn hồn nhiên vô lo cho đến sự cảnh giác trước mối nguy hiểm. Không những vậy, sự cá tính của nhân vật Tyler cũng là một trong những điểm sáng của phim.

Bên cạnh những điểm cộng, The Visit vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm. Liệu với tình tiết chậm rãi, phim có khiến khán giả chờ dài cổ để xem cú twist của phim? Và việc cái kết bất ngờ có khiến khán giả hài lòng hay không lại thuộc về câu trả lời của riêng bản thân mỗi người. Thêm vào đó, thông điệp cuối cùng của phim có quá hời hợt? Nó giống với việc đạo diễn đang tự nói rằng “Tôi làm phim kinh dị có ý nghĩa” nhưng liệu người xem có tự nhận thức được chăng? Chưa hết, kịch bản lại chứa đựng nhiều lỗ hổng khi Shyamalan cố gắng dẫn dắt mọi tình tiết đi theo hướng đánh lừa người xem và vô tình cho ra nhiều chỗ “tiền hậu bất nhất”.

Nhìn chung, The Visit vẫn là một trong những cái tên đình đám của làng phim kinh dị năm nay, nhất là trong giai đoạn các phim kinh dị ngày càng đi theo lối mòn, nội dung sáo rỗng với những tình tiết hù dọa vô nghĩa. The Visit không hẳn là một bộ phim xuất sắc nhưng vẫn được coi là phim đáng xem bởi nó chứa đựng nhiều phân đoạn có khả năng gây ám ảnh cùng một cái kết “có thể” khiến bạn bất ngờ. Phim khởi chiếu trên toàn quốc kể từ ngày 02/10/2015.