Người ta thường nói, thà muộn còn hơn không. Quả đúng như vậy!
Đã nửa năm trôi qua kể từ ngày được phát hành tại Mỹ và cũng đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày đăng quang tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83, cho đến nay The King’s Speech mới được phát hành tại Việt Nam. Khán giả giờ đây có cơ hội tiếp cận tác phẩm tuyệt vời này theo con đường chính thức ngoài rạp. Trước đó, các bản DVD lậu, bản HD đã xuất hiện đầy rẫy trên mạng và ngoài thị trường băng đĩa. Tuy nhiên, việc ngồi trong rạp giữa một không gian rộng lớn, bao phủ bởi bóng tối xung quanh, thưởng thức một trong những bộ phim xuất sắc nhất năm 2010 mới là điều tuyệt vời nhất.
Các tác phẩm điện ảnh liên quan đến hoàng gia Anh, từ Elizabeth, The Queen cho tới The Other Boleyn Girl, The Duchess luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người xem và thật ngẫu nhiên chúng cũng gặt hái vô số giải thưởng trên thế giới. The King’s Speech cũng không phải là ngoại lệ. Không đơn giản như tựa đề của bộ phim, The King’s Speech mô tả hết sức chi tiết và sâu sắc quá trình vua George VI lên ngôi cùng những biến động lịch sử, chính trị liên quan.
Do anh trai Edward (Guy Pearce) quyết định đi theo tiếng gọi của tình yêu để cưới người phụ nữ đã có 3 đời chồng, người con thứ Albert (Colin Firth) được chọn để trở thành vị vua mới của nước Anh. Ngay từ khi còn là hoàng tử, Albert đã thường xuyên phải phát biểu trước công chúng. Oái oăm thay, ông mắc chứng nói lắp vô cùng đáng ghét. Không ít thì nhiều, điều này ảnh hưởng tới uy tín của hoàng gia Anh. Mặc dù ông đã tìm mọi cách để chạy chữa nhưng đều vô dụng.
Người lo lắng, quan tâm tới Albert nhất chính là vợ ông, nữ hoàng Elizabeth (Helena Bonham Carter). Khi mọi hi vọng đang dần tan theo mây khói thì bà gặp được Lionel Logue (Geoffrey Rush), vốn là một diễn viên người Úc. Tuy không phải là bác sĩ, nhưng bằng những biện pháp đặc biệt của mình, Lionel cải thiện đáng kể khả năng diễn thuyết của Albert. Giữa họ dần hình thành một tình bạn đặc biệt.
The King’s Speech không đơn thuần chỉ mô tả quá trình chữa chứng nói lắp của Albert. Phim còn là câu chuyện về quãng thời gian dài kể từ khi ông còn là hoàng tử, nguyên nhân dẫn tới việc ông trở thành vua và cuối cùng là bài diễn văn xúc động, có sức mạnh tinh thần to lớn, dẫn dắt người dân nước Anh vượt qua chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Không giống với những bộ phim tiểu sử thông thường, The King’s Speech có sự khác biệt rất lớn về mặt hình ảnh. Thay vì sử dụng cảnh toàn để thể hiện những khoảnh khắc lịch sử trọng đại hoặc cận cảnh để diễn tả tâm lý nhân vật, đạo diễn Tom Hooper lại xử lý hình ảnh theo một hướng hoàn toàn mới lạ. Ông chủ yếu sử dụng ống kính góc rộng trong những cảnh nội có chiều sâu, không gian chật hẹp ở nhiều tình huống khác nhau, tạo nên hiệu ứng méo hình hết sức đặc biệt. Đây quả là điều hiếm thấy đối với một tác phẩm lịch sử.
Tình bạn luôn là thế mạnh của đạo diễn Tom Hooper (The Damned United). Chủ đề này còn được thể hiện rõ hơn nữa trong The King’s Speech. Mối quan hệ giữa Albert và Lionel được miêu tả tinh tế, sinh động và liên tục thay đổi do bất đồng quan điểm, do hiểu nhầm thậm chí bị ảnh hưởng bởi yếu tố lịch sử, chính trị. Vai trò của họ cũng hết sức đa dạng, học trò – cố vấn, người bệnh – người chữa bệnh, vua chúa – kẻ tôi tớ hèn mọn, để rồi cuối cùng là tình bạn mãi mãi theo thời gian. Diễn xuất tuyệt vời của bộ đôi Colin Firth – Geoffrey Rush càng làm cho mối quan hệ giữa hai nhân vật Albert – Lionel trở nên đặc biệt.
Bên cạnh Colin Firth và Geoffrey Rush, nữ diễn viên Helena Bonham Carter cũng chứng tỏ được tài năng của mình qua vai vợ Albert, người sau này trở thành nữ hoàng Elizabeth (mất năm 2002, thọ 101 tuổi). Chính bà là cầu nối hiệu quả làm nên tình bạn có một không hai giữa vua George VI và Lionel.
Đoạt bốn giải Oscar quan trọng (đạo diễn, kịch bản, nam diễn viên chính, phim hay nhất), The King’s Speech là tác phẩm tuyệt vời, rất đáng xem. Đừng bỏ lỡ bộ phim này ngoài rạp, teen nhé!