TBO: "The Help" soán ngôi siêu ngoạn mục

Cobain P, Theo 11:00 23/08/2011

Lần thứ 2 trong năm 2011, kỳ tích xuất hiện.

Top Box Office - Tuần đổi ngôi của "The Help"

1 - The Help - 20 triệu $ (~416,4 tỉ đồng)
2 - Rise of the Planet of the Apes - 16,1 triệu $ (~335,2 tỉ đồng)
3 - Spy Kids: All the Time in the World in 4D - 11,6 triệu $ (~241,5 tỉ đồng)
4 - Conan the Barbarian - 10 triệu $ (~208,2 tỉ đồng)
5 - The Smurfs - 7,8 triệu $ (~162,4 tỉ đồng)
6 - Fright Night - 7,7 triệu $ (~160,3 tỉ đồng)
7 - Final Destination - 7,7 triệu $ (~160,3 tỉ đồng)
8 - 30 Minutes or Less - 6,4 triệu $ (~133,2 tỉ đồng)
9 - One Day - 5,1 triệu $ (~106,2 tỉ đồng)
10 - Crazy, Stupid, Love - 4,8 triệu $ (~99,9 tỉ đồng)


Sau màn ra mắt khá ấn tượng nhưng vẫn phải chịu thua Rise of the Planet of the Apes hồi cuối tuần trước, The Help đã có cuộc “nổi dậy” đáng kinh ngạc trong tuần vừa qua. Đây quả là trường hợp đặc biệt, vì đã từ lâu lắm rồi mới có một tác phẩm đang xếp ở vị trí thứ hai bỗng nhảy lên ngôi vị đầu bảng sau hơn 10 ngày khởi chiếu. Cuộc soán ngôi gần đây nhất thuộc về True Grit của anh em nhà Coen diễn ra hồi tháng 1/2011. Trong khi đó, ba bộ phim đáng mong chờ Conan the Barbarian, Fright Night, Sky Kids 4D lại vắng khách đến bất ngờ.




Hiệu ứng truyền miệng đã phát huy tác dụng hiệu quả đối với trường hợp của The Help. Kinh phí sản xuất thuộc dạng thấp, lại không có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng nhưng chất lượng nội dung của The Help được giới phê bình đánh giá rất cao. Điểm rating của bộ phim trên các tờ báo, trang web online đều từ khá trở lên. Bên cạnh đó, những lượt khán giả đã xem bộ phim này tuần trước lại tiếp tục giới thiệu cho bạn bè, gia đình của họ.  


Hai lý do nêu trên đã giúp doanh thu của The Help chỉ giảm 20%. Tính cho tới thời điểm hiện tại, hãng phát hành Buena Vista đã bỏ túi 71,3 triệu $ (~1.484,4 tỉ đồng). Cùng với Bridesmaids, The Help là một trong hai hiện tượng bất ngờ nhất của mùa phim hè 2011. 


Trong khi đó, tuy Rise of the Planet of the Apes rớt xuống vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng nhưng hãng 20th Century Fox cũng không quá lo lắng do lợi nhuận của bộ phim đã đạt mức 133,6 triệu $ (~ 2.778,9 tỉ đồng). Ba ngày cuối tuần qua, Rise of the Planet of the Apes kiếm về 16,1 triệu $ (~335,2 tỉ đồng), tức chỉ giảm 42,1 %. 


Tiếp nối truyền thống của ba phần trước, Spy Kids: All the Time in the World 4D lặp lại những yếu tố sau: kinh phí thấp, chất lượng bị chê thảm hại nhưng vẫn hút khách, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, đạo diễn Robert Rodriguez (El mirachi, Sin City, Planet Terror) đã phá kỷ lục trong chính series Spy Kids. Phần 4 với tựa đề All the Time in the World 4D là phần mở màn kém ăn khách nhất, cũng như bị khán giả lẫn giới phê bình chê tơi bời nhất. 


Ra mắt vào hôm thứ sáu vừa qua tại 4.400 phòng chiếu, Spy Kids: All the Time in the World 4D chỉ thu về vỏn vẹn 11,6 triệu $ (~241,5 tỉ đồng). Có lẽ khoảng thời gian kéo dài lên tới 8 năm giữa phần 3 – Sky Kids 3D: Game Over và phần 4 đã phần nào ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim. Thế hệ khán giả thời đó giờ đã trưởng thành và chẳng thể nào theo dõi những siêu điệp viên nhí mãi được. Còn thế hệ khán giả mới, không phải ai cũng đã xem các tập trước đây. Theo thống kê của hãng The Weinstein Company, 67% lượng khán giả mua vé vào rạp xem Spy Kids 4D là nữ, 65% là trẻ em dưới 12 tuổi. 


Ở thể loại phim thần thoại rất thịnh hành hồi thập niên 80, Conan là một trong những nhân vật đáng nhớ nhất. Hai phần Conan the Barbarian (1982) và Conan the Destroyer (1984) đã góp phần quan trọng trong việc gây dựng nên tên tuổi cho diễn viên cơ bắp Arnold Schwarzenegger. Sau gần 3 thế kỷ, một lần nữa nhân vật Conan lại xuất hiện trên màn ảnh rộng với bộ phim remake Conan the Barbarian. Đáng tiếc, lần trở lại này của Conan đã không thành công như mong đợi.



Khán giả tỏ ra rất thờ ơ với tác phẩm thần thoại, hành động này. Bằng chứng là sau 3 ngày ra rạp, Conan the Barbarian chỉ thu về cho hãng phát hành Lionsgate 10 triệu $ (~208,2 tỉ đồng). Bộ phim giới thiệu một gương mặt mới, Jason Momoa (vốn xuất thân từ diễn viên truyền hình) trong vai Conan. Trong khi đó, ngồi trên ghế đạo diễn là Marcus Nispel (từng thực hiện Pathfinder – một tác phẩm thuộc dạng trung bình, cùng thể loại với Conan). 


Nếu nhìn vào đội ngũ làm phim, ta có thể dự báo trước việc Conan the Barbarian sẽ không thể ăn khách. Tuy nhiên, doanh thu chỉ đạt 10 triệu $ (~208,2 tỉ đồng) thật sự là cú shock lớn đối với hãng Lionsgate. Vốn là hãng phim nhỏ, chuyên thực hiện những bộ phim có kinh phí trung bình thấp nhưng lần này họ mạnh tay chi tới 90 triệu $ (~1.873,8 tỉ đồng) để thực hiện Conan the Barbarian. Giờ đây, hãng Lionsgate sẽ phải mong chờ vào các thị trường khác trên thế giới mới có thể thu hồi được vốn. 


Trong trạng thái thấp thỏm không yên giống như Conan the Barbarian là trường hợp của Fright Night. Cũng được làm lại từ bộ phim gốc phát hành hồi thập niên 80, Fight Night chỉ kiếm được 7,7 triệu $ (~160,3 tỉ đồng) trong ba ngày cuối tuần. Xem ra, thể loại kinh dị thất thu nặng vào dịp cuối hè năm nay. Còn nhớ Final Destination 5 cũng gây thất vọng lớn về doanh thu mở màn 7 ngày trước.




Cùng ra mắt với Conan the Barbarian, Spy Kids 4D, Fright Night vào hôm thứ sáu vừa qua còn có bộ phim tình cảm lãng mạn One Day của cặp đôi Anne HathawayJim Sturgess. Danh tiếng của hai diễn viên này không giúp gì nhiều trong việc thu hút khán giả đến rạp. One Day mang về cho hãng Focus 5,1 triệu $ (~106,2 tỉ đồng). Có lẽ, khi thực hiện bộ phim này, hãng Focus không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Vả lại, kinh phí sản xuất của One Day rất khiêm tốn (15 triệu $ ~ 312,3 tỉ đồng). Vì vậy, One Day được coi là trường hợp khác so với 3 tác phẩm kể trên. 


Vào thứ sáu 26/8 tới đây, có tận 4 bộ phim mới được ra rạp. Khán giả Bắc Mỹ có nhiều sự lựa chọn do cả bốn đều thuộc thể loại khác nhau. Trong khi Our Idiot Brother thuộc thể loại hài hước thì Circumstance thuộc thể loại tâm lý nặng nề. Nếu ai thích phiêu lưu hành động thì có thể chọn Colombiana của nữ diễn viên da màu Zoe Salnada. Ở thể loại kinh dị, Don’t be Afraid of the Dark là cái tên sáng giá nhất.