Theo dòng thời gian, điện ảnh ngày càng phát triển cả về mặt công nghệ, kỹ thuật làm phim lẫn khâu sáng tác nội dung. Khán giả hiện nay đòi hỏi rất cao về chất lượng, sự mới mẻ trong ý tưởng cũng như cách thể hiện. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua từng thể loại hay xu thế phim. Tuy nhiên, điện ảnh vẫn luôn xuất hiện trường hợp ngoại lệ. Có những tác phẩm được sản xuất đến 3, 4 thậm chí là 5, 6 phần nội dung gần như na ná nhau, vậy mà khán giả vẫn chấp nhận bỏ tiền ra rạp.
Giống với series Saw hay Paranormal Activity ở thể loại kinh dị, series Step Up chính là trường hợp như vậy. Cốt truyện của bốn tập hầu như không thay đổi: Vẫn là chuyện tình của hai vũ công yêu thích nhảy, tình cờ cùng tham gia vào một nhóm. Tình yêu, niềm đam mê, sự cố gắng vượt lên số phận của hai người có thể thay đổi thế giới xung quanh họ. Đây là nét đặc trưng của loạt phim Step Up.
Không lấy nội dung để thu hút khán giả, điều các nhà làm phim thay đổi qua từng tập tất nhiên là phần vũ đạo, sự sáng tạo về mặt hình ảnh, âm thanh, ánh sáng. Kinh phí thuộc dạng trung bình thấp, doanh thu tại thị trường nội địa cũng chỉ hòa vốn nhưng cộng với lợi nhuận trên toàn cầu, các nhà sản xuất vẫn có thể yên tâm “phát tài”. Đặc biệt đối với thị trường còn non trẻ và khó lường như Việt Nam, Step Up càng có cơ hội tung hoành.
Nội dung của Step Up Revolution gần như giống hệt với Step Up 3-D. Sau khi chuyển tới Miami cùng cha, Emily (Kathryn McCormick) mau chóng hoà nhập với không khí nóng bỏng, cuồng nhiệt tại nơi đây. Giống như bao người dân thành phố, cô bị hớp hồn bởi nhóm nhảy The Mob.
Được dẫn dắt bởi hai thanh niên trẻ Sean (Ryan Guzman) và Eddy (Misha Gabriel), The Mob quy tụ những vũ công, nghệ sĩ graffiti đường phố, DJ xuất sắc. Họ thường xuyên tổ chức nhảy flash mob ở những địa điểm không ngờ tới, một cách chớp nhoáng rồi biến mất không để lại dấu vết. Thật trớ trêu, cha của Emily lại đang có ý định mua lại khu dân cư nơi The Mob sinh sống.
Nếu như nội dung không có điểm mới mẻ (dường như không cần thiết đối với hãng sản xuất?) thì phần vũ điệu lại là cuộc cách tân thực sự. Vẫn còn đó những điệu hiphop, breakdance kết hợp với dụng cụ, phương tiện bổ trợ, trong Step Up Revolution, các nhà làm phim còn đưa vào các màn flash mob cực kỳ ấn tượng. Đây chính là điểm nhấn quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho phần 4.
Chẳng có gì phải chê về phần biên đạo trong Step Up Revolution, trừ trường đoạn cuối chưa tương xứng. Ba màn flash mob chính (trên đường phố, trong phòng triển lãm và ngay dưới đại sảnh của một tòa nhà thương mại) diễn ra đầy ngẫu hứng và không kém phần nghệ thuật. Kết hợp với âm thanh, ánh sáng hiện đại, nhóm The Mob đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Giá như phần trình diễn cuối, với số lượng vũ công tham gia đông hơn cùng màn cameo của các ngôi sao từ phần trước, được khai thác triệt để thì hiệu ứng sẽ “ép phê” gấp bội.
Lần đầu tiên vào vai chính trong một tác phẩm điện ảnh nhưng Kathryn McCormick (nổi tiếng qua show truyền hình So you think you can dance) đã đảm nhận khá tốt vai Emily. Vốn là vũ công chuyên nghiệp nên việc Kathryn McCormick thể hiện sự đam mê, quyến rũ qua từng động tác múa và cả biểu hiện gợi cảm trên khuôn mặt xem ra không làm khó được cô.
Với một phim như Step Up, hiệu ứng 3D sẽ tác động rất nhiều đến cảm xúc của người xem. Tương tự như phần 3, kỹ thuật 3D trong Revolution bổ trợ đầy hiệu quả cho các màn trình diễn đẹp không tưởng của các vũ công.
Nếu bỏ qua phần nội dung, Step Up Revolution là tác phẩm giải trí rất đã, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.
Đạo diễn: Scott Speer
Diễn viên: Kathryn McCormick, Ryan Guzman
Thể loại: Âm nhạc / Tình cảm / Tâm lý
Đánh giá:
Hãng phát hành
Step Up Revolution tại Việt Nam dành tặng cho độc giả 5 áo phông, 5 poster của bộ phim này. Để trở thành một trong những người chiến thắng, bạn hãy trả lời câu hỏi:
"The Mob là ai?" và gửi đáp án về địa chỉ mail
cinegame@kenh14.vn kèm thông tin chi tiết (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh thư). Chúc các bạn may mắn!