Chỉ đến khi tận mắt xem Bóng Ma Học Đường trong buổi chiếu nội bộ dành cho đoàn làm phim và báo giới thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, tự tin trước những thước phim 3D made in Vietnam sống động như thật. Ngay từ những cảnh đầu tiên, với sự trợ giúp của kỹ nghệ 3D, Bóng Ma Học Đường đã mang đến cho khán giả cảm giác mà chưa một bộ phim ma nào ở Việt Nam làm được. Đó là độ sâu của khuôn hình, với hành lang dài hun hút trong ánh sáng ma quái chập chờn, hay khu vườn âm u rậm rạp, những căn phòng kỳ dị nối tiếp nhau. Đó là sự thích thú rợn người khi khán giả cảm thấy mình đang cùng với nhà văn Nam Linh (Hoài Linh) lang thang trong ngôi biệt thự hoang phế ở Đà Lạt, hay đến thăm nghĩa địa lúc nửa đêm, thấy các hồn ma sống dậy từ ngôi mộ, nhảy múa quanh mình.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng cũng phải nói qua là siêu phẩm 3D Avatar được sản xuất với kinh phí 450 triệu đô, các phim 3D khác của châu Á đầu tư ít nhất cũng không dưới 10 triệu đô. Vậy mà chỉ với 1 triệu đô, vượt qua hàng núi khó khăn về kinh phí và kỹ thuật, Việt Nam đã làm được phim 3D với chất lượng kỹ thuật tốt. Đây là một thành công lớn đối với các nhà sản xuất phim Việt Nam.
Việt Nam đã có những bộ phim nghệ thuật giành giải cao ở các liên hoan phim quốc tế như Chơi vơi, Bi, đừng sợ… nhưng nói về công nghệ làm phim thì dường như vẫn rất khiêm tốn trong khu vực. Có lẽ khán giả Việt Nam luôn luôn mong đợi sự đột phá cho nền điện ảnh nước nhà. Với Bóng Ma Học Đường, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á đầu tiên làm phim với kỹ thuật 3D hiện đại bậc nhất. Nếu ví cuộc chạy đua sản xuất phim như một giải bóng đá thì Bóng Ma Học Đường có thể coi là một cú đột phá ghi bàn cho đội tuyển Việt Nam, nó xứng đáng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, để hi vọng vào một bước phát triển mới của điện ảnh nước nhà.
Bóng Ma Học Đường được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc kể từ ngày 26/01/2011.