Phim truyền hình Việt thiếu gì?

Việt Nữ, Theo 00:01 08/08/2011
Chia sẻ

Tại sao trong khi chúng mình có thể 1 lúc “ôm” 2 – 3 bộ phim truyền hình Hàn Quốc mà nói đến phim truyền hình Việt Nam thì đều lắc đầu lạ lẫm?!

Các nhà làm phim đừng vội đổ lỗi cho teen sính ngoại. Và chúng mình cũng đừng nên kết luận phim Việt quá chán. Bởi vì tình trạng teen hững hờ với phim Việt thực chất xảy ra chủ yếu ở “mặt trận” truyền hình thôi. Còn phim điện ảnh Việt vẫn ung dung thể hiện bản lĩnh trên “sân nhà”, thậm chí còn tằng tằng vượt doanh thu các phim ngoại chiếu rạp.

Vậy l‎ý do tại sao phim truyền hình Việt lại thua xa người anh em “điện ảnh” của nó? Hãy cùng chúng mình phân tích 1 chút để tìm ra l‎ý do nhé!

Phim truyền hình nên chỉ cần… hình

Trước đây, phim truyền hình Việt có không ít nhạc phim để đời (chúng mình từng vinh danh) nhưng mấy năm trở lại đây, hiếm có cái nào để lại ấn tượng với khán giả.

Trong khi mỗi bộ phim Hàn hay Trung đều có từ 1 đến 2 album nhạc phim đi kèm, thậm chí nhiều phim còn mạnh dạn phát hành album nhạc phim để “cá kiếm”.

Đại đa số các phim truyền hình Hàn Quốc đều phát hành album nhạc phim,

có phim còn phát hành thêm phiên bản Nhật, Trung…

Nhìn gần hơn, phim điện ảnh Việt Nam cũng rất chịu khó chăm chút khoản âm nhạc. Những Nụ Hôn Rực Rỡ, Đẹp Từng Centimet… đều tạo hit Và Ta Cần Nhau, Mở Cửa Tâm Hồn, Hát Vang Rằng Em Yêu Anh, 1 Giờ Sáng… vào thời điểm phim ra rạp. Hoặc như Nụ Hôn Thần Chết cũng có thể tạo hit từ bản nhạc bất hủ A Time For Us (Romeo & Juliet).

Điểm sơ 1 vài phim truyền hình khá khẩm mấy năm gần đây có thể thấy Gọi Giấc Mơ Về, Mùi Ngò Gai, Bỗng Dưng Muốn Khóc, Ngôi Nhà Hạnh Phúc… đều có hit đi kèm: Em Rất Nhớ Anh, Dòng Thời Gian, Bỗng Dưng Muốn Khóc, Giây Phút Này, Ngôi Nhà Hạnh Phúc, Quay Về Đi


“Dẫu chỉ là giấc mơ em xin mơ hoài… Cuối con đường nắng lên chờ anh đến…”

– lời ca khúc Ngôi Nhà Hạnh Phúc được chúng mình “nhai đi nhai lại” hoài nhỉ?

Âm nhạc là 1 phần không thể thiếu, cũng không thể xem nhẹ trong phim ảnh. Bởi lẽ, nó chính là chất xúc tác mạnh mẽ để khán giả có thể dễ dàng dung hòa cảm xúc với nhân vật và tình tiết trong phim.

Truyền hình chứ có phải điện ảnh đâu mà đòi quay đẹp

Không thể phủ nhận việc dồn sức trau chuốt 90 phút phim điện ảnh sẽ phải cho ra những khuôn hình đẹp mỹ mãn hơn là trải đều sức trong vài chục tập phim truyền hình (trung hình 30 phút/tập). Nhưng vấn đề là chất lượng quá chênh lệch.

Nói cách khác, trong khi phim điện ảnh Việt có đầy cảnh đẹp như mơ thì phim truyền hình vẫn “lơ tơ mơ” ở khoản “nhan sắc” – ở đây bao gồm cả bối cảnh sơ sài lẫn công nghệ quay kém càng “dìm hàng” diễn viên. Việt Nam có khối cảnh đẹp, khối người đẹp nhưng xem phim truyền hình thì khó mà tìm thấy cái đẹp nào cộp mác Việt Nam.

Phim Đầm Lầy Bạc có nội dung hay nhưng quay hình chưa đẹp


Lại lấy Ngôi Nhà Hạnh Phúc làm ví dụ, dù là phim truyền hình nhưng xuyên suốt 26 tập phim, không khi nào mà không thấy Minh Hằng Lương Mạnh Hải “cute”. Ngôi nhà được chọn làm bối cảnh chính cũng tuyệt đẹp. Và những cảnh để đời như cảnh hôn, cảnh dạo chơi trên biển… đều không kém gì phim điện ảnh.

Dù là phim truyền hình nhưng Ngôi Nhà Hạnh Phúc đẹp từng milimet phim


Ở Hàn Quốc – quốc gia có ngành phim ảnh phát triển bậc nhất Châu Á – họ không hề phân biệt tiêu chuẩn phim đẹp trong điện ảnh hay truyền hình. Dù ngắn 2 tập hay dài trăm tập, 1 khi họ đã bắt tay vào quay thì đều nỗ lực làm ra những thước phim đẹp nhất cho khán giả.


Trái Tim Mùa Thu (2000)



Bản Tình Ca Mùa Đông (2002)
Nhìn lại 1 vài thước phim cũ của Hàn Quốc để thấy họ bỏ xa chúng ta đến thế nào?

Nội dung bế tắc

Để truyền tải nội dung thì 90 phút chiếu rạp so với vài chục tập phim – ngót nghét ít nhất cả ngàn phút – có vẻ khó hơn rất nhiều. Thế nhưng trong khi phim điện ảnh Việt khai thác khá nhiều và nhanh các khía cạnh xã hội và truyền tải đa dạng thông điệp cuộc sống (bình đẳng giới, theo đuổi ước mơ, khát vọng vươn lên...) thì phim truyền hình lại tỏ ra… ì à ì ạch.

Quanh đi quẩn lại, nội dung chủ yếu của các phim Việt Nam cả điện ảnh lẫn truyền hình vẫn lấy tình yêu là gốc. Thế nhưng từ tình yêu phát triển rộng ra xã hội, cuộc đời thì… “mỗi nhà mỗi cảnh”.

Lấy ví dụ trong phim điện ảnh Để Mai Tính, bên cạnh tình yêu của đôi nam – nữ chính, bộ phim vẫn khiến khán giả ít nhiều có cái nhìn khác về tình yêu đồng tính. Nó cũng mãnh liệt, sâu sắc và cao cả như tình yêu nam – nữ.

Để Mai Tính khai thác đề tài đồng tính 1 cách hài hước nhưng nghiêm chỉnh


Còn phim truyền hình thì sao? Xuyên suốt mấy chục tập phim, hết yêu rồi hận, hết hận thì lại yêu... Thậm chí, một số phim không có ‎ý định “rờ” tới các khía cạnh khác ngoài tình yêu. Số khác khai thác lại lan man, khiến mấy chục tập phim trở nên lê thê, sáo rỗng…

Bỗng Dưng Muốn Khóc – phim truyền hình hiếm hoi
khai thác thành công nhiều khía cạnh cuộc sống


Chốt hạ, phim truyền hình Việt Nam còn thiếu quá nhiều yếu tố để thu hút khán giả. Chỉ ra đây, không phải chúng tớ cố tình “dìm hàng” phim Việt và cũng hy vọng các bạn thay vì chăm chăm phê bình, chỉ trích, hãy bỏ chút thời gian tìm hướng khắc phục, cải thiện chất lượng phim ảnh cùng các nhà sản xuất trong nước.

Phim ảnh Việt vốn vẫn đang trên đà phát triển. Vậy nên rất cần mỗi người yêu phim góp sức, để 1 ngày gần nhất, phim Việt cũng sẽ có phụ đề tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn… chiếu rộng rãi khắp nơi ngoài lãnh thổ Việt Nam. “1 cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao” mà!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày