Nhà sản xuất vẫn tỏ ra khôn khéo để ngỏ giữa hai lựa chọn: Mở rộng nội dung theo sách (Quyển 4 và 5) gồm “A Feast For Crows” và “A
Dance With Dragons” trong hai hoặc ba mùa hoặc cô đọng chúng lại. Về phía
ngài Martin, ông có lẽ thích lựa chọn đầu tiên, tuy nhiên chẳng khó khăn khi nhận
ra những tiếng la ó sau khi mùa 5 kết thúc mà không giải quyết được vấn đề gì,
Daenerys và Cersei thì mất quyền lực, còn những kẻ khác thì đánh nhau tới mức
thương tật dặt dẹo.
Tuy nhiên, tinh thần của truyện không phải chỉ dừng lại ở đó.
George R. R. Martin có một nỗi ám ảnh lớn với chiến tranh. Rất nhiều sự kiện
trong tiểu thuyết không chỉ hướng tới những cảnh chém giết máu me, mà qua đó thể
hiện sự đau đớn, dằn vặt và bất lực của con người sau khi chiến tranh qua đi.
Chính việc khai thác tâm lý, làm nên những “vết sẹo” tinh thần cho cả nhân vật
lẫn người đọc mới là một trong những yếu tố chính làm nên màu sắc của Game of Thrones,
chứ không phải những cảnh gây sốc và máu me như series đang bị sa lầy.
“The Winds of Winter” tới đây có lẽ như cái tên của nó sẽ là tập truyện bi thảm nhất mà George R. R. Martin ra mắt, nếu như bộ phim truyền hình quyết định đi theo tư tưởng của nguyên tác thì đây sẽ là một thách thức thực sự. Khi đó, David Benioff và D.B. Weiss có thể xem xét hướng làm cho nó tăm tối hơn, không phải chỉ đơn giản là “đẫm máu và gây sốc” mà là tạo ra những nỗi đau thật sự và nghiêm trọng về mặt tình cảm và tâm lý của các nhân vật.
Daenerys là một trong những nhân vật có nhiều đất diễn nhất
series này, nhưng có vẻ như sự “bành trướng” khắp Westeros của Long Mẫu đang trở
nên thiếu nhất quán. Những quyết định của Daenerys, từ việc chặt đầu cựu nô lệ
hay cho mở lại đấu trường đều do nghe theo những lời khuyên. Có thể lấy việc
thiếu kinh nghiệm để lí giải điều này, nhưng nếu như vậy rõ ràng sự “tiến bộ” của
Daenerys không hề tự chủ chút nào. Thế nhưng còn chuyện cưỡi rồng bay đi? Về mặt
cảm quan, phải nói là quá tuyệt vời khi được chứng kiến một cô nàng cưỡi rồng
phải không nào? Tuy nhiên nhiều người tự đặt cho mình câu hỏi, liệu điều đó có
logic không vậy? Có thể nhà sản xuất đang có ý định gì đó cho nhân vật này, vì
thế họ mới để Ser Barristan chết (điều đã không xảy ra trong truyện), người có
vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt Daenerys trên con đường trở thành lãnh đạo.
Mùa 5 này người ta cũng đã trông ngóng một sự trưởng thành
nào đó từ Sansa. Nhưng suốt cả season, nếu không lẽo đẽo đi theo Littlefinger
thì cô gái nhà Stark cũng chỉ cùng lắm hiên ngang căm hờn nhìn lang quân bệnh
hoạn Ramsay Bolton. Sansa lại quay trở về với phiên bản Sansa 1.0, nạn – nhân –
đáng – thương của mùa 1 và mùa 3. Là do Sansa và người xem bị “ảo tưởng” về khả
năng xoay xở của mình hay đi theo Littlefinger là một ý tưởng khủng khiếp?
Trong trường hợp nào đi chăng nữa, thì việc bị cưỡng bức và chịu đau khổ của
Sansa trong mùa này là rất khó xem với nhiều người vì họ cảm thấy như bị đạo diễn
cho chạy vòng vòng và không biết đến bao giờ nhân vật của mình mới chịu “thoát
xác” nữa.
Bên cạnh đó, tuyến nhân vật nhà Lannister như Jaime cũng
đang trở nên hời hợt khi những biểu hiện đau đớn, tự căm ghét bản thân hay những
dằn vặt sau cái chết của Tywin không còn thấy đâu. Thay vào đó, đất diễn của Đồ
Vương bị cắt xẻ cho màn tán tỉnh của bạn đồng hành với đàn con gái hoang dại của
xứ Dorne. Cũng tương tự với ông em trai nhà Lannister, người ta chẳng còn thấy
nỗi đau đớn sau khi tự tay giết người yêu của Tyrion đâu nữa.
Điều này có thể được lí giải là do những nhân vật này được
coi là những quân cờ xây dựng cốt truyện. Để có được sự phát triển của nội
dung, bộ phim cần những Daenerys, Sansa, Jaime, Tyrion và cứ thế họ bị đẩy khắp
nơi quanh bản đồ Westeros. Một số đến từ truyện nhưng phần lớn là phục vụ cho
những nhu cầu cấp bách của bộ phim truyền hình.
4. Cân nhắc lại về tần suất của những cảnh bạo lực và tình dục và cả bạo lực tình dục
Game of Thrones từng bị chê bai là show truyền hình “khoe
hàng”, với số cảnh phim vô tận những hình ảnh trần trụi, khiến người xem còn
không thể rời màn hình để lấy đồ ăn nhẹ buổi tối khi nhân vật nào đó đang nói
chuyện về vụ tạo phản vua Robert. Giờ đây, series đã thay đổi ít nhiều,
khi giảm bớt những cảnh khoả thân một cách dễ dãi đi. Thực tế là trong mùa 5
người xem có thể đếm được số cảnh khoả thân “cho không” như thế trên đầu ngón
tay của Ser Davos.
Vấn đề ở đây là, bộ phim ngày càng tiến theo hướng tăm tối bạo
lực và nhục dục hơn thì những cảnh nóng và bạo lực là điều không thể tránh khỏi.
Hơn nữa, đây là một show truyền hình dựa trên nguyên tác tiểu thuyết vốn tràn
ngập cảnh cưỡng bức và bạo lực tình dục, như là một phần sự ám ảnh của tác giả Martin
trong việc chỉ ra phần tăm tối nhất của bản ngã con người trong chiến loạn.
Tuy nhiên việc thể hiện chúng trên màn ảnh thì khác xa so với
trên trang giấy. Một chương trình truyền hình thế kỉ 21, phát sóng cho những
khán giả hiện đại thì phải thật cẩn thận cân nhắc thứ gì nên được chiếu. Khi
GOT trở nên ngày càng bạo lực và khủng khiếp, nó sẽ cần nhiều nhân vật và chú ý
nhiều hơn đến xây dựng bối cảnh. Điều đó có nghĩa là càng phải cân nhắc mỗi khi
xây dựng cảnh bạo lực, làm sao để chúng hợp lý và phù hợp.
Không thể phủ nhận sự thật đây là một trong những chương trình truyền hình xuất sắc nhất trong lịch sử, với sự hoành tráng và hấp dẫn của nó. Tuy nhiên để có thể độc lập với truyện của tác giả Martin, thì Game of Thrones cần chú ý tới chính những gì đã làm nên thành công của nguyên tác.