Bài viết này có thể
xem là phần 2 của bài Một trào lưu hai cái kết mà Kenh14 đã có lần đề cập.
Những phim được liệt kê dưới đây đáng lẽ đã có một cái kết hoàn toàn khác nếu
như nó không bị nhà sản xuất loại bỏ vì nhiều lí do.
1. Fifty shades of Grey - Nhân vật Anastasia gửi
cho chàng tỷ phú Grey quyển sổ tay và chiếc máy bay đồ chơi
Bộ phim kết thúc với
dấu hỏi to đùng khi Anastasia Steele (Dakota Johnson) rời bỏ Christian Grey
(Jamie Dornan) sau khi cô nhận ra trong anh tồn tại một chút bản tính của quái
vật. Tuy nhiên, trong bản DVD được phát hành sắp tới đây đã phát triển thêm
nhiều chi tiết xung quanh sự kiện này. Có một số cảnh được thêm vào như việc
chàng tỷ phú Christian cố gắng tỏ ra bình ổn sau khi chia tay với Anastasia
nhưng thất bại. Trong khi đó, cô cũng không khá hơn khi nằm khóc trong phòng
ngủ của mình.
Trong phân cảnh cuối
cùng của đoạn kết đã bị loại bỏ, Anastasia còn gửi cho Christian một chiếc máy
bay đồ chơi – gợi nhắc lại kỷ niệm anh và cô cùng bay đến Georgia – cùng một
quyển sổ tay với vài dòng cô viết “Những điều này gợi nhớ em về quãng thời gian
hạnh phúc mà em từng có. Ana”. Dựa vào kết thúc mở rộng này, ta thấy bản phim
chiếu rạp bị lướt đi quá nhiều chi tiết nên rời rạc và khó hiểu.
2. Ant-man - Scott Lang chống lại Mitchell Carson
và bảo vệ hạt chứa công nghệ thu nhỏ
Trong Ant-Man, chúng ta đã
được chứng kiến Ant-Man / Scott Lang chiến đấu với Darren Cross / Yellowjacket
bằng công nghệ sinh học cho phép thay đổi kích thước cơ thể phóng to hay thu nhỏ
tùy ý. Ở bản phim chiếu rạp, chúng ta thấy bạn của
Scott, nhân vật Luis đã đưa ra thông tin rằng biệt đội siêu anh hùng Avengers
đang có ý tìm kiếm để mời Scott tham gia vào đội. Điều này khiến cho các fan
Marvel đứng ngồi không yên vì cách liên kết tới phần phim Captain America: Civil War quá khéo và chiều
chuộng fan.
Tuy vậy, trong kịch
bản ban đầu của đạo diễn Peyton Reed lại hoàn toàn khác. Ông muốn Scott phải đối
đầu với gã Mitchell Carson thuộc tổ chức S.H.I.E.L.D, đồng thời cũng là điệp
viên hai mang của HYDRA (hắn xuất hiện trong những cảnh thuộc những năm 1980
thuộc những phút đầu phim). Đạo diễn Reed đã mô tả cái kết thay thế khác biệt
đó như sau: “Cuối phim hắn ta (Mitchell) bỏ chạy và lấy được hạt thu nhỏ của
Cross. Nhưng có một vài lý do khiến Mitchell đành bỏ hạt Cross lại. Ant-Man đã
bắt Mitchell và chiếm lại được hạt Cross”.
Sự thay đổi đoạn kết
này hoàn toàn đúng đắn. Nếu có cảnh chiến đấu giữa người hùng tí hon và
Mitchell thì nó cũng chẳng làm cho phim có thêm cao trào nào nữa.
3. Ex Machina – Khán giả được trải nghiệm cuộc
đào tẩu qua “đôi mắt” của người máy Ava
Ex Machina nổi lên
như một trong những bộ phim “tưởng không hay mà hay không tưởng” của năm 2015.
Phim được xem như một trong những trải nghiệm điện ảnh thú vị nhất trong lĩnh
vực phim khoa học viễn tưởng trong vài năm trở lại đây, không chỉ nhờ kịch bản
thú vị mà còn vì kết thúc gây sốc và không ai ngờ đến.
Trong phim một lập
trình viên trẻ tuổi tên Caleb (Domhnall Gleeson) đã cố gắng để khám phá một người
máy mang trí thông minh nhân tạo có tên gọi là Ava (Alicia Vikander). Ava đã
lợi dụng tình cảm và chính lòng tin của Caleb để thoát ra khỏi phòng thí nghiệm
mà cô được tạo ra. Cô nhốt Caleb lại và để anh chết dần trong phòng kín, còn
bản thân Ava thì được trực thăng đưa đến một nơi khác, nơi cô bắt đầu cuộc sống
tiếp cận loài người.
Thế nhưng kết thúc ban
đầu của “Ex Machina” lại có một chút kỳ dị. Nữ diễn viên Alicia Vikander đã bật
mí rằng ban đầu đạo diễn muốn khán giả phải cảm thấy hấp dẫn, thú vị bởi hệ
điều hành của cô nàng người máy này: "Thời điểm ở trên chiếc trực thăng, trên
vẻ mặt của viên phi công”, Alicia nói, “phân cảnh đó trông rất tuyệt, bạn sẽ
thấy khuôn mặt của anh ta chuyển động, sự chuyển động đó rất khác lạ dưới “con
mắt” của Ava, nó giống như xung điện và âm thanh tuôn trào. Và đó chính là
những gì cô ấy thấy cũng như được học trước đây".
Dù trong quá trình xem
“Ex Machina” ta cảm thấy rõ nhận thức của Ava trong suốt bộ phim, nhưng do là
người máy nên trải nghiệm ở cô ta hoàn toàn khác biệt với loài người, và Ava
cũng không có khả năng trải nghiệm như con người ở bất kỳ cách nào khác.
Oscar Issac, người
đóng vai Nathan đồng thời cũng là nhân vật tạo ra Ava, đã úp mở về đoạn kết như
sau: “Tất cả mọi thứ sẽ đột ngột thay đổi theo điểm
nhìn của Ava. Điểm nhìn của cô ấy hoàn toàn xa lạ đối với chúng ta. Không nghe
được âm thanh thực tế, chỉ nhìn thấy xung điện, tất cả đều rất thú vị. Đó là
chính là thời điểm khiến bạn chợt nhận ra: "Ồ, cô ta đã nói dối". Nhưng điều đó
cũng chưa nói lên được điều gì. Ava có những trải nghiệm khác con người nhưng
điều đó không có nghĩa rằng những trải nghiệm đó không phải là ý thức".
Alex Garland thích kết
thúc này nhưng cuối cùng ông lại không chọn nó. Chắc chắn một điều rằng, nếu
đạo diễn Alex chọn phiên bản kết thúc đầu tiên cho “Ex Machina” thì Ava có thể
sẽ nhận ác cảm từ khán giả. Đoạn kết ở phiên bản chính thức đã loại bỏ được
điều đó và đã khiến đa số khán giả đều đứng về phía Ava.
4. Fast & Furious 7 - Đoạn kết tập trung vào việc xây dựng đường đi cho các phần tiếp theo
Không có một bộ phim
nào “thấm thía” sự nhọc nhằn, khó khăn trong quá trình dựng phim như Fast & Furious 7.
Paul Walker, nam diễn viên đóng vai đặc vụ Brian O’Conner qua 5 phần phim, đã
qua đời trong một tai nạn xe hơi thảm khốc. Kết quả là phần lớn kịch bản đã
được viết lại để phù hợp với thực tế rằng nam diễn viên tài hoa bạc mệnh đã
không thể góp mặt trong bộ phim này nữa. Với hơn phân nửa cảnh quay của Paul
Walker đã được quay xong, quá trình dựng phim trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Và để lấp đầy một nửa phân cảnh còn lại, nhà sản xuất đã quyết định sử dụng
công nghệ CGI cùng sự trợ giúp của người em trai của Paul để vừa cho ra đời một
bộ phim liền mạch vừa tôn vinh sự cống hiến của Paul qua các phần phim.
Đoạn kết của Furious 7
như một lời tri ân đầy cảm động gửi đến nam tài tử. Như chúng ta đã biết, đó là
cảnh đặc vụ Brian trở về với gia đình nhỏ và rời xa đường đua, những phi vụ và
anh em thân thiết.
Nhưng đạo diễn James Wan
đã úp mở về một kết thúc có hậu khác: "Kết thúc nguyên bản
của Furious 7 đã được thiết lập để mở rộng hơn, chúng ta sẽ đi vào một thế giới
rộng lớn hơn mà ở đó thương hiệu Fast & Furious có thể tồn tại ở bất kỳ
quốc gia nào. Đó là một cách thức rất thông minh khi tiếp tục xây dựng thương
hiệu của series. Thế nhưng thảm kịch xảy ra, tất cả đều trở nên vô nghĩa. Hãng
phim nhận ra điều đó nên họ thay đổi cái kết để tôn vinh và tưởng nhớ Paul
Walker".
5. Avengers: Age of Ultron - Captain Marvel và
Spider-Man tham gia vào Biệt đội siêu anh hùng; Quicksilver hồi sinh
Avengers: Age of Ultron một phim thành công về mặt doanh thu khi thu được 1,4 tỷ USD trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi xem Age of Ultron thì ai cũng thấy đây là một bộ phim khá lộn xộn. Có quá nhiều nhân vật, hàng chục phân cảnh bị cắt xén khiến khán giả chỉ biết “mắt tròn, mắt dẹt” vì không hiểu tình tiết ra sao, quá trình như thế nào mà lại có kết quả như vậy.
Trong bản chiếu rạp,
kết thúc của phim diễn ra thế này: một vùng Đông Âu bị rơi xuống và biến thành
đống đổ nát hoang tàn, Ultron chết, Quicksilver cũng chết sau vài phút xuất
hiện ngắn ngủi. Iron Man và Hulk rời đội, Thor bay đi mất, Captain America và
Black Widow chuẩn bị đào tạo một nhóm Avengers mới. Có cái gì đó hơi kì lạ và chẳng
có yếu tố hài hước gì.
Nhưng đạo diễn Joss
Whedon đã từng có ý định mở ra một kết thúc hoàn toàn khác. Trong đó, chúng ta
sẽ thấy cả hai nhân vật là Captain Marvel và Spider-Man gia nhập Avengers ở
cuối phim. Ban đầu ông muốn những anh hùng cũ rời đi để hai anh hùng trẻ tuổi
này tham gia vào biệt đội. Điều này sẽ khiến vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) mở
rộng ra một cách bất ngờ nhưng không may, ý tưởng này không được Marvel thông
qua.
Không chỉ có thế, Joss
Whedon cũng từng muốn “hồi sinh” Quicksilver: "Chúng tôi đã quay vài cảnh của Quicksliver.
Anh ấy xuất hiện trong một bộ trang phục mới và đứng cạnh em gái của mình". Điều
đó chứng minh rằng có một phiên bản kết thúc của bộ phim mà trong đó
Quicksilver sống lại.
6. Pixels - Mario đứng trên đài kỷ niệm Washington
và nở nụ cười đe dọa
Pixels được
coi là một trong những bộ phim tệ nhất trong năm 2015. Nó sở hữu một cốt truyện
rối loạn và hoàn toàn không thể giải thích vì sao hay bằng cách nào mà người
ngoài hành tinh xâm nhập vào Trái Đất dưới vỏ bọc của các nhân vật trong trò
chơi điện tử những năm thập niên 80. Phim có ý tưởng khá độc đáo và có doanh
thu 194 triệu USD trên chi phí bỏ ra là 88 triệu USD. Nhưng đừng vội mừng,
doanh thu hơn chi phí sản xuất không có nghĩa là bộ phim không lỗ, thực chất,
“Pixels” đã gánh khoản lỗ lên đến 75 triệu USD!
Sau khi chiến đấu với
một chuỗi các hình tượng nhân vật trong trò chơi điện tử như Pac-Man, Centipede, phim kết thúc với nhân vật của Adam Sandler và một phi hành
đoàn gồm những “game thủ” đánh bại Donkey Kong và dĩ nhiên, được ca ngợi là
người anh hùng của nhân loại.
Ban đầu, bộ phim đã dự định kết thúc với sự xuất hiện của biểu tượng video game nổi tiếng nhất mọi thời đại: Mario. Trong dự thảo kịch bản, cảnh cuối cùng trong “Pixels” được mô tả như sau: "Chúng tôi nhìn thấy đài tưởng niệm Washington, dù hư hỏng nhưng vẫn đứng vững hiên ngang. Nhưng khi đưa tầm mắt lên đỉnh của nó, chúng tôi thấy một mảnh hình nhỏ. Tay chống nạnh, đưa tầm mắt từ trên cao quan sát xuống tất cả mọi thứ. Đó chính là Mario. Chúng tôi quay cận mặt Mario và anh ta mỉm cười. Một màn đen xuất hiện".
Đạo diễn Chris Columbus đã giải thích lý do tại sao họ đã không lựa chọn sử dụng Mario vào đoạn kết thúc: "Chúng tôi đã thử, thậm chí còn làm một bản để xem trước. Ý tưởng này rất thú vị nhưng tôi muốn sử dụng hình tượng Mario trong một bộ phim khác nên đã loại bỏ".
Nhưng vấn đề ở đây là, dù có đọc qua và tưởng tượng đến kết thúc khác
của phim, bạn cũng chẳng sẽ cảm thấy chút thỏa mãn nào hơn những gì họ đã đưa
ra trong kết thúc chính thức. Đơn giản vì cốt truyện đã rất tệ nên có kết thúc
theo cách nào cũng không thể làm bộ phim hay hơn.