Trong lịch sử điện ảnh thế giới, có nhiều bộ phim bị
cấm chiếu vì nhiều lý do khác nhau, có phim chiếu ở nước này nhưng bị cấm ở nước khác, có phim bị cấm trên toàn thế giới. Với phim Việt Nam, trong quá khứ đến hiện tại đều có những bộ phim bị cấm chiếu. Vượt qua vòng kiểm duyệt được cho là một sự thành công đối với bất kỳ phim điện ảnh Việt nào.
Những phim bị cấm chiếu đa số đều từ các lý do “nhạy cảm”. Gần đây nhất,
Chàng Trai Năm Ấy bị hoãn chiếu vì lý do bản quyền, bài hát nhạc phim dính phải “nghi án” đạo nhạc. Cùng điểm qua những bộ phim đình đám bị cấm chiếu ở Việt Nam cho đến hiện tại.
Cyclo (Xích-lô)
Một hiện tượng kỳ lạ, một niềm tự hào của điện ảnh Việt, và cho đến tận bây giờ, chưa có bộ phim nào cũng như đạo diễn nào có thể làm được như Trần Anh Hùng, giành giải Sư Tử Vàng tại Liên Hoan Phim Venice, một giải thưởng quốc tế vô cùng danh giá. Nhờ bộ phim mà rất nhiều người nước ngoài biết đến Việt Nam và rất nhiều người quyết định đến Việt Nam sau khi xem phim. Lê Văn Lộc, nam chính của phim, được ưu ái gọi là “người đạp xích-lô ra thế giới”.
Thế nhưng, ngay tại quê nhà, bộ phim đã không được cấp phép để chiếu tại các rạp, dù bộ phim nói về Việt Nam, diễn viên Việt Nam, quay tại Việt Nam. Đơn giản là trong phim phản ảnh một xã hội quá tàn khốc, những cảnh bạo lực cùng những đau thương quá lớn không phải hiện thực tại Việt Nam, phim được diễn đạt bằng một ngôn ngữ điện ảnh độc đáo nhưng lạnh lùng, tàn nhẫn, cho dù trong phim còn có sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Hoa ngữ là Lương Triều Vỹ cùng rất nhiều ngôi sao khác của điện ảnh Việt Nam như là NSND Như Quỳnh, Trịnh Thịnh… nhưng đó không thể là yếu tố chính để bộ phim được hoan nghênh tại nước nhà.
Bi! Đừng Sợ
Không hẳn là cấm chiếu, nhưng bộ phim này đường như bị ngó lơ và không có kế hoạch ra rạp nếu như nó không giành được giải thưởng tại Liên Hoan Phim Cannes. Và khi công chiếu tại các rạp cũng đã nhận được rất nhiều lời phản đối của các bậc phụ huynh vì “lỡ” mua vé cho con cháu mình vào xem, vì tưởng đây là … phim thiếu nhi.
Bi! Đừng Sợ cũng kể một câu chuyện ngột ngạt về cuộc sống hiện đại ở một thành phố lớn, kèm theo đó là những cảnh tình dục nhạy cảm trần trụi. Không khó hiểu khi nó bị cắt bớt trước khi ra rạp. Một bộ phim độc lập như Bi! Đừng Sợ thì chuyện bị “ngắm nghía” kỹ và thậm chí là bị “tuýt còi” khi cần thiết là một chuyện dễ xảy ra.
Bẫy Cấp 3 và Rừng Xác Sống
Cả hai bộ phim đều của đạo diễn trẻ Lê Văn Kiệt và đều là phim kinh dị. Bẫy Cấp 3 kể chuyện một nam sinh cấp 3, do bị gia đình đối xử lạnh nhạt và bạn bè coi thường mà nảy sinh những vấn đề về mặt tâm lý. Trong chuyến đi chơi với các bạn cùng lớp, cậu học sinh này lên kế hoạch giết chết từng người đi cùng bằng những chiếc “bẫy” khó lường.
Một bộ phim kinh dị có motip quen thuộc đối với những ai hay xem phim kinh dị nước ngoài và thực tế là dạng phim này nó xuất hiện nhan nhản trong các rạp ở Hollywood và những thị trường phim khác như Hàn Quốc, Thái Lan. Ở Việt Nam, nó không được ra rạp bởi nội dung kinh dị bạo lực nhảm nhí, thiếu logic và không đạt chất lượng phim ảnh. Thường phim không được phép công chiếu hay nhận được sự tò mò, ủng hộ của người xem, nhưng riêng với phim này, quyết định "cấm" dường như nhận được sự đồng tình của đông đảo công chúng.
Rừng Xác Sống cũng cùng chung số phận khi bộ phim kể về nhóm bạn trẻ ở Mỹ, về Việt Nam, vô rừng chơi, gặp xác sống. Cùng nội dung chưa phù hợp và có quá nhiều cảnh kinh dị, bạo lực nên phim này cũng đành ngậm ngùi rớt đài. Lê Văn Kiệt vẫn chưa có duyên với màn ảnh Việt và thể loại kinh dị vẫn là thể loại có nhiều khả năng bị cấm chiếu nhất bởi nó thuộc đề tài nhạy cảm - "mê tín dị đoan”, mặc dù trong thời gian gần đây, những quy định này đã thông thoáng hơn rất nhiều.
Thủ Tướng
Thủ Tướng là bộ phim điện ảnh của Lê Hoàng, được nhắc đến trong một thời gian nhưng sau đó lại hoàn toàn im ắng và không bao giờ thấy xuất hiện kế hoạch ra rạp. Có lẽ, do tựa phim khá nhạy cảm nên việc phim này bị Cục Điện Ảnh tuýt còi cũng là điều dễ hiểu. Sau này, có thông tin Lê Hoàng phải đổi tên phim thành “Chính khách” nhưng vẫn không qua được vòng kiểm duyệt.
Lê Hoàng đã từng phát biểu: “Tôi muốn xây dựng nhân vật thủ tướng đứng đầu đất nước nhưng trong tình yêu anh ta cũng bình đẳng với tất cả mọi người. Một thủ tướng cần tỏ ra tầm cỡ, uy quyền đồng thời tỏ ra không xa cách với giới trẻ. Tóm lại đây là một bộ phim lãng mạn với nhiều tình tiết bất ngờ dành cho giới trẻ và tôi muốn giới trẻ sẽ yêu thích bộ phim này". Nhưng cuối cùng, ấp ủ của Lê Hoàng đã ra đi nhẹ nhàng và không ai nhắc đến nó nữa cả.
Một làn sóng phản đối cực kỳ dữ dội từ cộng đồng mạng và những người yêu thích phim ảnh khi bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn, Bụi Đời Chợ Lớn, bị
cấm chiếu vì quá bạo lực là “không phản ánh đúng hiện thực xã hội”. Bụi Đời Chợ Lớn miêu tả những góc khuất về thân phận con người trong cuộc chiến tranh giành địa phận giữa các băng nhóm xã hội đen tại Sài Gòn, cụ thể là khu vực Chợ Lớn.
Mặc dù đoàn phim đã làm hết sức mình khi cố gắng chỉnh sửa lại bản phim nhiều lần, thêm thắt nhiều tình huống khác theo yêu cầu của hội đồng kiểm duyệt. Nhưng ngày 6/6/2013, Cục Điện ảnh chính thức thông báo tới nhà sản xuất, quyết định cấm chiếu “Bụi đời Chợ Lớn” vĩnh viễn, yêu cầu không được phổ biến tác phẩm dưới bất cứ hình thức nào và không được để lọt phim ra ngoài thị trường.
Ngay sau đó, một bản phim chưa hoàn chỉnh của Bụi Đời Chợ Lớn được tung lên mạng (cho đến giờ vẫn chưa biết được thủ phạm), đã tạo nên cơn sốt xem phim này và những cuộc tranh cãi lại tiếp tục nổ ra về quyết định cấm của Cục Điện Ảnh. Một phía cho rằng phim không phải là quá bạo lực nếu như so với những bộ phim xã hội đen Hong Kong từng được lưu hành rộng rãi, một số khác lại cho rằng những cảnh bạo lực và câu chuyện vô nghĩa trong phim sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ của giới trẻ. Bụi Đời Chợ Lớn cho đến bây giờ vẫn là một vết xước âm ỉ, nó khiến cho bất cứ đạo diễn nào cũng phải e dè khi muốn làm một bộ phim về đề tài này và có nhiều yếu tố bạo lực trong đó.
Chàng Trai Năm Ấy
Một trường hợp đặc biệt và cũng là trường hợp may mắn nhất, Chàng Trai Năm Ấy, một bộ phim thần tượng của đạo diễn Quang Huy, bị hoãn chiếu rồi được cấp phép chiếu trở lại. Phim bị hoãn chiếu do dính phải nghi án “đạo nhạc”. Bài hát nhạc phim Chắc Ai Đó Sẽ Về của Sơn Tùng MTP bị cho là đạo nhạc dựa trên ca khúc Because I Miss You của Jung Yong Hwa.
Và Chàng Trai Năm Ấy cũng là bộ phim duy nhất thoát được “án treo” mà trở về đàng hoàng đĩnh đạc trong vòng tay của người hâm mộ điện ảnh, trong niềm vui mừng của fan hâm mộ Sơn Tùng M-TP khi phía Hàn Quốc lên tiếng “không cho rằng bài hát Chắc Ai Đó Sẽ Về đạo nhạc”. Một kết cục có hậu cho những nỗ lực không mệt mỏi của đoàn phim để cho đứa con tinh thần của mình có thể đến được với công chúng.
Chàng Trai Năm Ấy là một điểm sáng, như với câu chuyện “tái ông thất mã”, “trong họa lại có phúc”, “hết cơn bi cực đến hồi thái lai”. Một hiệu ứng lan truyền khủng khiếp từ những tin tức khi bộ phim bị hoãn chiếu, thêm rất nhiều người biết đến phim. Và kết quả là hầu hết các rạp đều cháy vé trong những ngày đầu năm 2015 khi bộ phim được chính thức công chiếu trên toàn quốc. Ngoài ra, những bình luận đánh giá của những chuyên gia cũng dành những lời khen tích cực cho phim này. Bộ phim thần tượng của Quang Huy đang tạo cơn sốt và trên đường bứt phá những kỷ lục của phim Việt, âu cũng là điều đáng mừng sau những nhọc nhằn mà Chàng Trai Năm Ấy phải trải qua.