Năm 2006, sự kiện về cậu bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi rồi bị thú vật ăn mất bộ phận sinh dục và một chân đã gây chấn động dư luận. Trong suốt thời gian từ đó đến nay, công chúng vẫn luôn dõi theo những thông tin về cậu bé được mệnh danh là "chú lính chì dũng cảm" này.
Lửa Thiện Nhân là bộ phim tài liệu cảm động về cậu bé Phùng Thiện Nhân, được thực hiện bởi nhà báo Đặng Hồng Giang. Mặc dù phim chỉ dài 77 phút, nhưng bản thân nó lại tốn mất của anh Giang và gia đình mẹ nuôi bé Thiện Nhân hàng năm trời. Với chất liệu đời thực nhưng nhiều bất ngờ không thua gì tiểu thuyết, phim mang đến cho người xem những tình tiết chân thực nhất, dõi theo hành trình vượt lên số phận đầy nghiệt ngã của cậu bé gốc Quảng Nam.
Câu chuyện đầy nước mắt của Thiện Nhân
Bộ phim tài liệu bắt đầu bằng trích đoạn được tái dựng, tại hiện trường Quảng Nam nơi một gia đình phát hiện ra một em bé sơ sinh bị bỏ rơi trong rừng và đưa em đi cấp cứu. Cái tên Thiện Nhân cũng do chính các y bác sĩ đặt cho em với hy vọng sau này em sẽ là một cậu bé lương thiện và làm được nhiều việc tốt. Quả nhiên, số phận đã phần nào mỉm cười với Thiện Nhân khi em được nhận nuôi bởi gia đình của chị Mai Anh.
Sự tinh nghịch của một bé trai chập chững biết đi, trong trường hợp thiếu hụt về thể chất của Thiện Nhân, khiến ai cũng phải nặng lòng. Hành trình tìm nơi có chân giả tương thích để lắp cho Nhân qua từng độ tuổi đã là một khó khăn, nhưng thử thách hiểm nghèo nhất vẫn là tái tạo lại bộ phận sinh dục cho cậu.
May mắn thay, trong vô kể chuyến bay xuyên Thái – Mỹ - Italy để tìm “thuốc tiên”, em không hề cô độc. Còn có cô Na Hương, bố đỡ đầu Grieg Craft cùng vị bác sĩ đáng kính Roberto DeCastro, những người không phải ruột thịt nhưng lại lo lắng cho từng nhịp thở cho Nhân. Nhưng trên tất cả, đó chính là mẹ Mai Anh. Lửa Thiện Nhân luôn chực chờ để khiến khán giả nao lòng, mắt ngân ngấn nước, với hình ảnh người mẹ lần này qua lần khác nắm chắc thành xe đẩy để đưa con vào phòng mổ. Để rồi sau khi “chiến binh nhỏ” Phùng Thiện Nhân mở mắt dậy trong ca mổ cuối cùng quyết định vận mệnh, cảm xúc trào dâng khi em bẽn lẽn nói: "Lớn lên, con sẽ chăm sóc cho mẹ".
Nhưng đó mới chỉ là phân nửa của một cậu chuyện ly kỳ. Sự thành công trong ca mổ cấy ghép bộ phận sinh dục của Thiện Nhân đã khích lệ và mang đến tia hy vọng cho những ông bố, bà mẹ có con sinh ra với hoàn cảnh tương tự. Cùng với Grieg Craft và Na Hương, chị Mai Anh đã cần mẫn ngồi trả lời từng dòng thư mà phụ huynh của các bé bệnh nhân gửi về.
Lúc này, mạch phim đổi hướng và không còn tập trung nhiều vào Thiện Nhân nữa mà nói thêm về bác sĩ Roberto DeCarlos. Sau khi chữa thành công cho Thiện Nhân, ông tìm ra niềm vui của đời mình, lặn lội đến Việt Nam để giải quyết các ca bệnh về bộ phận sinh dục cho những em nhi đồng khác mà không đòi hỏi bất cứ chi phí nào. Cũng chính ông đã tận tình truyền đạt các kiến thức của mình với bác sĩ Việt Nam, với niềm tin trong tương lai không xa thì khiếm khuyết về bộ phận sinh dục không còn là vấn đề nan giải. “Quỹ Thiện Nhân” cũng được lập nên từ đấy, kêu gọi lòng hảo tâm trên khắp thế giới để hỗ trợ kinh phí cho bác sĩ DeCarlos chữa bệnh.
Ngọn lửa không bao giờ tắt của "chú lính chì dũng cảm"
Dù có một trải nghiệm đầu đời khắc nghiệt hơn cả rất nhiều người lớn, theo lời từ mẹ Mai Anh thì luôn có một ngọn lửa cháy không ngừng nghỉ trong đôi mắt Thiện Nhân. Mỗi bức hình chụp em đều có gương mặt của một cậu bé lạc quan, quả cảm, dám mở to mắt không sợ hãi trước bất kỳ ai. Thiết nghĩ nếu không nhận ra sự thiếu hụt của một đôi chân của cậu, nhiều người không biết rằng Thiện Nhân đã có một “tuổi thơ dữ dội” đúng theo nghĩa đen. Phùng Thiện Nhân được báo đài, công chúng ví như thiên thần, nhưng thiên thần ấy vốn đã không thể bay cao nếu thiếu bóng những người “chắp cánh”. Người xem phim tài liệu về cuộc đời Nhân thấy được ý chí sinh tồn của em, nhưng cũng nhận ra người hùng thực sự trong cậu chuyện là những người lớn đã cùng em vượt qua chặng đường dài đầy gai nhọn.
Đạo diễn/nhà báo Đặng Hồng Giang chia sẻ, để có được những thước phim chân thực nhất về bé Phùng Thiện Nhân anh đã phải mất 3 năm ở bên cạnh gia đình. Anh cho biết: “Để làm phim hiện thực, người đạo diễn phải sống cùng, ăn cùng nhân vật. Có thể ban đầu nhân vật khó chịu nhưng phải có thời gian, có khi là cả ngày tôi mới bắt được một chi tiết, để nhân vật bật ra cái tôi của mình".
Chị Mai Anh, khi xem bộ phim cũng không giấu được xúc động. Chị chia sẻ: “Chính bản thân tôi xem cũng thấy xúc động, dù cũng phải xin lỗi đạo diễn Hồng Giang là khi anh đeo bám gia đình tôi, áp lực của người mẹ ba con, còn bao nhiêu công việc, có lúc tôi cũng cáu, cũng bực bảo sao anh làm phim lâu thế".
Lửa Thiện Nhân không chỉ là một phim tư liệu, nó như một cuốn sách được chuyển thể thành phim, với đầy đủ tình tiết, nút thắt và yếu tố lay động lòng người. Bộ phim đã được chọn chiếu khai mạc tại Liên hoan phim độc lập New York 2014 và là phim đại diện cho Việt Nam trong chùm phim “Panorama - điện ảnh thế giới chọn lọc” tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2014.
Đạo diễn Hồng Giang cũng rất vui mừng khi thấy rằng rất nhiều khán giả ở phương Tây đã xúc động trước bộ phim của anh. Không những thế, vị đạo diễn cũng chỉ có một ước mơ giản dị: "Xem bộ phim rồi, khán giả sẽ cùng vui sống, nhân ái và yêu thương". Có lẽ, đó cũng là cảm xúc của bất cứ ai khi biết đến "câu chuyện cổ tích" kỳ lạ, đau thương và sức sống mãnh liệt cậu bé Phùng Thiện Nhân cùng người mẹ nuôi nhân ái, giàu nghị lực hiếm có của cậu.
Lửa thiện nhân đang được công chiếu trên hai cụm rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Hà Nội) và cụm rạp Tân Sơn Nhất (Phổ Quang, Trường Sơn, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).