Giới xã hội đen luôn phức tạp, đầy ân oán, máu me, tù tội và không thiếu những số phận khắc nghiệt. Trong giới giang hồ, có lẽ giang hồ Hải Phòng là khét tiếng nhất. Dung Hà là một cái tên khó ai có thể quên khi nhắc đến ông trùm Năm Cam. Đó là người đàn bà đất Cảng đối đầu với ông trùm xã hội đen Sài Gòn.
Hương Ga tái hiện lại cuộc đời bà trùm này một cách chân thực nhất, dưới góc nhìn cảm thông nhưng không thiếu sự dữ dội.
Nhưng hãy quên câu chuyện của Dung Hà đi, vì đạo diễn Cường Ngô chỉ dùng câu chuyện đó làm nền tảng để kể một câu chuyện khác (kết hợp với tiểu thuyết Phiên bản của Nguyễn Đình Tú). Diễn biến trong phim Hương Ga vì vậy cũng có nhiều tình tiết khác với những gì chúng ta đã biết, một điều tạo nên sức hấp dẫn mới mẻ cho bộ phim. Câu chuyện về một người đàn bà lừng danh đất Sài Gòn, "người trong giang hồ" chính hiệu.
Nội dung phim đơn giản nhưng vẫn cuốn hút
Câu chuyện phim mở đầu rất dữ dội với rất nhiều trận đâm chém, rồi sau đó bắt đầu dòng hồi tưởng về những ngày tháng xưa cũ, đi vượt biên không thành, rồi buôn bán ở chợ, sau từ từ dấn thân vào giới giang hồ với những người tình mà mỗi người một tính cách. Sau đó, người phụ nữ ấy gặp "anh lớn" của Sài Gòn, quyết định vào Nam phát triển "sự nghiệp". Những mất mát, những trận chiến, những cuộc tranh giành đã tạo nên bà trùm Hương Ga.
Nhìn chung thì nội dung phim theo mô-tuýp quen thuộc và không có nhiều bất ngờ cho khán giả, ai cũng đoán được diễn biến tiếp theo như thế nào và kết thúc ra sao. Người xem chủ yếu quan tâm đến cách giải quyết vấn đề, không khí của những trận đánh đầy bạo lực, những màn đấu tay đôi mạnh mẽ. Và
Hương Ga đã không làm cho khán giả thất vọng khi truyền tải được hầu hết những điều đó.
Nhịp phim nhanh, lột tả cuộc đời của Hương Ga
Đạo diễn Cường Ngô đã đẩy nhịp phim lên khá nhanh, với rất nhiều tình tiết sự kiện diễn ra, mọi thứ diễn biến thay đổi rất nhanh chóng, cũng như rất nhiều nhân vật xuất hiện liên tục (thậm chí có khi bạn không kịp nhớ tên họ). Người xem dõi theo từng câu chuyện đời của Hương Ga (
Trương Ngọc Ánh đóng) với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: thương cảm, phấn khích, giận dữ, buồn bã, bình lặng… Một bộ phim mang đến rất nhiều cảm xúc.
Cao trào của phim chỉ đến khi người chồng của Hương Ga, Tùng Hero (
Kim Lý) vào tù và bị tử hình, một mình Hương Ga chèo chống với đám xã hội đen nanh sói ở Sài Gòn, giành từng vũ trường, từng sòng bạc và tạo nên tên tuổi của mình, khiến cho "anh lớn" phải quyết định ra trừ khử. Ngoài ra thì trong suốt bộ phim đan xen là những cuộc chiến kiểu giang hồ đầy tàn bạo và thu hút người xem.
Đánh đấm tốt và tạo hình ấn tượng
Võ thuật trong phim xã hội đen là một phần rất quan trọng. Với phim này, người xem đã có thể thỏa mãn với những pha cận chiến mạnh mẽ, những màn đánh võ tốt của cả diễn viên phụ lẫn diễn viên chính. Nhóm cascadeur Quốc Thịnh phụ trách phần võ thuật cho phim này đã làm rất tốt.
Tạo hình của các nhân vật trong phim rất ấn tượng, nhất là vai của
Trang Trần và
Hiếu Nguyễn. Trang Trần đúng kiểu giang hồ chợ búa và Hiếu Nguyễn đậm chất đểu cáng, nhất là ở đầu phim với bộ ria mép cùng với chất giọng Bắc đã thể hiện rõ bản chất của nhân vật mình đóng. Hương Ga tạo hình đẹp nhưng đôi lúc thấy hơi hiền.
Diễn xuất của dàn diễn viên chính quá tốt
Trương Ngọc Ánh trong vai chính là bà trùm Hương Ga. Cô thể hiện được độ chín trong diễn xuất của mình, những cảnh bị cưỡng hiếp đầu phim khiến cho khán giả đau xót, những lúc ngu ngốc tin vào tình yêu của gã giang hồ đểu khiến người xem thương cảm, những khi cô phẫn nộ bùng lên lại khiến khán giả nghẹt thở. Có thể nói, Trương Ngọc Ánh đã tái hiện tốt vai bà trùm xã hội đen, cả phong cách lẫn thần thái, duy chỉ có đẹp quá là hơi phi thực tế một chút. Ngoài ra thì vai này còn thiếu độ tàn bạo và hiểm độc, một đặc trưng thường có của trùm xã hội đen, nếu đạo diễn khắc họa thêm được thì sẽ trở nên hoàn hảo.
Diễn tốt tiếp theo trong phim là 2 trai đẹp "sáu múi": Hiếu Nguyễn và Kim Lý. Mỗi người có một số phận khác nhau và mỗi người đều có cách sống khác nhau. Hưng Mã (Hiếu Nguyễn đóng) chọn kiểu sống vị kỷ, lo cho bản thân mình trước, lúc cần thì người yêu cũng bán, bạn bè cũng cho, đàn em cũng đạp, một kiểu người thường thấy và cũng thường sống rất dai. Hiếu Nguyễn đã làm tốt khi lột tả cảm xúc cũng như cách hành xử của nhân vật này.
Còn Kim Lý, vai anh hùng điển hình thường thấy, trọng nghĩa khí, sống kiêu hùng và đến lúc chết cũng vậy. Dù trong phim không có nhiều đất diễn nhưng Kim Lý vẫn cho thấy được những phẩm chất mà vai này cần có. Khuôn mặt góc cạnh cùng nét phong trần mạnh mẽ đầy thu hút, đây là một diễn viên tiềm năng, có thể sẽ còn tiến thêm nữa trong nghiệp diễn xuất.
Trang Trần có lẽ quá may mắn khi được giao cho vai diễn "đo ni đóng giày", đúng với phong cách bình dân chợ búa, thẳng thẳn và phớt đời, tiếc là không có nhiều đất diễn cũng như không khắc họa được tính cách và mức độ ảnh hưởng của vai này đến Hương Ga.
Chi Bảo trong vai “anh lớn” khá hợp nhưng lại chẳng có gì nhiều để chú ý, giống một vai khách mời hơn là một vai có tầm ảnh hưởng, thiếu sự thâm hiểm cần có như nguyên mẫu Năm Cam.
Harry Lu, thực lòng mà nói thì dạng vai giang hồ không hợp, bởi quá thư sinh và đẹp trai. Tuy nhiên, Châu Điên không hẳn là một tay giang hồ gai góc mà thiên về một đứa em trai trung thành của Hương Ga hơn, nên Harry Lu vẫn thể hiện được hình ảnh gã giang hồ trẻ con nhưng trung nghĩa.
Ngoài ra, trong phim còn có xuất hiện của Long Điền và Ưng Hoàng Phúc, đây cũng là 2 vai gây được sự chú ý của người xem.
Vẫn còn những hạn chế
Việc tái hiện lại cả cuộc đời của Hương Ga, trải dài qua nhiều năm tháng với nhiều tình tiết khiến cho bộ phim hơi rời rạc, thiếu mạch truyện chính để gắn kết tất cả lại. Khán giả được xem nhiều câu chuyện lướt qua nhau nhưng không thể mường tượng câu chuyện chính, điều chính yếu của phim là gì. Nếu có thể rút một số tình tiết và làm sâu hơn các tình tiết còn lại, tạo mối liên hệ chặt chẽ cho toàn bộ phim thì chắc chắn phim sẽ hay hơn rất nhiều.
Phần thoại trong phim cũng là một vấn đề. Có đôi chỗ diễn viên thoại như đọc, thiếu cảm xúc và vô hồn, nhất là vai của
Hà Việt Dũng (vai cảnh sát Nhân), có khi khán giả phải bật cười lên vì kiểu thoại như trả bài như thế. Ngoài ra thì hình ảnh và âm thanh trong phim chỉ ở mức tạm được. Nếu bối cảnh là ở thập niên 90 thì một vài hình ảnh trong phim quá hiện đại, hơi chói so với cái bối cảnh ban đầu. Nhạc phim cũng không mấy ấn tượng.
Hương Ga là một bộ phim hay, với đầy đủ các hương vị khác nhau, từ bạo lực đến tình yêu, với đủ các loại người, dạng người trong thế giới xã hội đen đầy khắc nghiệt. Cuộc đời bà trùm đã hiện lên với rất nhiều thăng trầm gai góc. Có lẽ, ở trong giang hồ muốn bước ra ngoài đã khó, muốn vang danh càng khó hơn và muốn giữ tính mạng mình dường như là không thể.