Nếu phần một Hotel Transylvania (Tựa Việt: Khách sạn huyền bí) đã thành công trong việc biến ác quỷ Dracula vốn đáng sợ thành ông bố chiều con gái thì Hotel Transylvania 2 tiếp tục nâng cấp Dracula lên chức…"ông ngoại" và đẩy "Chúa ma" vào những tình huống dở khóc dở cười mới.
Sau khi biết tin mình có cháu, Bá tước Dracula mừng rơn khi sắp có người "nối dõi tông đường" quyền năng ma cà rồng hùng mạnh. Thế nhưng bé Dennis, con của mẹ Mavis và bố Johnny, đã sắp đến sinh nhật 5 tuổi mà chẳng có răng nanh hay việc không thể biến thành dơi như ông và mẹ. Hoảng thần hồn, Dracula đã phải viện cớ đẩy hai vợ chồng trẻ đi Califronia (tất nhiên là có câu kết với Johnny) để cùng “Hội chiến hữu” huấn luyện nhóc tì Dennis thành một ma cà rồng thứ thiệt trước khi quá muộn.
Ở phần một, những ai đã quen với một "Chúa ma" hay cau có và khó tính thì chắc chắn sẽ phải ngỡ ngàng với hình ảnh "ông ngoại của năm" do Drac thể hiện trong phần 2. Drac yêu thương và chăm lo cho Dennis còn hơn cả mẹ Mavis và Johnny, ông sẵn sàng làm mọi thứ để Dennis cảm thấy vui vẻ. Mặc dù nhiều lúc cũng hơi "quá đà" khi thả cậu bé từ trên cao xuống (cho Dennis tập bay) hay hát ru Dennis bằng những bài hát chết chóc và máu me.
Lãnh đạo binh đoàn quái vật là chuyện nhỏ, nhưng dạy cháu “nên người” thì không dễ chút nào! Người xem sẽ phải "cười lăn" với hàng loạt những hành động ngớ ngẩn và vụng về khi ông ngoại Dracula cùng hội bạn gồm Người sói Wayne, Frankenstein, Người vô hình Griffin và Xác ướp Murray tìm cách hướng dẫn Dennis thành quái vật “xịn”.
Một điểm cộng ngay từ phần một là hệ thống quái vật phong phú, sáng tạo trong khách sạn của Dracula thì nay cũng được phát huy. Phim bổ sung thêm được nhiều “ma mới” ấn tượng dựa trên những nhân vật trong các phim kinh dị cổ điển như quái vật Gargoyle, người thạch Blobby, thậm chí có cả… Bóng ma nhà hát Opera. Song song đó, tuyến “ma cũ” không hề tỏ ra thua kém, với hai nhân vật thường xuyên “chiếm màn ảnh” trong phần này là Blobby và Murray bởi sự độc đáo từ tạo hình cho đến tính cách. Bản thân bé Dennis cũng rất đáng yêu, khiến những khán giả khó tính nhất cũng phải mềm lòng với mái tóc xoăn cùng đôi mắt to tròn tinh nghịch.
Sở hữu một dàn nhân vật đáng yêu và hài hước như vậy nhưng kịch bản của phần 2 này lại không được trau chuốt như phần đầu. Các nhà biên kịch đã quá tập trung vào việc "ma cà rồng hóa" của Dennis mà quên luôn hành trình đi về nhà bố mẹ chồng của mẹ Mavis, một trong những tình tiết khá hay nếu được làm kĩ hơn. Bên cạnh đó, các pha gây cười xuất hiện quá nhiều phần nào đã làm loãng các tình tiết trong phim. Sự xuất hiện "vô thưởng vô phạt" của ông cố Vlad ở cuối phim cũng tạo ra cảm giác rằng biên kịch đã "lạc" từ giữa phim.
Ý nghĩa nhân văn phần hai cũng có phần giáo điều hơn hẳn phần một. Nếu trong phần đầu, Dracula đã chịu thừa nhận “ma hay người đều có thể kết thân với nhau”, thì khi đến cuối phim vẫn còn nhập nhằng giữa hai tư tưởng “phải là chính mình” và “phải hòa nhập cộng đồng”. Đến cuối phim, người xem vẫn không khỏi thắc mắc liệu Dennis làm người tốt hơn hay ma cà rồng tốt hơn, và các vị “phụ huynh” đã làm được gì có ích cho thằng bé hay chỉ đơn thuần là “diễn hài”?
Nhìn chung mặt giải trí của Hotel Transylvania 2 đã làm khá tốt, tuy không còn đặc sắc và mới như phần đầu tiên. Bên cạnh đó, phần thuyết minh tiếng Việt của Hotel Transylvania 2 cũng là một điểm cộng khác của phim. Đông Nhi - Ông Cao Thắng đã làm khá tốt việc hóa thân vào cặp vợ chồng son Mavis-Johnny. Nhưng xuất sắc nhất thì phải kể đến phần lồng tiếng của cây hài Hữu Châu trong vai Drac và bé Trọng Khang trong vai Dennis. Những bài hát tiếng nước ngoài hay câu nói đùa được chuyển thành tiếng Việt rất có duyên và chinh phục được cả những khán giả nhỏ tuổi.
Nếu như doanh thu của phần thứ hai này khá khẩm, rất có thể khán giả sẽ được gặp lại Dennis khi cậu bé đã lớn lên trong phần thứ 3 của phim. Hotel Transylvania 2 hiện đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.