(Bài viết có tiết lộ tình tiết trong phim)
Từ những thông tin đầu của dự án Fear the Walking Dead được hé lộ, một câu hỏi mà được rất nhiều fan đưa ra chính là: "Phần phim spin-off này sẽ có gì khác so với phần phim gốc?".
Sau năm mùa phim của The Walking Dead, chúng ta phần nào biết được được bản chất của con người đã xuống cấp tới mức nào trong một thế giới ngập tràn xác sống. Phần lớn những nhân vật xuất hiện trong phim đều bị bản năng sinh tồn làm tha hóa, những người giữ được cái thiện trong mình thì ít nhiều đã bị sứt mẻ trong tâm hồn. Trong Fear the Walking Dead, khán giả mong chờ được chiêm ngưỡng một khía cạnh khác của nhân loại khi họ đứng trên bờ vực của sự diệt vong. Và tất nhiên, series 6 tập này ít ra cũng đã thực hiện điều này một cách khá chỉn chu.
Ngay từ tập đầu tiên của toàn bộ series, khán giả đã cảm nhận được một bầu không khí chậm rãi đang lặng lẽ bao trùm khắp nơi. Những nhân vật chính trong phim giống như đang hướng mặt về phía khán giả mà thử thách lòng kiên nhẫn của họ. Đặc biệt là "bộ ba teen" hết sức cau có của phim.
Alicia (Teen Cau Có số 1) ít ra cũng được xây dựng tính cách dần dần, càng tới những tập sau càng có những tiến triển tích cực về mặt cảm xúc và tinh thần. Chris (Teen Cau Có số 2) thì lại là một sự thất vọng từ phút đầu tới phút cuối. Tuy vậy, Nick (Teen Cau Có số 3/Nghiện thuốc), dù giữ trong mình kha khá tiềm năng, nhưng qua 6 tập phim thì chỉ đơn giản khiến chúng ta thất vọng và nản chí.
Không có sự mới mẻ, đều đều trong suốt mùa phim với gương mặt ảm đạm cùng thái độ khó ở chán đời liên tục, 3 thanh thiếu niên này thật sự là một bước đi khá quanh co của Fear the Walking Dead, khi họ không thực sự thể hiện lên một điều gì đó mới mẻ, mà chỉ phăm phăm mang lên màn ảnh những hình ảnh cũ mèm về “tuổi nổi loạn” mà series nào cũng có.
Dàn thanh thiếu niên là thế, nhưng những người lớn trong phim cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu những khúc mắc tâm lý họ đang phải trải qua, khi bỗng dưng cả thế giới bỗng đổ sụp xuống. Bị ràng buộc giữa bổn phận, tình yêu và bản năng con người, những nhân vật trong phim đã phải vật vã qua từng tập, khi càng ngày nỗi lo trong họ càng lớn dần và đang sẵn sàng nuốt chửng lấy chính họ. Thế nhưng, suốt cả bộ phim, những gì họ làm là ra lệnh cho bọn trẻ, đập bàn đập ghế, lăn ra khóc, gây thù chuốc oán và cuối cùng là lại không biết mình vừa làm gì sai.
Có thể dễ dàng nhận ra, các biên kịch của phim đã đi
quá xa trong những gì họ đã thành công với The Walking Dead. Cùng một thế giới,
cùng một vấn đề nhưng ở những thời điểm khác nhau, thì việc áp dụng triệt để
duy nhất một công thức lại là điều không nên làm và rất dễ gây phản tác dụng.
Tuy vậy, nửa đầu
của series cũng đã là một khởi đầu khá tốt. Với bối cảnh là vùng ngoại ô thưa dân
cư với sự cảnh giác gần như bằng không, thì việc đưa vào đó một chút nguy hiểm, cũng
đã tạo cho phim một bầu không khí đặc quánh đầy rùng rợn. Thay vì những cảnh chém
giết đầy điêu luyện trong The Walking Dead, “người anh em” này lại mang tới những
giây phút hỗn loạn đầu tiên đầy âm ỉ, khi nút cao trào là một gia đình cố gắng
giết chết một con xác sống khi tâm trí còn đang ở bờ vực của sự sợ hãi cũng như
nghi ngờ.
Sang tới nửa sau
của phim, mọi thứ bỗng trở nên vượt quá tầm kiểm soát. Quân đội chiếm đóng với hàng tá mệnh lệnh, hàng rào và binh lính là những
điều mà phim thây ma nào cũng có. Hơn nữa, việc nhảy cóc thời gian giữa hai tập
phim 3 và 4 đã không hề cho chúng ta thấy các nhân vật đã thích nghi với hoàn cảnh
như thế nào (khi ta xem tới tập 4 thì họ đã quen hết rồi). Những tập cuối của
phim mang lại một sự gấp rút khá vội vã, thiếu đầu tư khi chúng ta gần như chẳng
biết gì về cái cộng đồng mới thành lập, mà bỗng nhiên phải chấp nhận nó như một
sự thật hiển nhiên.
Và rồi, chúng ta
có thể thảo luận về vấn đề nhân văn của phim. Có lẽ câu chuyện nhân văn sẽ được
coi nhẹ đối với The Walking Dead, một bộ phim nơi giết chóc chính là giải pháp
cho tất cả, và nếu bạn không dám thực hiện điều đó, thì bạn sẽ là kẻ tiếp theo
phải ra đi, bởi đơn thuần đây là những điều tất yếu sẽ xảy ra hậu khải huyền.
Tuy nhiên, xã hội trong Fear the Walking Dead chưa bao giờ thực sự suy sụp. Chính
vì vậy, những phân đoạn bắt cóc, tra tấn, đập nhà đập cửa bất thình lình của các
nhân vật không thật sự toát lên sự dằn vặt đau khổ trong tâm can vốn được các
nhà làm phim gửi gắm, mà đơn thuần chỉ khiến người xem phân vân và khó hiểu. Thậm
chí ở tập cuối, để giải cứu 2 người (không gặp nguy hiểm), họ chấp nhận phá hoại
và thậm chí là thả một rừng xác sống vào khu dân cư của cả trăm người vô tội khác.
Lý giải cho hành
động này, chỉ có thể là do đạo diễn muốn tạo một “cú nổ” lớn vào tập cuối, bù đắp
cho 5 tập phim dài lê thê trước đó. Tuy nhiên, sự hấp tấp trong việc kết thúc một
mùa phim quá ngắn ngủi đã đẩy Fear the Walking Dead vào một nhịp đập không đều,
không có sự thống nhất cũng như hài hòa giữa các phân đoạn, và kết quả là lúc
“lên” thì chưa tới, mà lúc “xuống” thì chỉ muốn khóc. Giá như bộ phim có 12 hoặc
16 tập như The Walking Dead để xoay xở và điều chỉnh, thì có lẽ cường độ của
phim sẽ được dàn trải hơn, mượt mà hơn và hiệu quả hơn.
Chỉ với 6 tập phim ngắn ngủi, bộ phim chấm dứt mùa đầu tiên của mình với phản hồi khá tích cực từ giới chuyên môn (hơi tích cực từ phía khán giả), và thậm chí đã được đặt hàng thêm mùa phim thứ 2 kể từ phim mùa 1 còn chưa được ra mắt. Kết thúc của Fear the Walking Dead không đặt ra quá nhiều vấn đề cho cốt truyện mùa hai, song nó cũng giống như một nốt nhạc nhẹ nhàng kết thúc một bài hát có quá nhiều trường đoạn. Thế giới của phim đã đi vào loạn lạc, đường phố đã trống trơn, xác sống đã bắt đầu mục rữa và lởn vởn khắp nơi, và chúng ta có trong tay một “gia đình” đã vừa quen với câu chuyện khải huyền, sẵn sàng làm mọi thứ để sinh tồn và bảo vệ lẫn nhau, mặc cho bao tai ương còn kéo tới.