Cùng mổ xẻ "con quỷ" đứng sau làng drama Hàn

TaurusW, Theo 00:00 28/12/2010
Chia sẻ

"Con quỷ" này có tên là "rating" và nó là công cụ đặc biệt chi phối toàn bộ làng phim Hàn Quốc!<img src='/Images/EmoticonOng/14.png'>

Hàn Quốc có 3 đài truyền hình lớn là KBS, SBS và MBC cùng một vài kênh truyền hình cáp như Mnet. Trái với khán giả Việt Nam được xem một số kênh miễn phí, khán giả Hàn Quốc phải bỏ tiền ra để xem các chương trình truyền hình. Trung bình mỗi hộ gia đình sẽ phải trả số tiền dao động trong mức 7000 won (7 USD) mỗi tháng. Với số tiền này, họ có thể thưởng thức những chương trình của cả 3 đài và các gia đình đóng tiền qua công ty dịch vụ. Chính vì khán giả phải bỏ tiền ra để xem phim nên các nhà đài rất coi trọng đến thị hiếu, nhu cầu của người xem, để sản xuất ra những chương trình với mục tiêu “đắt khách”.


Rating là gì?

Nếu bạn là một fan của drama Hàn, chắc hẳn từ “rating” đã trở nên quen thuộc gắn liền với từng bộ phim. Rating là từ chỉ tỷ suất bạn xem đài của một chương trình, dựa vào rating mà các nhà sản xuất, chuyên môn có thể đánh giá được tác phẩm đó ra sao, có được khán giả yêu thích hay không. Đối tượng mà các bộ phim truyền hình hướng đến chính là khán giả màn ảnh nhỏ, bởi vậy nhu cầu, ý kiến của người xem là điều quan trọng đối với các nhà đài.

2 hệ thống đo rating của Hàn Quốc là AGB và TNS có từ năm 2000 và duy trì cho đến nay. Việc tiến hành đo rating rất quan trọng với nhà đài và nhà sản xuất bởi 2 yếu tố chính: khán giả và thương mại.


Về mặt khán giả, nhà đài lấy rating như một thước đo thị hiếu của khán giả qua từng thời kỳ, thời điểm. Họ sẽ biết được khán giả muốn xem chương trình gì và “tẩy chay” bộ phim nào. Nếu không có rating, các đài truyền hình sẽ chỉ sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình mà họ nghĩ là khán giả sẽ đón xem chứ không có những số liệu thống kê xác thực.

Về mặt thương mại, kinh doanh, các đài truyền hình có thể kiểm soát được hiệu quả cũng như mức độ thỏa đáng về mức giá quảng cáo mà họ đưa ra cho những doanh nghiệp muốn quảng cáo sản phẩm của mình trên truyền hình. Tất nhiên, các doanh nghiệp lớn sẽ muốn sản phẩm của họ được xuất hiện trong những khung giờ vàng, có nhiều người theo dõi nhất, và theo đó, mức giá quảng cáo sẽ được phân chia phù hợp. Ngoài ra, dựa vào các con số phân tích, các doanh nghiệp sẽ biết được đối tượng mà sản phẩm của họ hướng đến.

Các công ty như TNS hay AGB điều tra rating như thế nào?



Tất nhiên, các công ty trên không thể tiến hành điều tra tỉ lệ bạn xem đài trên phạm vi toàn đất nước Hàn Quốc. Việc điều tra được tiến hành chọn lọc ở các thành phố lớn với dân số đông như thủ đô Seoul, thành phố Busan, Daegu, Daejeon, Kwangju... Trước khi tiến hành điều tra rating, các công ty tiến hành điều tra sơ bộ về số lượng TV mà một hộ gia đình sở hữu, thu nhập, giới tính, độ tuổi của các thành viên trong gia đình đối với khoảng 25.000 hộ dân trong khu vực điều tra rồi sau đó lựa chọn ra số ít các hộ gia đình (các panel) có thể đại diện cho người xem trong cả nước. Công ty TNS tiến hành điều tra với 2.000 hộ (panel) và công ty AGB tiến hành điều tra với 2,350 hộ (panel).

Sau khi đã lựa chọn được các hộ panel (các hộ sẽ tiến hành điều tra rating), công ty điều tra sẽ đến từng hộ gia đình để cài đặt một thiết bị điều tra nhỏ gọi là People meter vào các thiết bị thu sóng trong gia đình đó (TV).


Số liệu rating của TNS

Đồng thời, mỗi thành viên trong gia đình thuộc đối tượng điều tra sẽ được công ty điều tra cấp cho một con số cố định, mỗi khi bắt đầu xem chương trình, họ sẽ nhấn số cố định đó vào bộ handset của riêng mình. Và khi không xem nữa, họ phải nhấn off ở handset. Bộ handset này được nối với people meter cài ở TV. Như vậy, vào thời điểm nào, người nào (nam hay nữ, độ tuổi bao nhiêu) xem chương trình gì, tất cả thông tin đều được truyền về trung tâm xử lý dữ liệu của công ty điều tra. Công ty điều tra sẽ căn cứ vào đó để tính rating cho các chương trình. Rating càng cao chứng tỏ số người xem càng nhiều, mức độ quan tâm đến chương trình lớn.

Ai được hưởng lợi từ rating?

Nếu phim điện ảnh được coi là thành công hay không nhờ vào phòng vé thì với phim truyền hình, rating chính là thước đo đánh giá. Khán giả chính là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ rating, bởi vì họ là đối tượng chính của phim truyền hình và phải bỏ tiền ra xem phim nên chắc chắn không ai muốn phí tiền của vào những bộ phim tẻ nhạt, hời hợt, đó là về mặt kinh doanh. Còn với một bộ phim có rating cao, thu hút phần đông khán giả có nghĩa là tác phẩm đó đã đáp ứng được nhu cầu người xem, được được yêu thích rầm rộ.


Rating của tuần

Nhà đài cũng sẽ được lợi! Hiện nay ở Hàn Quốc có thể chia thành hai đối tượng sản xuất phim ở Hàn Quốc. Một là, các đài truyền hình trực tiếp đứng ra làm phim rồi phát sóng trên kênh truyền hình của đài. Hai là, các công ty chế tác bên ngoài trực tiếp sản xuất rồi bán lại cho đài truyền hình. Hầu hết các drama hiện nay được sản xuất theo cách thứ 2.

Với các bộ phim do công ty chế tác bên ngoài, đài truyền hình sẽ tính toán chi phí sản xuất, chi phí cho ê kíp làm phim (đạo diễn, diễn viên...) đối với từng tập phim rồi trả cho công ty sản xuất. Hay có thể nói cách khác là, nhà đài mua lại phim của công ty chế tác. Giá cho một tập phim rất đa dạng, dao động từ 5 triệu won (tương đương gần 5.000 USD) đến 100 triệu won.


Nếu bộ phim có rating cao hoặc thậm chí chưa được phát sóng nhưng được chú ý nhờ dàn diễn viên, đạo diễn, biên kịch thu hút được nhiều khách hàng mua bản quyền phát sóng. Nhà đài sẽ là người đầu tiên được hưởng quyền bán phim trước với lý do, nhà đài bỏ tiền ra mua phim để phát sóng nên cũng được quyền bán phim. Quyền ưu tiên này kéo dài trong khoảng từ 2~3 năm, và trong khoảng thời gian đó, công ty chế tác không thể bán phim theo ý mình. Tuy nhiên, nếu công ty chế tác bán được phim thì phải chia đôi lợi nhuận với nhà đài.

Ngoài ra, nếu trong quá trình làm phim cần trường quay riêng, công ty chế tác tiến hành xây dựng. Sau đó, có thể thu lợi nhuận bằng cách biến khu trường quay này thành điểm thu hút khách du lịch. Điển hình là drama Bản tình ca mùa đông năm 2002, cảnh quay lãng mạn của Bản tình ca mùa đông đã trở thành khu du lịch yêu thích của các du khách đến Hàn Quốc.

Chuyện tình Paris - một trong những bộ phim có rating cao của Hàn Quốc

Rating còn quyết định mức chi phí tiền chế tác cho một tập phim, nếu tập phim có rating cao nhất (trong số các phim phát sóng cùng giờ) sẽ được trả chi phí sản xuất tới 150 triệu won/tập, bên cạnh đó nếu phim có rating cao, giá quảng cáo vào trước giờ chiếu sẽ đắt hơn.

Với một bộ phim có rating cao, dàn ekip làm phim, diễn viên sẽ được báo đài biết đến và được nhắc đến nhiều. Nhờ rating cao, tên tuổi của ekip, diễn viên đó cũng vì thế sẽ tăng thêm, có uy tín hơn và được các nhà sản xuất “săn đón”. Điển hình là drama cổ trang Chuno của bộ đôi đạo diễn Kwak Jung Hwan - biên kịch Chun Sung Il sở hữu mức rating cao nhất trong đầu năm với tỷ suất bạn xem đài trung bình là 31,7%. Chuno được khen ngợi về nội dung hấp dẫn, kịch tính, cảnh quay hoành tráng đẹp mắt, diễn xuất của nam diễn viên chính Jang Hyuk trong vai anh chàng săn nô  lệ mạnh mẽ, kiên quyết nhưng si tình đã chinh phục được khán giả. Trong các cuộc bình chọn, khảo sát cuối năm, Chuno là drama được đánh giá cao nhất. Bản thân Jang Hyuk cũng được coi là diễn viên xuất sắc của năm.


Jang Hyuk trong Chuno

Ngoài Chuno, drama kết hợp đề tài gia đình, làm bánh King of Baking, Kim Tak Goo được coi là drama gây bất ngờ nhất trong năm nay khi đạt rating trung bình 38,6% - trở thành bộ phim có tỷ suất xem đài cao nhất 2010. Tham gia King of Baking, Kim Tak Goo đều là những diễn viên mới, thậm chí nhân vật chính Yoon Shi Yoon chỉ mới tham gia sitcom High Kick Through The Roof và phim Death Bell 2, còn anh chàng đóng vai đối thủ của Yoon Shi Yoon Joo Won thì đây lại là tác phẩm đầu tiên của anh.

Sau sự thành công của King of Baking, Kim Tak Goo, tên tuổi của Yoon Si Yoon Joo Won được nhắc đến nhiều, trở thành những diễn viên tiềm năng hứa hẹn của phim ảnh Hàn Quốc


Yoon Si Yoon và Joo Won

Lời kết

Vài năm gần đây, những bộ phim truyền hình Hàn đang có chiều hướng giảm rating, thời đại vàng của Kdrama trở nên khá xa vời khi hiếm có những drama rating lên đến 40%, 50%. Sự đầu tư, trau chuốt về mặt hình ảnh, diễn viên mà kém chú trọng đến kịch bản đã khiến bộ phim không đạt rating cao, đặc biệt là những drama thần tượng hay chuyển thể từ truyện tranh - xu hướng khá hot hiện nay.


Mối tình đầu - bộ phim có rating cao nhất trong lịch sử drama Hàn.

Trong khi có rất nhiều các khán giả (mà đặc biệt là đến từ các quốc gia Châu Á ngoài Hàn Quốc) đánh giá thấp về rating thì tại Hàn Quốc, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng của truyền hình, không đơn thuần đánh giá tỷ lệ bạn xem đài mà nó còn phản ánh được xu hướng, thị hiếu của khán giả để các nhà sản xuất qua đó sẽ phát triển thêm những tác phẩm của mình, như một ý kiến cho rằng “Mặc dù rating không thể đánh giá hết được chất lượng drama nhưng tôi chưa bao giờ phải thất vọng khi thưởng thức một bộ phim có rating cao”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày