Chiến dịch tẩy chay Oscar của những diễn viên da màu gây tranh cãi

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 24/01/2016
Chia sẻ

Cũng điểm lại những tranh cãi xoay quanh chiến dịch tẩy chay Oscar 88 của các diễn viên da màu.

Ngay khi Oscar 88 công bố các đề cử, hashtag #OscarSoWhite (Oscar da trắng) lại được dùng để thể hiện sự bất công về sắc tộc. Cũng như năm ngoái, không có người da màu nào xuất hiện trong 20 đề cử của 4 hạng mục diễn xuất. Những bộ phim có sự tham gia của nhiều người Mỹ gốc Phi như Straight Outta Compton, Creed hay Beasts of No Nation đều bị Viện hàn lâm ngoảnh mặt làm ngơ.

Chiến dịch tẩy chay

Căng thẳng leo thang trong những ngày tiếp theo, và người bắn phát súng đầu tiên là Jada Pinkett Smith. Trên Twitter, vợ của Will Smith cho rằng người da màu hiếm khi được công nhận vì những thành tựu của mình, và gợi ý đến việc không tham dự Oscar. Vào ngày sinh nhật của nhà hoạt động Martin Luther King Jr., (18/1), Jada chia sẻ một video trên Facebook, chính thức kêu gọi việc tẩy chay Oscar.

Chiến dịch tẩy chay Oscar của những diễn viên da màu gây tranh cãi - Ảnh 1.

"Viện hàn lâm có quyền công nhận bất kỳ ai họ chọn. Mời bất kỳ ai họ chọn. Và giờ tôi nghĩ trách nhiệm của chúng ta là thay đổi điều đó."

Tuyên bố đầy tranh cãi của bà Smith nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng da màu. Cùng ngày hôm đó, đạo diễn Spike Lee (người được trao Oscar danh dự vào năm ngoái) cũng cho biết sẽ không đến dự lễ trao giải. Cùng quan điểm phản đối là nam diễn viên David Oyelowo từng thủ vai Martin Luther King, Jr. trong Selma. Thậm chí, MC sắp tới của Oscar là Chris Rock cũng bị nhiều người châm chọc và kêu gọi rút lui.

Ở bên kia đại dương, Idris Elba chia sẻ quan điểm trước Quốc hội Anh một cách nhẹ nhàng hơn. Nam diễn viên của Beasts of No Nation thổ lộ rằng anh đến Hoa Kỳ vì đây là quốc gia có chính sách đa dạng hơn hết, và đó cũng chính là giấc mơ Mỹ, nhưng khoảng cách từ giấc mơ đến hiện thực lại là một vấn đề.

Chiến dịch tẩy chay Oscar của những diễn viên da màu gây tranh cãi - Ảnh 2.

Oscar năm nay sẽ vắng bóng tài tử "Men in Black"

Thông cáo mang tính chất hòa giải của Chủ tịch Viện hàn lâm Cheryl Boone Isaacs (một người da màu) dường như không làm tình hình dịu bớt. Chủ nhân tượng vàng Oscar Lupita Nyong’o thẳng thừng tuyên bố cô thất vọng về sự thiếu sót trong các đề cử năm nay. Mới đây nhất, nam tài tử Will Smith cũng tiếp bước vợ mình và tẩy chay giải Oscar. Anh từng được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng ở hạng mục Nam diễn viên chính với Concussion, nhưng rồi thậm chí còn không được đề cử. Trong quá khứ, Smith từng được hai lần đề cử nhưng anh chỉ nhận rằng mình chỉ thua hai diễn viên da màu khác là Denzel Washington và Forest Whitaker.

Trong các diễn viên da trắng, George Clooney cũng đề cập đến sự thụt lùi của Oscar. Trả lời phỏng vấn cho Variety, anh nói 10 năm trước số người Mỹ gốc Phi được đề cử còn cao hơn bây giờ. Theo nam diễn viên Tomorrowland, vấn đề nằm ở chỗ có bao nhiêu cơ hội dành cho những nhóm người thiểu số trong các tác phẩm chất lượng cao? Mark Ruffalo cũng chia sẻ quan điểm này, nhưng anh tuyên bố sẽ vẫn đến dự Oscar để ủng hộ những nạn nhân bị xâm hại tình dục (thể hiện qua bộ phim Spotlight).

"Đế chế phản công"

Với 82 năm tuổi đời, 60 năm cống hiến cho môn nghệ thuật thứ bảy cùng sáu lần được đề cử Oscar, mỗi khi Michael Caine cất tiếng, cả Hollywood lắng nghe. Trả lời phỏng vấn cho BBC, dù ca ngợi diễn xuất của Idris Elba, nam diễn viên vẫn bảo người da đen phải kiên nhẫn, và rằng ông sẽ không bình chọn cho một diễn viên chỉ vì màu da.

Chiến dịch tẩy chay Oscar của những diễn viên da màu gây tranh cãi - Ảnh 3.

"Có rất nhiều diễn viên da đen, tôi nghĩ rốt cục bạn không thể bầu chọn cho một diễn viên chỉ vì họ da đen. Bạn không thể nói rằng: Tôi sẽ bầu cho anh ta, anh ta không giỏi lắm nhưng da đen, nên tôi bầu cho anh ta. Phải có diễn xuất tốt."

Gây tranh cãi nảy lửa là phát biểu của Charlotte Rampling, nữ diễn viên 60 tuổi vừa nhận đề cử Oscar Nữ diễn viên chính. Bà nhận xét ngược lại về chiến dịch là "phân biệt chủng tộc với người da trắng". "Chẳng ai biết được, nhưng có lẽ những người da màu không xứng đáng được đề cử. Tại sao phải phân loại mọi người? Chúng ta sống ở một nơi mà mọi người đều phần nào được chấp nhận. Liệu chúng ta có nên phân loại mọi thứ để nơi nào cũng có thật nhiều người thuộc những nhóm thiểu số?"

Chiến dịch tẩy chay Oscar của những diễn viên da màu gây tranh cãi - Ảnh 4.

Nữ diễn viên "45 Years" có phát biểu đầy tranh cãi

Để đáp trả, những người ủng hộ chiến dịch tẩy chay cho rằng Caine và Rampling chính là "hình mẫu" của Viện hàn lâm: già và da trắng. Theo một thống kê của Los Angeles Times, có đến 94% số người bầu Oscar là người da trắng với độ tuổi trung bình là 63. Trên trang Vox, tác giả Alex Abad-Santos đã viết một bài báo với tựa đề: "Những diễn viên da trắng lớn tuổi không hiểu vấn đề đa dạng chủng tộc của Oscar. Vấn đề từ đó mà ra."

Những người da màu đang làm quá?

Để nhìn nhận sự việc tổng quát, chúng ta hãy cùng xem biểu đồ của The Economist. Sự thiên vị da trắng là có ở trước thập niên 2000, nhưng khi sang thế kỉ 21 thì mọi chuyện đã khả quan hơn rất nhiều. Tính từ năm 2000, những người da màu sở hữu 10% đề cử Oscar diễn xuất, và có 9 diễn viên giành giải, chiếm tỉ lệ 13,2%. Những con số này hoàn toàn phù hợp với tỉ lệ 12,6% người da đen trong dân số Hoa Kỳ, và thật khó để chứng minh sự "bạc đãi" của Viện hàn lâm.

Chiến dịch tẩy chay Oscar của những diễn viên da màu gây tranh cãi - Ảnh 5.

Biểu đồ của The Economist

Năm 2013, để giành giải Nữ diễn viên phụ, diễn viên da màu Lupita Nyong'o đã vượt qua Jennifer Lawrence, "nàng thơ" được giới phê bình hết mực yêu thích. Trước đó hai năm, Octavia Spencer được xướng tên, và Mo'Nique trước đó hai năm nữa. Năm 2013, ở tuổi lên 9, Quvenzhané Wallis trở thành người trẻ nhất trong lịch sử được đề cử Oscar giải Nữ chính, bất chấp nhiều người cho rằng bé chỉ làm theo bản năng chứ không phải diễn xuất. Cũng trong năm đó, Argo giành giải Phim hay nhất nhưng Ben Affleck thậm chí còn không được đề cử giải Đạo diễn, mà người thắng là Lý An.

Nếu có bất công ở giải Oscar, người lên tiếng phải là nhóm Hispanic (gốc Tây Ban Nha) và gốc Á. Nhóm Hispanic chiếm đến 16% dân số nhưng chỉ có 3% đề cử, còn người gốc Á chỉ có 1%. Trong những tác phẩm lớn, rất ít có vai chính dành cho hai nhóm người này.

Chiến dịch tẩy chay Oscar của những diễn viên da màu gây tranh cãi - Ảnh 6.

Idris Elba vắng mặt quả là điều đáng tiếc

Điều buồn cười ở chỗ, phe tẩy chay Oscar ai cũng nhắc đến những điều "đao to búa lớn", nhưng họ lại cố lờ đi việc nêu đích danh một ứng viên da màu nào đã bị bỏ qua. Theo cá nhân người viết, năm nay chỉ có một người da màu mất đề cử oan là Idris Elba trong Beasts of No Nation (hạng mục Nam diễn viên phụ). Thế nhưng anh bị trượt không hẳn vì vấn đề sắc tộc, mà còn do ác cảm của giới điện ảnh dành cho Netflix.

Will Smith và Michael B. Jordan có thể xuất sắc trong Concussion và Creed, nhưng thật lòng mà nói, liệu có thể gạt bỏ cái tên nào trong số Bryan Cranston, Matt Damon, Leonardo DiCaprio, Michael Fassbender và Eddie Redmayne để nhường chỗ cho họ? Cũng tương tự như vậy, nếu ngay cả nhà làm phim kỳ cựu Ridley Scott còn không có mặt trong Top 5 đạo diễn, thì có cơ hội nào cho Ryan Coogler?

Người viết vẫn nhớ mãi cuộc thi MasterChef năm 2012. Khi đó Christine Hà là thí sinh gốc Việt và còn bị khiếm thị một phần, đi lại phải dùng gậy. Dù hoàn cảnh cô như vậy, song ba vị giám khảo vẫn đưa ra rất nhiều nhận xét phản biện và thẳng thừng chê món ăn cô nấu. Ngược lại Christine Hà cũng hoàn toàn không "lợi dụng" khiếm khuyết của mình, và chỉ muốn được đối xử như một người bình thường. Để rồi cuối cùng, nữ đầu bếp người Việt đã giành thắng lợi trong sự khâm phục của cả ba vị giám khảo lẫn các thí sinh khác.

Chiến dịch tẩy chay Oscar của những diễn viên da màu gây tranh cãi - Ảnh 7.

Sự chuẩn mực của Christine Hà và ban giám khảo MasterChef

Đó là cách hành xử văn minh từ cả hai phía, một biểu hiện của sự công bằng và giấc mơ Mỹ. Cũng theo người viết, nó đáng nể phục hơn rất nhiều so với thái độ giãy nảy của một bộ phận diễn viên da màu ở thời điểm hiện tại.

Những động thái như đòi tẩy chay Oscar và đưa thêm người da đen vào Viện hàn lâm có phần trẻ con, và thể hiện sự bất mãn khi hai năm qua chưa có cái tên da màu nào thuyết phục được hội đồng. Phần lớn những người ngồi ở Viện hàn lâm hôm nay cũng là những người đã tôn vinh 12 Years a Slave, Octavia Spencer hay Forest Whitaker cách đây vài năm, vì vậy chẳng có lý do gì để những năm sắp tới họ không bầu chọn cho Will Smith hay Michael B. Jordan, nếu những diễn viên này có đủ thực lực.

Khi anh còn đòi hỏi đặc quyền, người ta chưa thể đối xử công bằng với anh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày