Đối với những khán giả theo dõi bộ phim truyền hình
Cô Dâu 8 Tuổi, có lẽ bà nội chồng của nữ chính Anandi – bà Kalyahi Devi – là nhân vật khó chịu và đáng ghét nhất phim. Trong mọi tình huống, bà Kalyahi luôn tỏ rõ thái độ trọng nam khinh nữ. Bà thường xuyên khen ngợi cậu cháu trai Jagdish cũng như “dìm hàng” cô cháu dâu đáng thương. Tuy nhiên trong gần 2.000 tập đã phát sóng, bà đã dần thay đổi và có những tư duy cởi mở và tiến bộ hơn. Dưới đây là 5 điểm “thăng cấp” của nhân vật này trong Cô Dâu 8 Tuổi.
1. Từ “bà già xéo xắt”, trở thành người bà yêu thương cháu dâu
Từ mấy trăm tập đầu của Cô Dâu 8 Tuổi, bà Kalyahi Devi đã khiến người xem phẫn nộ bởi hành động coi thường cô cháu dâu Anandi. Không những thế, bà còn từng suýt hại chết nữ chính chỉ vì muốn Anandi buộc phải tuân thủ theo mọi yêu sách của mình. Ngay cả khi muốn cháu dâu sinh cho mình một đứa cháu trai, bà Dadisa cũng phải buông vài câu chế nhạo Anandi thì mới thấy… yên lòng.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình sống cùng Anandi, bà Kalyahi dần nhận ra những điểm đáng mến ở cô. Cũng nhờ Anandi, bà cũng chú ý đến hai cô cháu dâu còn lại – những người luôn lặng lẽ mỗi khi bị bà khiển trách nặng lời. Dần dần, bà Kalyahi thấy mình đã sai trong cách hành xử và yêu thương các cô cháu dâu hơn.
2. Khiến khán giả nhận thức được nạn tảo hôn là vấn đề đáng lên án
Nạn tảo hôn là một trong những chủ đề chính được đề cập đến trong nội dung của bộ phim truyền hình Cô Dâu 8 Tuổi. Tác phẩm phần nào tái hiện được đời sống của những cô dâu nhỏ bị ép phải kết hôn sớm trong xã hội Ấn Độ hiện đại. Nhà sản xuất cũng muốn cảnh tỉnh người dân về hậu quả mà tảo hôn để lại đối với các em gái còn đang trọn độ tuổi cắp sách đến trường. Với Cô Dâu 8 Tuổi, sau khi trải qua một vài biến cố trong gia đình, bà Kalyahi đã nhận thức được việc tảo hôn là hành động trái pháp luật và cũng là một tội ác!
3. "Cưng" cháu đều nhau: Dù trai hay gái cũng là cháu mình!
Đối với những người cổ hủ và gia trưởng như bà Kalyahi, không quá bất ngờ khi bà luôn ép cháu dâu mình phải sinh bằng được con trai “nối dõi tông đường”. Bà Kalyahi rất gay gắt về vấn đề này cũng như tạo áp lực lớn lên Anandi khi cô trưởng thành. Thế nhưng, khái niệm bình đẳng giới cũng dần xuất hiện trong suy nghĩ của bà. Bà Kalyahi bắt đầu dừng việc cầu cháu trai và cùng cả gia đình đón chào thành viên mới của gia đình – cô con gái nhỏ của Ganga. Để mừng việc cháu gái ra đời, bà còn chuẩn bị những món ăn ngon để mời tất cả người dân trong làng.
4. Con gái cũng cần học vấn
Trước đó, người xem từng cảm thấy vô cùng ức chế khi bà Kalyahi “cổ vũ” cho nạn thất học ở phụ nữ và chế nhạo Anandi vì cô…học giỏi. Thế nhưng một lần nữa, Anandi lại trở thành nhân tố làm thay đổi suy nghĩ của tất cả người dân trong làng. Cô còn khiến bà Kalyahi phải suy nghĩ lại. Trong mấy trăm tập tiếp theo, bà Kalyahi bắt đầu muốn học đọc, học nhận mặt chữ viết. Bà còn ủng hộ những người ở độ tuổi “gần đất xa trời” như mình đến trường học.
5. Bà càng già càng "ngầu"!
Nếu có bất cứ chuyện gì xấu xảy ra với một trong những thành viên nữ của gia đình, bà Kalyahi không ngại chĩa khẩu súng trường về phía đối tượng “gây án” và ngay lập tức hạ gục kẻ xấu. Để bảo vệ lẽ phải, bà sẵn sàng đặt sự tự tôn của mình sang một bên thay vì suốt ngày ngẩng mặt lên trời cầu: “Thần linh ơi!” như những tập đầu.
Từ ngày 27/6 sắp tới, phía nhà đài tại Việt Nam sẽ tăng cường phát sóng mỗi ngày 2 tập phim. Vì thế khán giả Việt sẽ có thể "cày" phim nhanh chóng thay vì chán nản vì độ dài lê thê gần 2.000 tập như bản gốc được chiếu "nhỏ giọt" tại Ấn Độ.