Abduction: Màn "truy kích" có phần... hụt hơi!!

Anh Poly, Mèo 3 Chân, Theo 08:00 08/10/2011

"Abduction" để lộ quá nhiều thiếu sót ở nội dung phim và do đó, điểm số cực tệ hại cho phim là không thể tránh khỏi.

Từng gây sóng gió cho biết bao trái tim người hâm mộ với vai Người sói Jacob trong Twilight Saga, Taylor Lautner hẳn là cái tên hấp dẫn nhất lôi khán giả Việt Nam đến rạp xem Abduction (Truy Kích). Có thể nói, đây là một bộ phim hành động không-dành-cho-người-già, đối tượng luôn bị coi là khó tính.


Chuyện kể về chàng thiếu niên Nathan Harper đang có cuộc sống yên bình cùng cha mẹ. Cậu đến trường học tập, vui chơi và cũng gặp phải những rắc rối tình cảm không thổ lộ nổi với cô bạn hàng xóm Karen (Lily Collins) hệt như chúng mình. Mọi thứ dường như rất bình thường cho đến ngày Nathan tình cờ thấy hình ảnh hồi bé của mình hiện diện trên một trang web tìm người mất tích. Cuộc sống của Nathan đảo lộn hoàn toàn khi cậu phát hiện ra những người mình chung sống bao lâu nay không phải cha mẹ đẻ. Một màn truy lùng ráo riết giữa 2 phe CIA và Mafia Nga mà cậu chính là con mồi bùng nổ. Trên đường trốn chạy khỏi việc bị bắt làm con tin, chính bản thân cậu bị cuốn vào cuộc tranh giành dãy số mã hóa bí ẩn.


Với nội dung mang tính chất hành động kiểu điệp viên không rõ xuất thân, Abduction có nhiều điểm gần giống với series điệp báo nổi tiếng Jason Bourne. Chỉ tiếc rằng, với hình tượng nhân vật chính là một cậu thanh niên chưa trưởng thành và lần đầu tiên được thử thách, những màn hành động trong phim dừng ở mức “vừa phải”. Nếu đặt lên bàn cân với đại diện Hàn Quốc cũng ra mắt tuần này là Quick (Nhanh Hay Chết), Abduction (Truy Kích) còn phải “chào thua”. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, phim vẫn có những trường đoạn hấp dẫn, là cơ hội để Taylor Lautner thể hiện mình.


Đặc sắc nhất phải kể đến phân cảnh võ thuật cận chiến trong toa tàu. Không gian eo hẹp tạo điểm nhấn ấn tượng cho những pha hành động và cho cả diễn xuất tâm lý của nhân vật chính Nathan. Nhớ lại lời răn dạy của người cha dượng thân yêu, Nathan bùng nổ như một quả bom bị kìm nén bấy lâu. Cái chết của những người thân thương thổi lên ngọn lửa căm thù, giúp Nathan hạ gục tên sát thủ xảo quyệt và đầy kỹ năng theo cách khá thuyết phục. Ngoài ra, cuộc rượt bắt trong sân vận động cũng là trường đoạn đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chỉ đạo hành động, quay phim, diễn xuất của tập thể diễn viên quần chúng cũng như kỹ thuật chạy parkour.


Tuy nhiên, "điểm chết" của Abduction lại nằm ở yếu tố quan trọng nhất: nội dung của tác phẩm. Câu chuyện diễn tiến khá đơn giản, dễ đoán. Những màn chuyển cảnh được xây dựng khá sơ sài, tiến triển của nhịp phim còn lộn xộn. Ví dụ điển hình chính là cái kết phim khiến khán giả… chưng hửng. Đó là chưa kể, trong Abduction tồn tại khá nhiều tình tiết không hợp lý: Hai tổ chức tình báo lớn nhất nhì thế giới tỏ ra ngờ nghệch đến khó tin cũng như yếu kém năng lực chuyên môn trong câu chuyện truy đuổi một anh chàng và một cô nàng tuổi teen.


Diễn xuất của hai diễn viên trẻ Taylor LautnerLily Collins chưa đủ sức để thuyết phục được những khán giả khó tính. Trong mắt khán giả, NathanKaren chỉ như một đôi nam thanh nữ tú yêu nhau bình thường, hôn hít theo kịch bản có sẵn chứ chẳng có cơ sở nào để đồng cam cộng khổ khi cái chết cận kề. Nếu như Taylor Lautner diễn xuất cảnh tình cảm thân mật cũng giống như trình diễn cơ bắp: rất cứng và rất "đơ", thì vai trò của Lily Collins trong phim đích thị là “bình hoa di động”.


Với những lý do kể trên, không khó để có thể hiểu tại sao giới chuyên gia lại chấm điểm cho Abduction thấp đến vậy. Điểm Metascore của phim chỉ đạt 25/100. Tại Rotten Tomatoes, con số 5% và rating trung bình 3,3/10 xem ra còn đáng buồn hơn.


Tuy nhiên, đối với những khán giả chỉ cần xem phim giải trí, Abduction vẫn là một lựa chọn thú vị. Dù sao thì, chuyện các nhà phê bình đánh giá thế nào chẳng khiến các fan của Taylor Lautner chùn bước chân tiến vào rạp, nhỉ?

Đạo diễn: John Singleton
Diễn viên: Taylor Lautner, Lily Collins, Alfred Molina
Thể loại: Hành động
Phân loại:
Đánh giá: