2015 là một năm mà khán giả chúng ta chứng kiến một ông già có thể làm phim tốt hơn hẳn lũ trẻ tân thời (Mad Max: Fury Road), một nam diễn viên bị tượng vàng khỏa thân “ám” đến nỗi phải đẩy giới hạn hóa thân nhân vật của mình tới mức tuyệt vọng (The Revenant) và một lần nữa Pixar lại khiến người lớn nhỏ lệ (Inside Out).
Tuy nhiên 2015 cũng là năm mà khán giả tự chứng minh mình dễ bị thao túng hơn bao giờ hết bởi những chiến dịch marketing khôn khéo hơn và hấp dẫn hơn. Nhiều người thừa nhận mình đã trả tiền để xem những bộ phim mà biết chắc sẽ than phiền ngay khi bước chân ra khỏi rạp. Điều tệ nhất là những sai lầm này hoàn toàn có khả năng lặp lại trong năm tới. Dưới đây là một vài sự thật được vạch trần trong năm 2015. Cũng có thể xem đây như những chỉ dẫn nhỏ để lựa chọn khéo léo hơn trong năm tới, hay cứ biết để đó vì thể nào tụi fan cuồng điện ảnh, bao gồm bạn cũng sẽ bỏ tiền ra rạp mà thôi…
1. Hoài niệm bị đào bới điên cuồng
Có lẽ năm nay là năm có nhiều tác phẩm bị dán mác “reboot” hay “remake” nhiều nhất trong lịch sử. Chúng ta có Star Wars: The Force Awakens có nội dung nhang nhác những phần trước, một loạt nhân vật cũ quay lại để dàn cast mới “dựa hơi” và phim cũng dễ quảng bá hơn. Creed được sản xuất để ăn theo hào quang le lói của loạt phim Rocky. Bõ công xây cả một “thế giới khủng long” (Jurrasic World) nhưng chuyện phim lại y hệt những gì xảy ra ở đảo Isla Nublar (Jurassic Park) năm nào.
Cũng may là những cái tên trên đều thành công. Jurassic World lãi to với 1,669 tỷ USD và trở thành phim có doanh thu thứ 3 cao nhất mọi thời đại. Phần thứ 7 của Star Wars thu được gần 2 tỷ USD và đang là bộ phim đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng doanh thu mọi thời đại. Creed cũng nhận được nhiều lời khen của giới phê bình. Tuy nhiên, những nỗ lực khác như mang Kẻ Hủy Diệt trở lại (Terminator: Genisys), xây dựng một vài buổi biểu diễn đặc phong cách thập niên 80 như Jem and Holograms lại không may mắn bằng.
Thay vì tạo ra những kịch bản mới, dàn cast mới, những nhà làm phim hiện đại lại trục lợi ký ức của khán giả và xô họ vào những “điểm dối lừa”, lấp liếm việc ngành công nghiệp điện ảnh đang cũ kỹ và sáo mòn.
2. Một đống tiền bị lãng phí cho một phim khiêu dâm chẳng ra gì
Thay vì bỏ vài đô và truy nhập vào một web sex bất kỳ, hàng triệu người lại bỏ ra số tiền đắt hơn cả chục lần để vào rạp xem một phim porn dạng nhẹ với nội dung chính xác là Twilight ở phiên bản đậm ái dục hơn. Hai diễn viên chính cũng bị chê dài về nhan sắc và khả năng diễn xuất từ lúc tuyên bố dàn cast tới lúc xuất hiện trong phim. Tại Việt Nam còn tội nghiệp hơn khi những cảnh nóng bỏng bị cắt sạch sẽ. Cặp nam nữ chính ôm nhau khi trời tối, cắt bụp một phát, họ buông nhau ra và thở hổn hển trong vòng 3 giây!
Những tấm ảnh khỏa thân đầy kích thích trong quá trình PR đã khiến Fifty Shades Of Grey khơi gợi được trí tò mò của nhiều người. Họ lầm tưởng rằng đây sẽ là một phim tình dục nóng bỏng và ướt át nhất trong năm nay. Rốt cục, lại bị lừa một quả đau đớn.
3. Cứ 15 phút lại có Sản-Phẩm-Gì-Đó nhảy vào màn hình chiếu
Quảng cáo sản phẩm giúp ngành công nghiệp điện ảnh tồn tại nhưng làm ơn, trong năm vừa rồi nhiều màn quảng cáo bị “lố” đến mức khó tin. Xem nhé: Dom (Furious 7) bảo mình quen uống bia Corona và nguyên xô đá chứa loại bia này được đẩy tới vì Mr. Nobody đã nghiên cứu hồ sơ của anh (!?). Coca Cola và Mercedes lao thẳng vào mặt khán giả vì hai nhãn hiệu này đã đổ không ít tiền cho Jurassic Word. Hit Man: Agent 47 cơ bản là một TVC quảng cáo dài 96 phút cho dòng xe Audi RS7. Bá đạo hơn, Baskin Robin đã trở thành CIA mới, MI6, Hydra hay một tổ chức chết tiệt có mạng lưới toàn cầu vì hãng kem này “biết tất cả”.
Một cảnh phim trong "Ant-man"
Quảng cáo qua phim ảnh đã được sử dụng từ năm 1982 khi Burger King chễm chệ xuất hiện trong Arrested Development, tuy nhiên nó chưa bao giờ trở nên trắng trợn thế này. Trừ những ai để ý quá kỹ rồi khó chịu, khán giả đại chúng vẫn... vui vẻ khi phát hiện ra thương hiệu nào vừa xuất hiện trên màn hình. Chuyện bỏ tiền ra xem quảng cáo bị xem như điều hiển nhiên, và có khó chịu hay không thì không thể phủ nhận rằng chúng ta vẫn nhớ như in tất cả thương hiệu đó. Và với các nhà kinh doanh thì sao? Vậy là quá đủ rồi.
4. Bộ phim “í ẹ” có một tiêu đề “í ẹ” không kém
Nếu bạn tưởng tên phim là Fantastic Four thì nhầm! Chính xác là Fant4stic, kiểm chứng với poster phía dưới xem.
Không chỉ ồn ào vì chất lượng tệ hại mà ngay từ khi cái tên chính thức của phim được đem quảng bá trên toàn thế giới đã có vấn đề. Bạn thử đọc đúng tên phim xem, “fant-four-stick”, có dị không chứ? Chắc Fox nghĩ rằng việc chêm cả số trong tựa phim sẽ làm phim của họ trông “ngầu” hơn. Nhớ lại năm 2002, tựa phim 2 Fast 2 Furious đã bị xem là “đầy vấn đề, lủng củng”. Và giờ đây, Fant4stic ra đời để tranh danh hiệu phim có tên dở nhất mọi thời đại. À xin lỗi vì đã nhắc lại cái tên thấy ghê trên nha.
5. Nhồi nhét những chuyện tình thảm hại và tình tiết phải gắn liền với gia đình
Bạn cần phải biết sự thực rằng tại mọi hãng phim tại Hollywood luôn có một kiểu Giám đốc điều hành hộc tốc gọi đội ngũ biên kịch của mình lên và yêu cầu nhét vào phim một chuyện tình diễm lệ hay một gia đình để người hùng phải điên cuồng bảo vệ.
Trong năm 2015 chúng ta có gì? Bên cạnh những màn trình diễn không được đã mắt, Avengers: Age Of Ultron còn bị tống thêm một chuyện tình từ trên trời rơi xuống của Black Widow và Hulk khiến cô gái tội nghiệp trở nên rẻ rúng vì phim nào cô cũng tán tỉnh một anh, giờ lại tuyên bố yêu và đòi bỏ đi biệt xứ với một anh khác. Còn gì nữa không? Hawkeyes không phải anh chàng tuyệt vọng bị “friendzone” mà đã có vợ và hai con.
Trong Ant- man, Scott-Lang nỗ lực bảo vệ gia đình ở trận chiến cuối phim nhưng chi tiết này cũng chả ảnh hưởng nhiều đến mạch phim. Jurrassic World còn tệ hơn khi phí phạm 10 phút đầu phim để kể về đôi vợ chồng vô trách nhiệm muốn ly dị và đẩy hai đứa con cho em gái chăm sóc. Tình tiết này chả đi đến đâu và chả có ý nghĩa vì khán giả chỉ quan tâm tới những con khủng long và chuyện tình của mỹ-nhân-giày-cao-gót và chàng Star Lord nay có thêm khả năng dụ thằn lằn.
Đó là một vài ví dụ. Những tình tiết trên nhạt nhẽo đến mức các biên kịch cũng chả hứng thú sáng tạo. Dường như họ buộc phải viết thêm vào kịch bản cũ nếu muốn nhận đủ tiền từ nhà sản xuất. Chỉ có một phim mà chi tiết liên quan đến gia đình được sử dụng hợp lý, đó là Furious 7 khi Dom (Vin Diesel) nỗ lực cho “lần đua cuối” để Brian (Paul Walker) toàn tâm chăm sóc gia đình. Ơn giàng, đoạn tạm biệt và bài hát See You Again vang lên đầy cảm động. Rồi sao chứ? Vin “dầu nhớt” vẫn hào hứng làm phần 8. Và đây sẽ là “lần cuối”, vâng, chính xác là vậy với combo ba phần phim 8 9 10 và một TV series đang chờ sản xuất. Đua cho chết luôn.
6. Các nhà làm phim lờ đẹp mớ logic về du hành không gian
Du hành thời gian là một dạng kịch bản yêu cầu nhiều chất xám nhưng trong năm 2015, các nhà làm phim không thèm đếm xỉa tới những logic cơ bản và viết ra loạt tình tiết rất hỡi ôi. Terminator: Genisys phạm lỗi nghiêm trọng nhất khi Kyle Reese và Sarah Connor không chịu (cũng có thể chưa kịp) ngủ với nhau nhưng “thằng nghịch tử” John Connor vẫn lù lù xuất hiện săn giết bố mẹ nó. Rồi một chi tiết vớ vẩn gọi là “lưu vong giữa dòng thời gian”. Kyle đáng ra phải chết giờ sống nhăn và được tồn tại cùng với nhóc Kyle mà anh chàng nói chuyện cuối phim luôn!
Bên cạnh đó chúng ta còn có Project Almanac, phim mà “lũ trẻ trâu” về cày nát quá khứ cả chục lần xong thấy tương lai không như ý lại quay về cày nát chục lần nữa. Terminator: Genisys và Project Almanac không chịu lỗ kinh phí sản xuất, tuy nhiên nó là một lời sấm truyền rằng khán giả chuẩn bị đón một loạt phim “não tàn” ra rạp.
7. Bạn chịu đựng suốt hai tiếng để xem diễn xuất thấy ghê và nghe nhạc của Die Antwoord
Chappie là một phim khá ổn được thực hiện bởi đạo diễn tài năng, thích thử nghiệm Neil Blomkamp. Tuy nhiên cú thử nghiệm này của anh lại gây “hết hồn” trên phạm vi toàn thế giới. Không chỉ dùng nhạc của nhóm rap Nam Phi như OST, hai ca sĩ này còn được mời thủ vai... chính mình, chỉ hư cấu thêm chuyện họ có một con robot xịn thôi.
Style của người máy Chappie thú vị và “người” nhất trong các robot từng bước lên màn ảnh nhưng người ta thích bàn tán rằng anh nhóc này “cool ngầu” trong điệu bộ gangster hơn là những khía cạnh khoa học đáng nói hơn. Chappie cũng giống hệt một quảng cáo dài hơi của Die Antwoord mà thú thật nếu không có phim cũng có ít người dám nghe nhóm hát và xem hết các MV vì style cực kì quái dị của họ.
8. Một loạt phần tiếp theo vô nghĩa được xuất hiện
Mặc dù chúng ta luôn muốn tìm kiếm những bộ phim hay nhưng nhà sản xuất vẫn bỏ túi cả đống tiền nhờ vào việc chăm chỉ sản xuất những phần tiếp theo tẻ nhạt. Năm nay có gì nào: Paul Blart: Mall Cop 2, Ted 2, Terminator Genisys, Sinister 2, The Transporter: Refueled và Paranormal Activity: The Ghost Dimension.
Khai thật đi, có Arnold Schwarzenegger thì bạn còn đủ kiên nhẫn chứ Transporter mà thiếu Jason Statham và thay bằng anh giả hói giả trọc này thì liệu có hứng thú với phim không?
Thừa biết mớ hổ lốn trên rất tệ nhưng một thế lực vô đối nào vẫn dẫn dụ chúng ta ra rạp “nuốt rác”. Tiền không ngừng chảy về túi các đại gia hãng phim, càng lắm lãi thì họ càng hào hứng triển khai kế hoạch sản xuất (nhiều) phần tiếp theo nữa. Nhân đây xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Trung Quốc khi nước này đã giải nguy cho Terminator: Genisys. Bộ phim bị ghẻ lạnh tại Bắc Mỹ nhưng khi đem qua đất nước tỷ dân đã thu thêm 25% doanh thu và đảm bảo phần thứ 6,7 sẽ ra rạp đúng năm 2017 và 2018.
9. Taken 3 có gã biên tập bị động kinh
Nếu bạn xem Taken 3 ngoài rạp thì chắc chắn bạn sẽ bị đau đầu, tệ nhất là mất luôn phương hướng vì gã biên tập chết tiệt nào đó đã làm một cái phim rung lắc và rối rắm điên cuồng thế này.
Phải có đến 4 hay 5 shot phim bị nhét trong hai giây ngắn ngủi để che bớt sự chậm chạp, già nua của Bryan Mills (Liam Neeson) đồng thời làm phim có vẻ gay cấn, điên cuồng hơn. Đó là chưa kể logic cũng phi giá trị trong phim này luôn! Ông bố toàn phải chống mafia cứu con lần này còn có giác quan thứ 6 để xông vào những nơi không có dữ kiện để đánh kẻ thù và biết được cảnh sát sẽ chở mình trên đường nào mà tổ chức kế hoạch... cướp xe. Quá nhiều tình tiết mà khán giả phải ngậm ngùi chấp nhận rằng biên kịch muốn vậy thì sẽ phải vậy!
10. Chúng ta nói nhiều về giày cao gót hơn là khủng long trong một phim về khủng long
Vâng, Jurrasic World đã hồi sinh thành công thương hiệu Jurassic Park và mang về cả thảy 1.669 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Cái khán giả bàn luận sau khi bước ra khỏi rạp không phải vẻ “cool ngầu” của Indominus Rex, sự bá đạo của T-Rex hay bạn khủng long dưới nước a.k.a “chị lớp trưởng” mà là đôi giày cao chót vót mà Claire (Bryce Dallas Howard) mang suốt phim.
Claire chạy thoát khỏi T-Rex với đôi giày cao ngật ngưỡng
Chi tiết này đã trở thành trò cười trên mạng xã hội, dàn cast của phim cũng không quên giễu nhại nó trên các show truyền hình mà họ tham gia. Tuy nhiên, xuyên xuốt bộ phim không có một chi tiết nào đề cập đến vấn đề “vi diệu” này. Không phủ nhận đây là một chi tiết khá kì quặc nhưng làm ơn đi, chúng ta đã nói về nó nhiều đến nỗi quên mất phim còn có những ưu điểm và nhược điểm xứng đáng để quan tâm hơn nhiều.